Cảnh báo lừa đảo hỗ trợ nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

24/08/2022 13:25
Mộc Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo người lao động lưu ý các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn, tránh bị kẻ gian lợi dụng thủ đoạn lừa đảo.

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát đi cảnh báo, khuyến cáo người lao động, người dân các đơn vị, tổ chức lưu ý các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn,… không chính thống, tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo, trục lợi.

Cụ thể, những ngày gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc một số đối tượng giả danh cán bộ Bảo hiểm xã hội Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội.

Theo đó, chị N.H.T. (sinh năm 1987, ngụ tại ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 11/8/2022, trong quá trình sử dụng mạng xã hội Facebook chị T. thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ “Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn. 1- Làm lại sổ bảo hiểm xã hội. 2- Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo người lao động trước những chiêu trò lừa đảo, trục lợi trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo người lao động trước những chiêu trò lừa đảo, trục lợi trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa).

Do đang có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết chế độ hồ sơ quá hạn bảo hiểm xã hội nên chị T. đã liên hệ với Fanpage trên. Chị T. được hướng dẫn liên hệ với một tài khoản Zalo tên Lương Uyên.

Tại đây, người này yêu cầu chị T. cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ cho chị T. với số tiền là 17.706.000 đồng với số lần giải ngân là 5 lần.

Mỗi lần giải ngân chị T. phải chuyển khoản cho chuyên viên Bảo hiểm xã hội giả này số tiền là 820.000 đồng - phí giải quyết hồ sơ - vào số tài khoản mà chuyên viên này cung cấp.

Sau khi trao đổi, chị T. đã chuyển khoản cho người này số tiền là 820.000 đồng - phí giải quyết hồ sơ - vào số tài khoản mà người này cung cấp.

Sau đó, người này tiếp tục yêu cầu chị T. chuyển thêm tiền vào tài khoản đã cung cấp để được nhận đủ tiền trợ cấp trong ngày.

Thấy khả nghi, nên chiều cùng ngày, chị T. tìm đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để kiểm tra thông tin và biết mình đã bị lừa.

Điều đáng nói là trước đó, chị T. đã tới cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện Cần Giờ để hỏi về khoản tiền trợ cấp thai sản và được chuyên viên Bảo hiểm xã hội huyện giải thích kỹ càng về trường hợp của chị không đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật, nhưng chị T. vẫn muốn tìm cách lách luật để được hưởng quyền lợi.

Đáng nói, không chỉ tại thành phố Hồ Chí Minh, tại các địa phương khác như An Giang cũng có tình trạng người lao động nhận được tin nhắn của một số đối tượng giả danh người của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận hỗ trợ làm thủ tục giải ngân tiền trợ cấp thất nghiệp.

Các đối tượng này yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng bảo hiểm xã hội trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó các đối tượng này hứa sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, số tiền này phải thanh toán trước.

Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, người lao động cũng không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.

Trước các hiện tượng mạo danh trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, hiện nay, đơn vị này chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau:

1- Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam: https://baohiemxahoi.gov.vn/;

2- Các trang mạng xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

- Fanpage Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn;

- Zalo Official Account:

3- Ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”:

4- Số hotline 1900.9068.

5- Cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện/tỉnh.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến cáo, người lao động, người dân các đơn vị, tổ chức lưu ý các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu trên; không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, các diễn đàn,… không chính thống, tránh bị kẻ gian lợi dụng, lừa đảo.

Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Trước đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng từng phải cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo tương tự.

Theo đó, vào cuối tháng 10/2021, kể cả sau khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra cảnh báo về việc có đầu số 052… nhắn tin tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản, đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều phản ánh về việc có các đầu số khác nhắn tin, gọi điện và gửi đường link đăng nhập và một số ứng dụng, trang web xấu nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản và thông tin cá nhân của người dân.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, nhiều người nhận được tin nhắn từ các đầu số: +84563…; +84528…; +84582… với nội dung “[T.B] BHXH: Ong (Ba) da du d!eu k!en NHAN T1EN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao www.mvndc.icu de lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN! oZGa” hoặc “Ban da du d!eu k!en NHAN TIEN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao N85k.smkbid.icu) de lay. QUA HAN SE KHONG_DU0C CHAP NHAN!”…. Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo. Khi người dân mất cảnh giác, đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng, sau đó các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.

Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe, hướng dẫn kê khai tài sản, chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng. Một số người đã mất cảnh giác, truy cập qua các link lừa đảo trên và bị kẻ xấu chiếm đoạt thành công tiền trong tài khoản ngân hàng cá nhân.

Mộc Hương