Cảnh báo nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng từ các container chứa hóa chất

12/11/2013 15:52
Ngọc Luân
(GDVN) - Hôm nay, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã chính thức cấp phép cho tổ người nhái - lặn xuống tiếp cận cả 2 con tàu để lên phương án cứu hộ cũng như điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Theo báo cáo mới nhất của đại diện chủ tàu Heung- A Dragon, hiện trên tàu đang có tổng cộng 33 container hóa chất độc hại và dễ cháy. Vì vậy, hiện các cơ quan chức năng đang rất lo ngại, nếu như không sớm có phương án thích hợp để xử lý, sẽ dẫn đến nguy cơ số container này bị rơi xuống biển, gây ô nhiễm trên diện rộng cả vùng biển, hoặc sẽ lại tiếp tục bốc cháy như vừa qua.

Đã tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn.

Tiếp tục khẩn trương triển khai công tác khắc phục sự cố của vụ tai nạn hàng hải trên vùng biển Vũng Tàu, trưa nay, ngày 12/11/2013, tin từ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, đơn vị này đã cấp phép cho tổ thợ lặn khảo sát bánh lái con tàu Eleni để tiến hành cắt dây xích quấn vào chân vịt bánh lái.

Phao số 2 bị mắc kẹt dưới bánh lái của con tàu Eleni
Phao số 2 bị mắc kẹt dưới bánh lái của con tàu Eleni

Theo nhận định ban đầu của ông Lê Văn Chiến – Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn đâm va nghiêm trọng giữa 2 tàu hàng nước ngoài vừa qua, rất có thể là do khi tàu Eleni cặp sát phao số 2 – luồng Vũng Tàu - Thị Vải, đã làm sợi dây xích sắt từ phao số 2 quấn vào chân vịt bánh lái của con tàu. Điều này đã khiến con tàu Eleni bị kẹt bánh lái dẫn đến mất lái nên đâm vào con tàu container Heung-A Dragon.

Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cũng đã cấp phép cho tổ thợ lặn tiếp cận khảo sát bên dưới con tàu Heung-A Dragon, để lên phương án, chuẩn bị cho công tác trục vớt con tàu đang bị chìm nghiêng trên khu vực bãi cạn.

Trong một diễn biến khác, từ hôm qua, các cơ quan chức năng hàng hải của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tiến hành lấy lời khai ban đầu đối với ông Lee Kwang Ho (61 tuổi - quốc tịch Hàn Quốc) - thuyền trưởng của tàu Heung-A Dragon để phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

 Đồng thời, cơ quan chức năng cũng yêu cầu thuyền trưởng, đại diện chủ tàu tiến hành khảo sát hiện trạng và khẩn trương nghiên cứu, lập phương án trục vớt tàu Heung-A Dragon, và tìm kiếm, thu gom các container đang bị chìm và trôi dạt khắp nơi trên vùng biển Vũng Tàu và Cần Giờ.

Con tàu Heung-A Dragon cùng số hàng hóa trị giá hàng chục triệu USD đang chìm dần trên bãi cạn
Con tàu Heung-A Dragon cùng số hàng hóa trị giá hàng chục triệu USD đang chìm dần trên bãi cạn

Những ngày qua, thuyền trưởng tàu Heung-A Dragon đã dùng phương pháp neo giữ tàu không để trôi lệch khỏi luồng tuyến do thời tiết xấu, nhằm bảo đảm hoạt động bình thường cho tàu thuyền qua lại trên luồng Thị Vải – Vũng Tàu ở khu vực tàu đang chìm.

Riêng đối với con tàu Eleni gây ra vụ tai nạn, Cảng vụ hàng hải cũng đã ra thông báo: yêu cầu Xí nghiệp hoa tiêu Vũng Tàu tạm thời không bố trí hoa tiêu dẫn tàu Eleni, để phục vụ công tác điều tra.

Hiện, con tàu Eleni (quốc tịch Marshall Island) và 20 thủy thủ trên tàu này vẫn đang được tạm giữ tại hiện trường, neo đậu cách con tàu bị chìm Heung-A Dragon không xa.

Nhiều container chứa hóa chất dễ cháy – độc hại.

Cũng theo ông Lê Văn Chiến, vào chiều qua, ngày 11/11, đại diện chủ tàu Heung-A Dragon đã trình phương án trục vớt con tàu này lên Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu.

Đại diện chủ tàu lên phương án đưa thợ lặn Singapore sang trục vớt con tàu, nhưng đã bị bác bỏ
Đại diện chủ tàu lên phương án đưa thợ lặn Singapore sang trục vớt con tàu, nhưng đã bị bác bỏ

Theo đó, đại diện chủ tàu muốn đưa các thợ lặn từ Singapore sang Vũng Tàu để lặn khảo sát và phối hợp trục vớt.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, xem xét hồ sơ, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu đã không chấp nhận phương án này mà chủ tàu đưa ra. Bởi, Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu khẳng định: thợ lặn của Việt Nam hiện có đủ trình độ chuyên môn, kỹ thuật để có thể đảm nhiệm tốt công việc này. Vì vậy, phía Cảng vụ đề nghị đại diện chủ tàu container Hàn Quốc phải điều chỉnh phương án trục vớt khác, phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam.

Trong khi đó, một báo cáo khác của đại diện chủ tàu Heung-A Dragon vào sáng nay, ngày 12/11 cũng cho biết, nguyên nhân của vụ cháy container trên tàu mấy ngày qua chính là do chất Sodium hydrosulfite chứa bên trong container.

Cũng theo báo cáo này, trên tàu Heung- A Dragon hiện chở tổng cộng 33 container hóa chất. Ngoài container chở hóa chất đã gây cháy, còn có các hóa chất khác cũng nguy hiểm và dễ cháy không kém như: Sodium chlorate, Methoxysilane, Sodium cyanide, Nitrocellulose, Cyanuric chloride...

Và, trong số đó, có 10 container sẽ được giao tại cảng TP. HCM.

Nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng nếu các container chứa hóa chất rơi xuống biển
Nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng nếu các container chứa hóa chất rơi xuống biển

Vì vậy, hiện các cơ quan chức năng hàng hải tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang rất lo ngại, nếu như không sớm có phương án thích hợp để xử lý, sẽ dẫn đến nguy cơ số container này bị rơi xuống biển, gây ô nhiễm trên diện rộng cả vùng biển, hoặc sẽ lại tiếp tục bốc cháy như vừa qua.

Theo ghi nhận, tại hiện trường của vụ tai nạn, con tàu Heung-A Dragon, đang chìm dần và độ nghiêng cũng mỗi lúc một lớn hơn. Trong đó, đến trưa nay, phần bánh lái của con tàu đã bị chìm xuống khá sâu, còn phần mũi tàu thì bị chếch lên. Trên boong tàu, hàng trăm container đã bị xô lệch, xáo trộn và có nguy cơ rơi xuống biển bất cứ lúc nào.   

Được biết, tính đến 14h chiều nay, các lực lượng tham gia cứu hộ, tìm kiếm container trôi dạt đã vớt được lên sà-lan 10 container, còn khoảng 20 container nữa đã được neo giữ nhưng chưa thể cẩu lên sà-lan được vì điều kiện tại hiện trường chưa cho phép. Ngoài ra, còn khoảng 28 container nữa vẫn bị mất tích, chưa thể tìm thấy.

Hiện vụ cháy container hóa chất trên tàu con tàu bị nạn Heung-A Dragon đã được kiểm soát hoàn toàn.


Ngọc Luân