Cao Bằng đặt hàng nhưng GV lại trúng tuyển tỉnh khác thì có thu hồi kinh phí?

25/08/2022 06:41
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương theo Nghị định 116 là vấn đề kinh phí.

Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, áp dụng từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022.

Nghị định này cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cơ chế này vẫn chưa được nhiều địa phương triển khai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng chia sẻ, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương theo Nghị định 116 là vấn đề kinh phí. Bởi vì nếu đấu thầu hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên thì hằng năm tỉnh sẽ phải sắp xếp một phần ngân sách không nhỏ cho việc này, trong khi địa phương vẫn cần dành nhiều nguồn lực để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực khác.

“Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đã có tờ trình gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đặt hàng 39 chỉ tiêu giáo viên môn tiếng Anh và Tin học. Vì hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng thiếu giáo viên, nhất là hai bộ môn này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa nhận được phản hồi”, ông Vũ Văn Dương nói.

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Cao Bằng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng bày tỏ băn khoăn, đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, tỉnh sẽ phải chi trả một khoản kinh phí không nhỏ nhưng sau này các em sinh viên đó vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP của Chính phủ không có bất kỳ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng. Vậy trường hợp sinh viên đó không trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng viên chức ở tỉnh Cao Bằng nhưng sau này các em lại trúng tuyển ở tỉnh khác và vẫn làm việc trong ngành giáo dục thì làm thế nào tỉnh Cao Bằng có thể lấy lại được kinh phí, riêng việc bồi hoàn cũng đã vô cùng phức tạp.

“Cao Bằng là tỉnh vùng cao, còn khó khăn nên chưa “dám” đặt hàng. Hơn nữa, số người học đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm còn nhiều nên địa phương sẽ có chính sách tuyển dụng đội ngũ này. Mặt khác, tỉnh sẽ sắp xếp, bố trí, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu để đảm bảo đủ đội ngũ khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Vũ Văn Dương nói.

Còn ông Lê Văn Long, Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ - Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tại ngành giáo dục tỉnh này đang thiếu 966 người bao gồm cả giáo viên và nhân viên. Mới đây, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên năm học 2022-2023, trong đó tỉnh Đắk Nông được giao bổ sung 115 chỉ tiêu biên chế. Tới đây, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, xin ý kiến Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để phân bổ số chỉ tiêu này hợp lý, khoa học, đúng kế hoạch.

Vấn đề nan giải nhất đối với ngành giáo dục tỉnh Đắk Nông hiện nay là chỉ tiêu biên chế cho ngành giáo dục vẫn còn nhưng khi tuyển dụng thì không có nguồn.

Đặc biệt, với bộ môn Tin học và tiếng Anh, số cử nhân Công nghệ thông tin và cử nhân tiếng Anh ra trường họ không muốn dạy học sinh tiểu học. Nếu tuyển được thì khi điều chuyển họ đến công tác ở vùng sâu vùng xa cũng rất khó có thể duy trì, gắn bó lâu dài. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo chưa đào tạo kịp thời nguồn giáo viên để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Bàn về việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, ông Lê Văn Long cho hay, đặt hàng giáo viên của các trường sư phạm còn phụ thuộc vào nhiều bộ, ngành. Vì giáo viên còn liên quan tới vấn đề biên chế trong khi hiện nay chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế.

“Sở Nội vụ chưa dự báo được con số tinh giản biên chế của ngành giáo dục tỉnh nên rất khó để tiến hành đặt hàng đào tạo giáo viên.

Nếu bây giờ đặt hàng nhưng 4 năm sau các em ra trường tỉnh không tuyển dụng thì người đi học sẽ phải trả lại kinh phí đào tạo, thu hồi kinh phí rất khó khăn nên phải cân nhắc rất kỹ lưỡng vấn đề này”, ông Lê Văn Long nói.

Thực tế cho thấy, năm 2021 một số địa phương đã đăng ký nhu cầu để Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu nhưng không triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ trong việc đào tạo giáo viên. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong kinh phí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa tính toán cân đối, đồng bộ giữa nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên và tuyển dụng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Nông thông tin: Vấn đề biên chế giáo viên là vấn đề quan tâm chung của các địa phương trong cả nước. Từ 2015, chúng ta thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế nên việc giảm 10% biên chế sự nghiệp là chủ trương chung. Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện nay, 3 năm nay ngành nội vụ đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông không cắt giảm biên chế sự nghiệp ngành giáo dục - đào tạo, đồng thời ưu tiên xét tuyển biên chế cho một số địa phương thiếu nhiều giáo viên.[1]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://daknong.edu.vn/cac-thay-co-giao-phai-luon-giu-duoc-tam-huyet-su-tan-tam-voi-nghe.html

Anh Trang