Cao tăng Việt Nam: "Giáo lý Phật giáo không cổ súy đốt vàng mã"

29/08/2012 14:58
Hải Hà
(GDVN) – Theo các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý Phật giáo không có quy định và không cổ súy tập tục đốt vàng mã.


Đốt nhiều vàng mã trong Lễ Vu Lan và ngày Xá tội vong nhân đã trở thành tập tục lâu đời ở nước ta. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tập tục này đã gây rất nhiều lãng phí công sức và tiền bạc của người dân.

Đốt vàng mã chỉ là tín ngưỡng dân gian

Chuyện xưa kể rằng, đốt vàng mã là một tục lệ dân gian, xuất phát từ thời nhà Hán (Trung Quốc). Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, chúng thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng.

Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Chuyện đốt tiền giấy (vàng mã) ra đời từ đó và trở thành tập tục. Tập tục này được du nhập vào Việt Nam theo những người Trung Hoa.

Trong khi đó, theo lý giải của các vị cao tăng Việt Nam, trong nhà Phật không có tục lệ đốt vàng mã và cũng không cổ súy cho hành động này.

"Đốt vàng mã cho tâm an"

Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch Học viện Phật giáo Việt Nam: "Việc đốt vàng mã trong nhà Phật là không có, nhưng trong tín ngưỡng dân gian thì có. Do vậy, chuyện đốt hay không là xuất phát từ nhận thức của mỗi người. Tôi không cổ súy cho việc lạm dụng quá mức vàng mã, nhưng tôi nghĩ vẫn nên duy trì hình thức đốt vàng mã mang tính kỷ niệm, vì ý nghĩa nhân văn của nó".

Các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý Phật giáo không có quy định và không cổ súy tập tục đốt vàng mã. (Ảnh minh họa).
Các chuyên gia nghiên cứu Phật học, các cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý Phật giáo không có quy định và không cổ súy tập tục đốt vàng mã. (Ảnh minh họa).

Thượng tọa Thích Thanh Quyết, khẳng định: "Đừng ai nghĩ đến chuyện đốt vàng mã để cầu vật chất. Điều đó là không có.
 
Cái được lớn nhất là được báo hiếu. Tâm mình sẽ cảm thấy đã làm được điều gì đó báo ân, báo hiếu cho cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn nữa là dân tộc, là quảng đại chúng sinh. Khi tâm niệm này đã ăn vào máu thịt, đến ngày đó nếu không làm lễ, sẽ có cảm giác tâm mình bất an, thấy như mình chưa làm tròn trách nhiệm. Do vậy, theo tôi nếu việc đốt vàng mã là để cho tâm mình an vui, thanh thản thì cũng nên làm".

Cùng chung ý kiến, Đại đức Thích Đức Thiện, ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự TW Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Phật Tích lý giải: “Tục đốt vàng mã xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không nằm trong Phật giáo. Nhiều người ngộ nhận, đặt nhầm niềm tin vào việc đốt thật nhiều vàng mã là để báo hiếu cha mẹ nhưng hiếu nghĩa cha mẹ cần thể hiện trong cuộc sống hàng ngày bằng những việc thiết thực hơn.

Mỗi sự thành đạt trong cuộc sống đều phải nhớ đến công cha, nghĩa mẹ. Xã hội phát triển, cuộc sống tấp nập, những ngày này, mọi người cần thu xếp công việc về với gia đình, chăm sóc cha mẹ… Việc cúng bái cốt ở thành tâm, Phật ở trong tâm. Đốt vàng mã tùy tiện, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường không đúng với tinh thần Phật giáo. Thiết nghĩ xã hội cần đồng thuận để định hướng hành vi cho đúng ý nghĩa”.

Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự TW Giáo hội Phật giáo VN cũng đồng tình: “Đốt nhiều đồ hàng mã, làm mâm cao cỗ đầy chỉ gây lãng phí, tốn kém. Người cõi âm không thể nhận được đồ dùng mà người cõi dương đốt cho. Âm - dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, không thể cảm nhận được huống chi chuyện "gửi" và "nhận quà".

Nếu con cháu trên trần gian đốt quá nhiều vàng mã, mổ gà, lợn là làm trái với giáo lý nhà Phật, không chỉ người trần có lỗi lãng phí, sát sinh quá nhiều mà người cõi âm cũng phải chịu tội - khó siêu thoát. Cách làm đúng đắn nhất là tĩnh tâm cầu nguyện cho người đã mất được siêu thoát”.

Lòng thành có thể gửi trọn qua những tấm tiền giả thế này? (Ảnh minh họa).
Lòng thành có thể gửi trọn qua những tấm tiền giả thế này? (Ảnh minh họa).

Dùng tiền đốt vàng mã làm việc thiện sẽ tốt hơn rất nhiều

Nhìn nhận tập tục đốt vàng mã trong những dịp lễ, rằm, cúng, giỗ... Đại đức Thích Thiện Hạnh, trụ trì chùa Vinh Phúc (Bắc Ninh cho rằng: “Chúng ta vẫn có câu: Dương sao âm vậy. Nhưng vàng mã của chúng ta về dưới đó có tiêu được không? Quần áo chúng ta đốt về có vừa với kích cỡ của ông bà chúng ta nữa không? Xe cộ, đồ dùng… có được gửi đúng địa chỉ không? Thành thực trả lời những câu hỏi đó cũng đủ thấy đốt vàng mã là mê tín dị đoan, không hề phù hợp hay có cơ sở.
Nếu cha mẹ cõi âm chỉ mong chờ ngày này để được miếng cơm, manh áo, căn nhà… thì những tháng ngày còn lại, tổ tiên ông bà, cha mẹ ăn, mặc, ngủ, nghỉ ở đâu?

Chúng ta vẫn thường nói “Dương thịnh âm siêu”. Người dương biết làm phúc, để người âm siêu thoát. Tôi nghĩ, chúng ta nên lên chùa, thành tâm cầu nguyện hồi hướng tâm đức. Nếu có tiền để mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó. Bởi “Cứu một người dương gian bằng ngàn người âm phủ”. Còn cầu nguyện, chỉ cần tấm lòng thành, nếu không thành tâm thì làm gì cũng vô ích”.
Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng thẳng thắn: "Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này.
Phật giáo chỉ khuyên trong ngày Lễ Vu Lan (báo hiếu cha mẹ) thì nên ăn chay niệm Phật để tưởng nhớ. Và làm Lễ xá tội vong nhân (cúng chúng sinh) – cúng những vong hồn lưu lạc một mâm cỗ chay để bố thí siêu sinh. Đồng thời, giúp đỡ những người nghèo khổ chốn trần gian, ăn chay niệm Phật và phóng sinh tích đức để siêu độ vong linh".
Biết rõ nguồn gốc của tập tục đốt vàng mã, người dân liệu có nên gây thêm lãng phí?
Biết rõ nguồn gốc của tập tục đốt vàng mã, người dân liệu có nên gây thêm lãng phí?

"Đốt tiền nôm na như đi phong bao, phong bì, mà Phật thánh không cần thế. Khi đến lễ chùa, đình, đền cái tâm cần nghĩ tới điều thiện, tâm sinh công đức thì hộ pháp hiện thần các ngài gia hộ cho mình. Quan trọng là rèn cho con cái nhân cách, tri thức hành trang vào đời. Cái nhân văn là con người gửi gắm tâm tư tình cảm tới người thân, nếu quá đà sẽ không tốt", Đại đức Thích Minh Sơn, trụ trì chùa Kim Cổ (Hà Nội) nói.

Do đó, theo Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa (TP. Hồ Chí Minh): "Nếu có một lời khuyên dành cho các tăng ni phật tử và đông đảo nhân dân, tôi chỉ muốn nói rằng: Mỗi người hãy cân nhắc kỹ trước mỗi việc mình làm. Chúng ta mua và đốt vàng mã, đồ mã quá nhiều để làm gì? Phải chăng để mong vong hồn người quá cố  sớm siêu thoát? Nếu vì điều đó thì hãy dành thời gian tụng kinh niệm Phật và dành tiền bạc đó để làm từ thiện, có ý nghĩa cho cộng đồng. Hãy tin tôi, đã là Thượng tọa thì không bao giờ hướng dẫn phật tử đi sai đường cả... " .

Cổ tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Thậm chí, nhiều người coi đó là một trong những nét văn hóa của phong tục thờ cúng gia tiên. Nhưng sau khi biết rõ tích của việc đốt vàng mã, người dân liệu có nên gây những lãng phí như các cao tăng hay không? Câu hỏi này vẫn chưa thể ngay lập tức có câu trả lời.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hải Hà