Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu!

27/10/2016 07:16
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu quang minh chính đại cần có cuộc sát hạch công khai bầu chọn người xuất sắc ở lại, trong 647 giáo viên dôi dư ấy, sẽ xét chọn ra 253 giáo viên giữ lại!

LTS: Như thông tin Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, tại huyện Yên Định, Thanh Hóa, đầu tháng 7/2016, Ủy ban Nhân dân huyện quyết định cắt 647 hợp đồng, một thời gian sau lại xin tuyển mới 253 giáo viên, đã gây bức xúc dư luận.

Cô giáo Phan Tuyết có bài viết đặt mối nghi vấn, tại sao lãnh đạo huyện này không tổ chức thi chọn trong số giáo viên cắt giảm mà muốn tuyển mới giáo viên, phải chăng đây là hình thức hợp pháp hóa để “nước đục, thả câu”?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Việc huyện Yên Định Thanh Hóa bất ngờ cắt hợp đồng 647 giáo viên rồi lại xin tuyển mới 253 giáo viên vì thiếu chỉ tiêu, đã gây cho dư luận nhiều bức xúc.

Trước đó, Ủy ban Nhân dân huyện đã ra quyết định tuyển dụng một cách ồ ạt những giáo viên hợp đồng gây nên tình trạng giáo viên thừa cục bộ trong nhiều năm, làm nặng gánh ngân sách bội chi nhưng vẫn không có ai chịu trách nhiệm.

Nay đột ngột ra quyết định sa thải hết những giáo viên hợp đồng ấy, rồi lại đề nghị tuyển mới, nhiều người đặt câu hỏi “Mục đích của việc làm này là gì?”

Nói về 647 giáo viên hợp đồng của huyện Yên Định trước đây, nhiều người đã lên tiếng không ít các quyết định được kí trong những bữa tiệc, trên bàn nhậu hay nhờ các mối quan hệ khác gửi gắm…

Sự việc huyện Yên Định, Thanh Hóa bất ngờ cắt hợp đồng 647 giáo viên rồi lại xin tuyển mới 253 giáo viên vì thiếu chỉ tiêu đã đẩy nhiều giáo viên vào tình cảnh thất nghiệp, gây bức xúc dư luận! (Ảnh: vietnamnet.vn).
Sự việc huyện Yên Định, Thanh Hóa bất ngờ cắt hợp đồng 647 giáo viên rồi lại xin tuyển mới 253 giáo viên vì thiếu chỉ tiêu đã đẩy nhiều giáo viên vào tình cảnh thất nghiệp, gây bức xúc dư luận! (Ảnh: vietnamnet.vn).

Dù đồng lương eo hẹp nhưng các giáo viên vẫn lo bám trụ với hy vọng sẽ được phục vụ dài lâu trong nghề.

Có không ít người trong số đó đã có tới 15 năm công tác, cốt cán của trường, dạy giỏi nhiều năm các cấp nhưng vẫn nằm trong diện sa thải lần này.

Nhiều gia đình cả hai vợ chồng đều thất nghiệp nên cuộc sống vô cùng khó khăn, bất ngờ trước thông tin lãnh đạo huyện tiếp tục xin tuyển dụng gần 300 giáo viên do thiếu chỉ tiêu.

Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu! ảnh 2

Tréo ngoe việc cắt 647 hợp đồng lại xin tuyển dụng mới 253 giáo viên ở Thanh Hóa

Chúng ta thử hình dung xem, cuộc đua được xét hợp đồng sẽ trở nên khốc liệt thế nào?

Lúc này, đối tượng không chỉ gói gọn trong 647 giáo viên vừa bị sa thải mà sẽ có hàng trăm sinh viên khác vừa mới ra trường cùng chen chân ứng thí.

Ai có thể biết được việc tuyển dụng mới này sẽ minh bạch ra sao, hay lại “mạnh vì gạo, bạo vì tiền?” câu trả lời chỉ chính người trong cuộc mới hiểu.

Sẽ công bằng chỗ nào khi bao giáo viên đã cống hiến cho ngành giáo dục hơn chục năm trời dạy học với biết bao thành tích đáng tự hào.

Nay bổng mất việc làm để nhường chỗ cho một số người thiếu năng lực, thiếu tâm đức hay một số sinh viên vừa ra trường nhưng lại có ưu thế mạnh hơn về mọi mặt?

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao phải làm thế?

Nếu quang minh chính đại cần có cuộc sát hạch công khai bầu chọn người xuất sắc ở lại từ phía cơ sở.

Trong 647 giáo viên dôi dư ấy, sẽ xét chọn ra 253 giáo viên xuất sắt nhất để giữ lại.

Cuộc chạy đua dù khốc liệt nhưng công bằng, người ở lại cũng xứng đáng mà người ra đi cũng chẳng có lý do gì để khiếu nại.

Chẳng hạn, xét về bằng cấp, về công lao thành tích, về sự cống hiến, về uy tín trước tập thể và phụ huynh… từng cơ sở xét, bình chọn và gửi danh sách lên cấp trên.

Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu! ảnh 3

Lạm phát cấp Phó và thân phận giáo viên hợp đồng ở Thanh Hóa

Đằng này, sa thải cái “rụp” rồi yêu cầu tuyển lại, cuộc chạy đua của giáo viên lúc này không chỉ đơn thuần về bằng cấp, năng lực, trình độ chuyên môn hay uy tín mà là những cuộc “đi lại phía sau”, những mối quan hệ không thể khước từ.

Và như thế, bao giờ phần thắng cũng nghiêng về kẻ mạnh chứ không phải người giỏi.

Với việc tuyển chọn thế này, túi của quan tham sẽ đầy lên mà ngành giáo dục sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Không tuyển được giáo viên giỏi đầy nhiệt huyết mà chỉ toàn giáo viên biết “chạy chọt giỏi” mà thôi.

Lẽ ra, sau những quyết định tuyển dụng ồ ạt giáo viên hợp đồng như thế, cũng cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Từ đó, đưa ra những hình thức kỉ luật thích đáng để làm gương cho những người khác sau này.

Có như thế, mới chấm dứt hoặc giảm đến mức thấp nhất những chữ kí vô tội vạ làm giàu thêm ngân quỹ cá nhân nhưng lại gây thất thoát kinh phí của Nhà nước mà điển hình là ở Thanh Hóa trong thời gian vừa qua.

Phan Tuyết