“Cậu bé vàng” sáng tạo đề xuất cách học môn Giáo dục công dân với Bí thư Thăng

29/02/2016 14:05
Phương Linh
(GDVN) - Theo “cậu bé vàng” Nguyễn Dương Kim Hảo, các giờ học môn Giáo dục công dân cần giảm bớt lý thuyết, tăng những giờ học về giới tính, kỹ năng sống và kỹ năng mềm

Mới đây, tại buổi gặp gỡ giữa Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, tập thể lãnh đạo TP.HCM với thiếu nhi nhân dịp đầu năm, em Nguyễn Dương Kim Hảo (học sinh lớp 9) – người được ví như là “cậu bé vàng” với nhiều sáng tạo đã trình bày những trăn trở của mình về giáo dục.

Tại buổi giao lưu này, Hảo đã đóng góp 3 ý kiến cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai, trong đó có 2 ý kiến dành riêng cho ngành giáo dục nói chung và TP.HCM nói riêng.

Em Hảo bày tỏ ý kiến của mình: Các giờ học môn Giáo dục công dân hiện nay quá nặng về mặt lý thuyết.

Nguyễn Dương Kim Hảo hiện đang sở hữu một bộ sưu tập giải thưởng đáng mơ ước cho mọi người.

Ngoài huy chương vàng sáng tạo trẻ của Malaysia, Indonesia, giải thưởng đặc biệt của Viện sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc, Hảo còn có rất nhiều giải thưởng đáng nể về tin học, sáng tạo từ cấp tỉnh, thành phố cho đến toàn quốc từ năm 2011 cho đến nay.

Hảo cũng được công nhận là công dân trẻ tiêu biểu và gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013.

Để cho học sinh dễ dàng tiếp thu một môn học luôn được cho là khô cứng này, Hảo góp ý, nên giảm bớt những bài học trên lý thuyết, sách vở, mà cần tăng cường thêm nhiều bài học về giới tính, dạy cho học sinh các kỹ năng sống, các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Cũng theo Nguyễn Dương Kim Hảo, em được may mắn là học môn Giáo dục công dân trong trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP.HCM thầy không bao giờ đặt nặng vấn đề học lý thuyết cho học sinh, mà luôn mở rộng thêm kiến thức qua quá trình sống thực tế của học sinh.

Dù vậy, Hảo cũng cho rằng, khi làm bài kiểm tra, đề thi luôn ra theo một khuôn mẫu chung, nên nhìn chung sẽ tạo cho học sinh một cảm giác khô cứng khi học. “Cậu bé vàng” của ngành giáo dục TP.HCM cũng chia sẻ thêm, các kiến thức về pháp luật, về các tổ chức quốc tế rất cần thiết cho bộ môn, cho từng học sinh.

Chính vì vậy, em Nguyễn Dương Kim Hảo có đề xuất môn học này cần trang bị thêm cho học sinh những kiến thức từ thực tế, là những bài học để học sinh nên người, chứ không phải chỉ là những bài học lý thuyết trên sách vở.

Nguyễn Dương Kim Hảo (trái) và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi gặp gỡ thiếu nhi (ảnh: P.L)
Nguyễn Dương Kim Hảo (trái) và Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng tại buổi gặp gỡ thiếu nhi (ảnh: P.L)

Đề xuất thứ 2, Nguyễn Dương Kim Hảo muốn đưa giáo dục STEM (Science – khoa học, Technology – công nghệ, Engineering – kỹ thuật và Math – Toán học) vào các trường tiểu học. Nếu không thể đưa vào chương trình chính khóa, có thể đưa vào môn tự chọn, hoặc học chung với Tin học.

Nam học sinh này cho rằng, nếu các học sinh được tiếp xúc với những môn học mới, nhất là đối với những môn học thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, những học sinh nào có năng khiếu, thì sẽ có thêm nhiều động lực để theo đuổi niềm đam mê của mình, nhất định sẽ có những thành công nhất định trong tương lai.

Hảo đề xuất lãnh đạo các cấp, nhất là ngành giáo dục sẽ quan tâm, chú ý nhiều hơn những môn khoa học trong nhà trường, sẽ giúp cho học sinh có thêm nhiều kiến thức về những điều hay, điều tốt cuộc sống xung quanh.

Cuối cùng, “Cậu bé vàng” kiến nghị Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cũng như tập thể lãnh đạo TP.HCM cần quan tâm đến việc các xe buýt cũ đang xả khói đen trong thành phố.

Bởi lẽ, khi đi học, Hảo thường xuyên phải đi đạp đằng sau những chiếc xe buýt này, hít những khói đen ô nhiễm, gây bệnh tật cho người đi đường.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Xuân Cường trả lời ý kiến ngay của Hảo tại buổi gặp: TP.HCM chuẩn bị có thêm 500 chiếc xe buýt mới tinh, chạy năng lượng sạch.

Cơ quan quản lý cũng sẽ thành lập 3 tổ kiểm tra về nồng độ khói, khí đen tại các bến xe buýt. Nếu xe nào không đạt đủ tiêu chuẩn, cơ quan quản lý dứt khoát không cho xuất bến.

Phương Linh