Cha con nông dân nghèo sợ bị đòi lại tiền mua công phát hiện gỗ sưa

16/03/2014 15:10
Xuân Hòa - Nhuận Ngọc
(GDVN) - Gốc gỗ sưa đã được giám định nhưng việc xử lý chưa có hồi kết. Cha con người phát hiện thì lo lắng trùm gỗ sưa sẽ đòi lại số tiền bán công phát hiện.

Như tin đã đưa tin, ngày 23/2, ông Nguyễn Văn Thời cùng con trai là Nguyễn Quang Huy, trú tại thôn 4 Phúc Đồng, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình trong khi rà cá ở khu vực ngầm bến Troóc đã phát hiện khúc gỗ huê (sưa) chìm dưới mặt nước gần 1m. 

Sau nhiều nỗ lực gốc gỗ sưa được phát hiện dưới ngầm suối Tróoc đã được đưa lên an toàn
Sau nhiều nỗ lực gốc gỗ sưa được phát hiện dưới ngầm suối Tróoc đã được đưa lên an toàn

Trước thông tin, gốc gỗ huê có thể được đưa vào trưng bày để phục vụ cho việc tham quan của người dân tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, anh Huy tỏ ra khá bất ngờ và lo lắng mặc dù đã bán lại suất phát hiện cho ông Hùng “mía” với giá gần 900 triệu đồng.

Gốc sưa có thể được đưa vào bảo tàng

Sau khi trục vớt thành công, gốc huê được đưa về bảo quản tại Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch. Ngày 12/3, cơ quan chức năng đã thẩm định gốc gỗ vớt được tại ngầm Troóc (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) thuộc chủng loại gỗ sưa (hay còn gọi là gỗ huê), loại huê mộc vàng.

Loại sưa này có tên trong nhóm 1A, là loài quý hiếm, cấm mua bán dưới mọi hình thức. Hiện, số cá thể loài này ở tự nhiên nước ta chưa được xác định. Theo kết quả giám định của các lực lượng chức năng, gốc sưa có cân nặng 2.140 kg. 
Anh Nguyễn Quang Huy người phát hiện gốc gỗ sưa vui mừng vì sau khi nhận được tiền mua công phát hiện nhưng vẫn được bình an. Nhưng nay anh lại lo lắng bị trùm gỗ sưa đòi lại tiền
Anh Nguyễn Quang Huy người phát hiện gốc gỗ sưa vui mừng vì sau khi nhận được tiền mua công phát hiện nhưng vẫn được bình an. Nhưng nay anh lại lo lắng bị trùm gỗ sưa đòi lại tiền

Vì đây là gốc gỗ sưa được phát hiện công khai lớn nhất từ trước đến nay nên có thể gốc sưa này sẽ được đưa vào bảo tàng để phục vụ nhân dân.

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, anh Nguyễn Quang Huy khá bất ngờ và lo lắng trước thông tin này. Theo anh Huy thì gia đình anh mặc dù đã bán lại suất “phát hiện” cho ông Hùng “mía” – một đầu nậu gỗ có tiếng ở huyện Bố Trạch nhưng nếu đưa vào bảo tàng thì có thể ông Hùng sẽ không nhận được đồng tiền thưởng nào.

Anh Huy cũng cho biết thêm, sau khi gốc sưa đã được trục vớt và chuyển đi, ông Hùng có đến và gặp gia đình anh lại 1 lần nữa để lập lại giấy “mua bán” công phát hiện gốc gỗ sưa. Theo đó, Hùng “mía” sẽ được hưởng công phát hiện và dù như thế nào cũng không đòi lại số tiền 900 triệu đồng đã giao trước đó.

Gia đình người phát hiện thực chất chỉ cầm 300 triệu

Liên quan đến số tiền mà gia đình anh Huy đã bán suất “phát hiện”, anh Huy cho biết, trên giấy tờ là 900 triệu nhưng thực chất gia đình anh chỉ cầm được 300 triệu. Số tiền còn lại bị “ép” chia cho các anh em trong dòng họ.

Sau khi gốc gỗ sưa được phát hiện trùm gỗ sưa với biệt danh Hùng "mía" (người đội mũ cối) đã mua lại công phát hiện từ cha con anh Nguyễn Quang Huy với giá 900 triệu đồng
Sau khi gốc gỗ sưa được phát hiện trùm gỗ sưa với biệt danh  Hùng "mía" (người đội mũ cối) đã mua lại công phát hiện từ cha con anh Nguyễn Quang Huy với giá 900 triệu đồng

Nhưng anh vẫn thấy may mắn vì gia đình mình vẫn bình an sau vụ gốc sưa tiền tỉ, lại có thêm được 1 khoản để trả nợ và chuộc lại mảnh đất với giá 110 triệu đồng mà gia đình anh đã bán 75 triệu trước đó mấy năm.

Mặc dù ông Hùng đã làm lại giấy tờ “mua bán” suất phát hiện cho gia đình anh, nhưng qua điện thoại anh Huy vẫn tỏ ra khá lo lắng trước thông tin sẽ đưa gốc huê vào bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình.

Xung quanh đề xuất đưa gốc sưa “khủng” vào trưng bày tại bảo tàng để phục vụ khách tham quan có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, nên bán đấu giá gốc huê để có thêm vốn đầu tư xây dựng trường học, trạm xá trên địa bàn, đặc biệt là tại địa phương nơi phát hiện gốc sưa “khủng” này vì Quảng Bình đang là tỉnh nghèo.

Phiếu cân xác định trọng lượng gốc gỗ sưa được phát hiện tại ngầm suối Tróoc nặng hơn 2 tấn
Phiếu cân xác định trọng lượng gốc gỗ sưa được phát hiện tại ngầm suối Tróoc nặng hơn 2 tấn

Mặt khác, một số ý kiến cũng lo lắng trước việc gốc sưa sẽ hư hỏng và tính an toàn không cao khi đưa vào trưng bày ở bảo tàng.

Ông Đặng Minh Hùng, chi cục phó chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang hoàn thành hồ sơ để chuyển giao cho Sở Tài chính tham mưu lên UBND tỉnh về việc xử lý gốc sưa như thế nào?”.

Xuân Hòa - Nhuận Ngọc