Chaebol và Trung Nguyên

17/03/2019 08:20
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Mất mát lớn với nền kinh tế nếu một ngày nào đó chúng ta không còn thấy cái tên Trung Nguyên giàu cảm xúc như vốn có.

Chaebol là một sản phẩm trứ danh của kinh tế tư nhân Hàn Quốc - hẳn nhiên được hậu thuẫn tích cực đằng sau bởi chính phủ. Đó là Samsung, Huyndai, Lotte, Kia… những tập đoàn gia đình làm xương sống của nền kinh tế Hàn Quốc.

Các chaebol không phải chỉ toàn chuyện tốt. Năm 2017, Phó chủ tịch tập đoàn Samsung bị bắt; năm 2018 chủ tịch tập đoàn Lotte dính “phốt” tương tự, nhưng không tìm thấy nhiều trên báo chí xứ Hàn sự “lên đồng” tập thể.

Rất khó tìm đâu ra mô hình chaebol bên ngoài Hàn Quốc mặc dù trên thế giới không thiếu đế chế kinh tế gia đình trị. Ở Việt Nam, khi nhà nước nhìn nhận lại vai trò của kinh tế tư nhân, trong khoảng 10 năm trở lại đây xuất hiện nhiều tập đoàn tư nhân khá lớn.

Trung Nguyên là một trong vài cái tên hiếm hoi của Việt Nam nổi danh quốc tế, nhưng khác ở chỗ Trung Nguyên đi lên chỉ với cà phê, một thế mạnh của vùng đất Tây Nguyên, họ trồng rừng, phủ xanh đồi trọc, góp phần đưa nông nghiệp Việt Nam ra thế giới bằng thương hiệu đồ uống trứ danh.

Thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ảnh: VTV
Thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ảnh: VTV

Trung Nguyên đứng vững và phát triển âm thầm bất chấp nhiều mặt hàng nông sản lao đao, vẫn còn nhớ vụ giành lại thương hiệu ngoạn mục từ một công ty ở Mỹ, đủ thấy nội lực mạnh mẽ và khát khao chân chính của họ.

Gạo Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng, có quy mô lớn đến thế mà vẫn xuất khẩu hàng thô, chứ chưa có nhiều sản phẩm từ gạo để tạo giá trị gia tăng, và vẫn đang lo xây dựng thương hiệu cho mình.

Hạt tiêu Việt Nam, chiếm 50% nguồn cung của toàn cầu nhưng xuất khẩu vẫn là sản phẩm chưa có thương hiệu. Tôm, cá, thủy sản cũng vậy, kim ngạch rất lớn mà chỉ có vài cái tên nổi trội và xuất khẩu chủ yếu vẫn là hàng đông lạnh hoặc sơ chế, giá trị gia tăng chưa bao nhiêu.

Cho nên, một thương hiệu như Trung Nguyên là bài học kinh nghiệm quý báu, không phải chỉ của công ty hay những người sở hữu công ty cà phê Trung Nguyên.

Sự chia rẽ nội bộ là điều đáng tiếc, không chỉ là chuyện gia đình mà nguy cơ thui chột một thương hiệu đủ sức đại diện tầm cỡ.

Cuộc ly hôn của ông bà Vũ - Thảo trở thành đề tài nóng bỏng thu hút mọi phương tiện truyền thông, bất cứ ai cũng có thể quẳng một vài nhận xét, những câu chuyện thâm cung bí sử được khai thác tối đa như một đặc trưng của truyền thông bùng nổ.

Cuộc ly hôn của vợ chồng chủ thương hiệu Trung Nguyên trở thành đề tài nóng bỏng thu hút mọi phương tiện truyền thông. Ảnh: Báo Đời sống và Pháp lý/VOV
Cuộc ly hôn của vợ chồng chủ thương hiệu Trung Nguyên trở thành đề tài nóng bỏng thu hút mọi phương tiện truyền thông. Ảnh: Báo Đời sống và Pháp lý/VOV

Có người mang ý tưởng bình đẳng nam nữ ra ủng hộ bà Thảo. Có người “châm biếm” cứ cày hết thời trai trẻ làm ra tài sản ngàn tỷ rồi giao hết cho vợ để được mang danh trượng phu!

Có người móc ngoặc một vài mối quan hệ để minh chứng là chỗ bạn bè thân thiết với ông Vũ thì bê chuyện “hậu trường” nhà người ta trước công luận…

Để làm gì? Đáp ứng thói quen hiếu kỳ của người Việt chăng? Rồi được gì ngoài mớ bòng bong thông tin tưởng chừng sốt dẻo nhưng thật nghèo nàn vì cố nhào nặn đơm đặt.

Nhưng để nói rằng, để kiếm tìm một luồng dư luận có trách nhiệm với thương hiệu thì quá khó. Trong khi nhiều thương hiệu cà phê ngoại đang xâm lấn thị trường Việt Nam - bằng hương vị xa lạ, công nghiệp chứ không mặn mòi đậm chất Việt.

Chaebol và Trung Nguyên ảnh 3Đàn ông xây nhà, Đàn bà xây tổ ấm, cổ nhân dạy có sai bao giờ!

Năm 2013, Starbucks, một thương hiệu cà phê Mỹ nổi tiếng thế giới vào Việt Nam với văn hóa xếp hàng mới lạ.

Ông Vũ đăng đàn tuyên bố Starbucks chỉ bán nước đường pha hương cà phê và không đáng lo ngại, ông từng thắng những đối thủ lớn hơn thế nhiều.

Chuyện Trung Nguyên có thể mua vui một vài trống canh, nhưng ngộ nhỡ hệ thống này tụt dốc thì chuyện hệ trọng thật sự. Hàng vạn người lao động, hộ nông dân trên vùng nguyên liệu bạt ngàn ở Tây Nguyên có nguy cơ hỏng chân.

Khởi nghiệp từ con số 0 tròn trĩnh từ năm 1996, Đặng Lê Nguyên Vũ được Forbes khắc họa như một doanh nhân “zero to hero” khi ông khơi dậy tiềm năng cà phê Việt và đưa nó đến 60 quốc gia.

Năm 2005, Trung Nguyên được xem là nhà chế biến cà phê lớn nhất Việt Nam, vượt qua tất cả đối thủ nước ngoài. Cà phê Trung Nguyên từng được Bộ Ngoại giao Việt Nam chọn làm Đại sứ ngoại giao văn hóa và làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia.

Ông Vũ xứng đáng là một biểu tượng của khởi nghiệp, truyền cảm hứng làm giàu cho nhiều thế hệ; ông là một trong những doanh nhân hiếm hoi biến kinh nghiệm thành sách tặng miễn phí cho xã hội.

Mất mát lớn với nền kinh tế nếu một ngày nào đó chúng ta không còn thấy cái tên Trung Nguyên giàu cảm xúc như vốn có. Sự “nhiệt tình” của báo chí đẩy một câu chuyện tưởng chừng chẳng có gì lớn lao đến mối nguy hủy hoại một đế chế kinh tế.

Trương Khắc Trà