Chăm sóc trẻ cả ngày, đi đường mòn, suối sâu, GVMN vùng cao mong nghỉ hưu sớm

05/05/2023 06:49
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự nhiều sự đồng tình và ủng hộ của giáo viên mầm non vùng cao.

Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất bổ sung giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm hơn 05 tuổi so với quy định đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.

Cụ thể, bổ sung điểm đ vào khoản 1 Điều 71 Dự thảo Luật như 2 sau: “đ) Người lao động là giáo viên mầm non trong các cơ sở giáo dục có tuổi thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi quy định tại điểm a khoản này và có ít nhất 15 năm công tác đúng vị trí việc làm.”

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.

Đề xuất này cũng đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình của phòng Giáo dục và Đào tạo cũng như giáo viên mầm non vùng cao.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Hương - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) bày tỏ sự đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cô Hương cho biết: “Thực tế khi đến các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn.

Các giáo viên đều có mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn quy định hiện nay là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Giáo viên mầm non lớn tuổi khi đi dạy phải đứng lớp cả ngày khá căng thẳng, công việc phải lo lắng, chăm sóc cho học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ, học tập khiến thầy, cô vô cùng áp lực, mệt mỏi”.

Đặc biệt, với các giáo viên mầm non vùng cao có nơi phải xa nhà, dạy ở các điểm bản còn đối mặt với đường mòn, suối sâu, không bảo đảm an toàn khi di chuyển.

Với các trường trung tâm, giáo viên sẽ được nhân viên phục vụ hỗ trợ trong công việc nấu ăn, quét dọn, rửa bát.

Tuy nhiên, với điểm trường xa xôi, thầy cô buộc phải làm tất cả công việc từ dạy học, chăm sóc đến giữ gìn vệ sinh chung cho lớp học và điểm trường.

Chia sẻ từ cô Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Chải (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu), phần lớn các giáo viên của trường đều có mong muốn được nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi theo quy định hiện hành.

Thực tế cho thấy nếu để giáo viên lớn tuổi đảm nhiệm công việc trông trẻ và dạy trẻ sẽ rất khó để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là việc giữ an toàn cho các trẻ khi đến lớp.

Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Đào chia sẻ thẳng thắn về thực tế các em học sinh mầm non có xu hướng yêu thích các cô giáo trẻ hơn cô giáo lớn tuổi.

Bởi lẽ, cả về kỹ năng giảng dạy, linh hoạt trong việc tổ chức hoạt động múa, hát, trò chơi, gây thiện cảm với học sinh thì giáo viên trẻ sẽ có lợi thế hơn.

Là cô giáo có 36 năm trong nghề, cô Lục Thị Thúy (55 tuổi) hiện đang công tác trường mầm non xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) bày tỏ sự vui mừng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất điều chỉnh về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non.

Cô Thúy cho hay bản thân đã có mong muốn được nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2018 vì nhận thấy sức khỏe không đáp ứng được khối lượng công việc.

Tuy nhiên không được chấp nhận vì chưa đảm bảo đủ năm công tác trong ngành giáo viên mầm non.

Cô Thúy cho hay theo quy định hiện nay, cô đang phải tiếp tục làm thêm 16 tháng nữa mới đủ tuổi nghỉ hưu, nghĩa là khi nghỉ cô Thúy đã 56 tuổi 4 tháng. Theo cô, độ tuổi đó là quá cao, đi làm sẽ rất vất vả.

Dù đã lớn tuổi nhưng hàng ngày cô Lục Thị Thúy vẫn phải rời khỏi nhà từ 6h30 sáng, vượt 10km đến trường để kịp giờ đón trẻ và trở về nhà lúc 6 giờ tối sau khi đã trả trẻ, vệ sinh xong lớp học.

Với lượng công việc trên cô Thúy phải làm đến 10 tiếng/ngày, gần như không có thời gian nghỉ ngơi, dành cho gia đình. Ngoài ra, với yêu cầu về trình độ giáo viên cao như hiện nay cô cũng khó có thể đáp ứng.

Giảng dạy học sinh, điều cô Thúy nhận thấy rõ nhất là các em không có cảm hứng khi học với giáo viên lớn tuổi. Cô cho biết về cả giọng nói, cách ăn mặc, tác phong, phương pháp dạy cũng không thu hút được học sinh như lớp giáo viên trẻ.

Cô Thúy cũng không ngần ngại chia sẻ khi học sinh khi đến lớp thay vì chào cô giáo lại thành “con chào bà”.

Cũng theo cô Thúy, bậc mầm non có những đặc thù riêng nên cần thế hệ trẻ tuổi linh hoạt, nhanh nhẹn đáp ứng được yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới của giáo dục. Và những vấn đề này dường như còn nhiều khó khăn đối với giáo viên lớn tuổi như cô.

Theo đó, đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý nghĩa rất thiết thực đối với giáo viên mầm non vùng cao ở Lai Châu, thể hiện được sự quan tâm, thấu hiểu, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của thầy cô nơi đây.

Ngoài ra, cô Phạm Thị Hương – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đề xuất nghỉ hưu sớm cho giáo viên cấp tiểu học.

Bởi theo cô, các em học sinh cấp học này còn khá nhỏ, chưa có ý thức tự giác trong vấn đề học tập, vẫn cần sự trông nom, quản thúc từ các thầy cô giáo.

Vì vậy, giáo viên tiểu học cũng cần được xem xét, điều chỉnh lại độ tuổi nghỉ hưu phù hợp hơn so với quy định.

Lý giải về đề xuất này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, theo quy định của Luật Giáo dục và Điều lệ trường mầm non, nhiệm vụ của giáo viên mầm non là chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 6 tuổi.

Đây là độ tuổi đòi hỏi người chăm sóc, giáo dục phải tập trung cao trong suốt quá trình trẻ ở trường để đảm bảo an toàn.

Do tính chất công việc đặc thù khiến phần lớn giáo viên mầm non phải có mặt ở trường từ sáng sớm để đón trẻ và kết thúc thời gian làm việc muộn.

Ngoài ra, trong quá trình học tập giáo viên mầm non phải chủ động để tổ chức, thực hiện các hoạt động có tính chất vận động như múa, hát, thể dục, chăm sóc trẻ em.

Đối với giáo viên mầm non khi tuổi càng cao, sức khỏe và chuyên môn sẽ càng khó có thể đảm bảo được chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 05 năm so với tuổi quy định là rất phù hợp.

Phương Nga