Chẳng lẽ cứ là giáo viên thì phải chịu thiệt thòi?

15/08/2022 06:33
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều thầy cô giáo vẫn đang hết lòng vì học sinh. Thế nhưng, chia sẻ yêu thương không có nghĩa là không được đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho bản thân mình..

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Nhiều giáo viên chưa bao giờ có một kì nghỉ hè trọn vẹn của tác giả Hương Ly đã nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc đã và đang là giáo viên ở khắp mọi miền đất nước.

Bài viết đã nói hộ tiếng lòng của nhiều nhà giáo vì rất nhiều lý do đã không thể lên tiếng. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, tác giả Nguyễn Mạnh Cường lại có bài viết "Là giáo viên, đừng đòi hỏi kỳ nghỉ hè trọn vẹn" lại đem đến cho nhiều thầy cô tâm tư.

Nhiều đầu việc chiếm thời gian nghỉ hè

Sau 1 năm học miệt mài, thầy cô chời đợi 8 tuần nghỉ hè để tái tạo lại sức lao động. Tuy nhiên trong thực tế, phản ánh của tác giả Hương Ly rằng “Nhiều giáo viên chưa bao giờ có một kì nghỉ hè trọn vẹn” là hoàn toàn chính xác.

Giáo viên tiểu học tham gia học thay sách hàng tuần vào dịp hè (Ảnh tác giả)

Giáo viên tiểu học tham gia học thay sách hàng tuần vào dịp hè (Ảnh tác giả)

Không ít thầy cô giáo phải tham gia công tác ra đề, coi thi, chấm thi cho học sinh vào lớp 10, ôn tập cho học sinh lớp 12, coi thi, chấm thi tốt nghiệp, tuyển sinh học sinh lớp 1, lớp 6, điều tra phổ cập, ôn, phụ đạo, tổ chức kiểm tra cho học sinh yếu kém, vận động học sinh ra lớp (chủ yếu ở vùng cao).

Có nơi còn tổ chức ôn thi học sinh giỏi để tham gia kỳ thi của tỉnh tổ chức. Rồi đi học tập huấn thay sách, với bậc tiểu học phải học nguyên 1 tuần, sau về còn phải làm bài thu hoạch…

Đây không phải là “nhiệm vụ của giáo viên, hôm nay chưa làm thì ngày sau phải làm”. Giáo viên không có quyền sắp xếp thời gian mà do lãnh đạo nhà trường, do cấp phòng và sở ấn định buộc nhà giáo phải theo.

Theo quy định, năm học kết thúc vào cuối tháng 5 và từ tháng 6 đến tháng 7 giáo viên sẽ được nghỉ hè. Tuy nhiên, những trường học mà tổ chức ôn tập trong nhà trường thì những giáo viên dạy lớp 9, lớp 12 gần như mất nửa tiêu chuẩn phép hè.

Không phải địa phương nào cũng thu tiền ôn tập từ học sinh để trả thù lao cho giáo viên dạy ôn tập. Không ít nơi mà đặc biệt là vùng khó, để ôn tập cho học sinh, thầy cô giáo vẫn thường dạy miễn phí.

Người viết đã từng gặp một số giáo viên nói rằng, ôn thi vào lớp 10, vào 12 cũng có thù lao nhưng đã dạy học cả năm nên cũng muốn nghỉ ngơi trong hè để lấy lại sức cho năm học mới. Một số giáo viên nói rằng, có từ chối không dạy cũng không được khi lớp dạy ôn do nhà trường tổ chức và cũng không thể từ chối vì học trò cũng đang rất cần mình.

Thế nên, không ít giáo viên cũng ước ao, cứ hoàn thành chương trình là tổ chức ngay kỳ thi vào lớp 10. Khi ấy, học sinh không phải áp lực nhiều trong việc ôn tập, gia đình các em cũng đỡ mất thêm tiền học phí mà giáo viên cũng được nghỉ hè như quy định.

Giáo viên cần nhất là sự công bằng

Nghề giáo là nghề đặc thù, đòi hỏi sự chia sẻ, yêu thương, cống hiến của giáo viên cho xã hội, cho đất nước là đúng. Sự chia sẻ yêu thương sẽ được các thầy cô giáo dành cho học sinh trong những giờ lên lớp, những tháng ngày giảng dạy.

Giáo viên có thể bỏ hàng giờ để ngồi kèm cặp học sinh còn yếu. Bỏ cả ngày chủ nhật cuối tuần để đi vào tận làng bản, từng nhà học sinh nghỉ học để vận động các em ra lớp.

Bỏ tiền túi, xin thêm người thân, bạn bè để mua sách giáo khoa, sách vở, bảo hiểm, nộp học phí, dạy ôn miễn phí cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hằng ngày, hàng giờ lên lớp nhiều thầy cô vẫn đang làm như thế. Thế nhưng, chia sẻ yêu thương không có nghĩa là không được đòi hỏi có một kỳ nghỉ hè trọn vẹn theo quy định.

Giáo viên có quyền đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình. Cái quyền nghỉ ngơi để nạp thêm năng lượng mà ngành nghề nào cũng có (gọi là nghỉ phép). Đòi hỏi quyền lợi đã được quy định rõ ràng. Những đòi hỏi này, là hợp lẽ, là đúng quy định.

Với giáo viên miền xuôi, có thể đi học, đi coi thi, đi tập huấn, hội họp vài ba ngày trong hè đôi khi thấy bình thường.

Tuy nhiên, giáo viên vùng cao suốt năm xa nhà, họ chỉ trông mong có mấy ngày hè để về với gia đình chăm con, chăm ba mẹ già, ở với con, phụng dưỡng ba mẹ một thời gian mà cứ liên tục phải đi và về một chặng đường đôi khi lên đến năm trăm cây số, mới thật là thấm thía.

Chẳng lẽ là giáo viên lại cứ phải chịu thiệt thòi mới đúng?

Nghề giáo luôn được gọi là thầy, là cô, một nghề mà như nhiều người cho rằng đó là một nghề cao quý, thanh cao nhưng cũng là ngành nghề chịu nhiều sự phán xét.

Những câu nói một thời tôi vẫn thường nghe như giáo viên mà cũng ngồi ăn hàng ngoài chợ; giáo viên mà chạy xe ôm; giáo viên mà cũng ngồi bán hàng; giáo viên cũng bán hàng online; giáo viên mà cười nói to thế; giáo viên mà sao lại ăn mặc gợi cảm; hay giáo viên làm gì mà giàu thế?...

Đã có không ít thầy cô cũng vì sợ miệng đời nên luôn sống khép mình, chấp nhận cuộc sống nghèo khổ đổi lại sự bình yên. Đây cũng chính là sự hy sinh mà nhiều thầy cô vì không muốn bị dư luận phán xét buộc phải đánh đổi.

Người ta đòi hỏi ở nhà giáo sự hoàn mỹ, đòi hỏi sự hy sinh vô điều kiện nhưng lại quên mất giáo viên cũng là con người bình thường, họ cũng cần phải sống. Đằng sau họ, còn có cả một gia đình.

Bởi thế, giáo viên cũng cần được sống bình thường như bao người. Đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho mình là việc nên làm, chẳng có gì phải xấu hổ hay đáng bị lên án.

Mong rằng những cán bộ quản lý cấp trường, cấp phòng, sở cần nắm rõ để tránh tổ chức các hoạt động giáo dục trong thời gian nghỉ hè của nhà giáo.

Trường hợp không còn cách nào khác, nhà trường buộc phải điều động các thầy cô giáo tham gia như việc coi thi, chấm thi... hay đi tập huấn thì sau đó cần phải bố trí cho các giáo viên được nghỉ bù vào một thời gian khác cho phù hợp. Hoặc ít nhất, các thầy cô phải được chi trả thù lao làm tăng giờ trong những ngày hè cho đúng như quy định.


Phan Tuyết