Chật vật với mức lương, GV hợp đồng chuyển sang làm thẩm mỹ, bán hàng online

26/04/2023 06:47
Phương Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Sống chật vật với mức lương ít ỏi, nhiều giáo viên hợp đồng từ bỏ công việc đứng lớp để tìm kiếm cơ hội làm việc khác có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Áp lực vì lương không tương xứng với khối lượng công việc

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Trần Phương Mai hiện đang dạy tiếng Anh tự do tại Hà Nội khẳng định: “Với mức lương và mức đãi ngộ đối với giáo viên hiện nay, tôi hiểu được tại sao nhiều giáo viên bỏ việc ở các trường công để tìm việc làm khác có thu nhập cao hơn, bởi tôi cũng đã từng ở hoàn cảnh tương tự”.

Học cả ngành sư phạm Ngữ văn và sư phạm Tiếng Anh của một trường đại học sư phạm, khi tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, chị Phương Mai hi vọng có thể xin vào làm tại một trường học, sáng đứng lớp giảng bài, tối về soạn giáo án. Tuy nhiên, trong thời gian dạy học ở một trường trung học cơ sở tại Hải Dương, chị nhận mức lương khá ít ỏi, chỉ 3.8 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Ảnh minh họa: Lã Tiến.

Theo chia sẻ của chị Phương Mai, nơi chị từng dạy là ngôi trường có tiếng tại thành phố Hải Dương, chất lượng giáo dục tốt nên bản thân giáo viên cũng chịu nhiều áp lực để đảm bảo chất lượng giảng dạy.

Tại trường, chị dạy môn Ngữ văn, ngoài giờ trên lớp, cô giáo Phương Mai còn phải thực hiện các công việc khác như làm báo cáo, soạn bài, chấm bài kiểm tra,...những công việc này thường chiếm rất nhiều quỹ thời gian của chị sau khi kết thúc giờ dạy và trở về nhà.

Cũng theo chị, ngoài áp lực về kết quả học tập của học sinh, cô giáo còn phải đối mặt với áp từ nhiều vấn đề liên quan như: kỳ thi viên chức, dự giờ, thao giảng… Vì vậy, chị cho biết: “Lý do chính khiến tôi đưa ra quyết định nghỉ việc là mức lương nhận được không tương xứng với công sức, trí tuệ, thời gian bỏ ra”.

Với mức lương 3.8 triệu đồng/tháng sẽ không đủ để chị chi trả cho các khoản như thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt, nhất là khi chị mang bầu và sinh con gái đầu lòng.

Với số tiền lương nhận được hàng tháng, cô giáo trẻ buộc phải hạn chế chi tiêu hết mức và giảm thiểu một số nhu cầu giải trí, vì vậy, chị Phương Mai quyết định nghỉ việc, chuyển sang làm kinh doanh và dạy thêm tiếng Anh để đảm bảo cuộc sống sinh hoạt.

Một trường hợp khác là Bùi Minh Anh, tốt nghiệp ngành Sư phạm Mầm non tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, ngày ra trường, Minh Anh nhận công tác tại một trường mầm non vùng sâu của tỉnh.

Công việc hàng ngày của Minh Anh bắt đầu từ 6h30 sáng, ngoài dạy các bạn nhỏ học, ăn uống, ngủ nghỉ theo quy định cô còn phải làm công việc dọn vệ sinh trong lớp và xung quanh trường. Để phục vụ cho các bài giảng, tối về lại thức đến đêm muộn để soạn giáo án, hoàn thành các hồ sơ, sổ sách được giao.

Trong 1,5 năm dạy tại trường, mức lương hợp đồng của Minh Anh nhận được là 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương cao hơn so với giáo viên mầm non mới đi làm ở các vùng thuận lợi khác, nhưng vất vả của thầy cô giáo vùng cao rất khó đo đếm.

Minh Anh kể, dạy ở vùng sâu, vùng xa nên đường sá đi lại vô cùng khó khăn, trời nắng thì bụi bẩn, trời mưa đường lại trơn trượt. Ngày nào cũng vượt 15km đường đèo để đến với trường, đã không ít lần Minh Anh bị ngã trên đường, thường xuyên hỏng xe, chi phí xăng xe đi lại tốn kém.

Đối với một giáo viên trẻ mới vào nghề, những đợt kiểm tra về khâu chuẩn bị đồ dùng dạy học cũng làm cả cô và trò vất vả vì nguồn ngân sách hạn hẹp.

"Mỗi khi nghe thông báo có cuộc thi sáng tạo đồ dùng dạy học là tôi lại mất ăn mất ngủ, lo lắng chuẩn bị cho chỉn chu”, Minh Anh nhớ lại.

Thời điểm hiện tại, Minh Anh đã chuyển hẳn sang công việc thẩm mỹ, làm đẹp. Với cô, công việc có mức lương từ 8-12 triệu đồng/tháng không chỉ đảm bảo được các khoản chi tiêu mà còn giúp cô có tinh thần thoải mái, có thêm thời gian dành cho bản thân và gia đình.

Tìm công việc làm thêm để gắn bó với nghề giáo

Cô giáo Phan Như Quỳnh đang ngóng chờ ngày tỉnh Hải Dương thông báo lịch thi biên chế viên chức để đăng ký dự thi, tiếp tục theo đuổi nghề giáo. Trước đó, vào tháng 8/2022, cô Như Quỳnh nộp đơn xin nghỉ việc tại một trường tiểu học sau gần 2 năm gắn bó.

Cũng như nhiều trường hợp giáo viên hợp đồng khác, mức thu nhập hàng tháng khiến cô Quỳnh chật vật trong việc duy trì cuộc sống hàng ngày. Cô cho biết, thời điểm mới tốt nghiệp ngành sư phạm, mức lương cơ bản của cô là 2.6 triệu đồng/tháng (do lúc đó cô tốt nghiệp cao đẳng, và chưa học nâng chuẩn), dạy 23 tiết/tuần (gồm 20 tiết dạy và 3 tiết làm công tác chủ nhiệm), có thời điểm thiếu giáo viên cục bộ, cô Như Quỳnh phải dạy lên 28 tiết/tuần. Trong trường hợp đảm nhận thêm công việc trông bán trú học sinh, mức lương cũng chỉ dao động khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.

“Với mức lương và khối lượng công việc như vậy rất khó để một giáo viên như tôi bám trụ. Tôi nhẩm tính, làm trung bình 10 tiếng/ngày (tính cả thời gian trên lớp và làm ở nhà), với mức lương 2.6 triệu đồng/tháng thì tôi chỉ được trả vài chục nghìn/ngày”, cô Như Quỳnh cho hay.

Ngoài thời gian trên lớp, cô Như Quỳnh phải dành thời gian để soạn bài, thậm chí trực điện thoại liên tục để giải đáp thắc mắc của phụ huynh về vấn đề giảng dạy của trường, tình hình học tập của con.

Nhắc đến quyết định nghỉ việc, cô Như Quỳnh chia sẻ giai đoạn dịch bệnh Covid-19 là “giọt nước tràn ly” khi có tháng cô chỉ nhận lại được mức lương là 700.000 đồng sau khi trừ các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Số tiền này chỉ đủ để cô đóng tiền mạng, tiền điện phục vụ cho quá trình dạy và học trực tuyến.

Giai đoạn đó, đúng là khó khăn quá nhiều đối với giáo viên mới vào nghề như cô, chịu trách nhiệm với 30-40 học sinh, lượng kiến thức dày được yêu cầu chỉ giảng dạy trong 1 buổi khiến việc sắp xếp, thiết kế bài giảng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, cô giáo Quỳnh còn phải báo cáo chất lượng giảng dạy hàng tuần, soạn giáo án trên slide để thuyết trình và dạy online vào buổi tối.

Sau khi nghỉ việc, Quỳnh đã thử làm một số công việc khác như lễ tân, ngân hàng, hành chính văn phòng,...với mức lương cao gấp gần 4 lần lương giáo viên. Tuy nhiên, cô cũng nhận thấy là tính cách bản thân phù hợp với môi trường sư phạm hơn. Sau gần 1 năm nghỉ việc, Quỳnh đang có kế hoạch trở lại công việc giáo viên trước đây, nhưng cô đợi có đợt thi tuyển biên chế, vì giáo viên biên chế có sự ổn định hơn.

Nhưng dù có thi đỗ biên chế, cô Quỳnh cũng xác định, mức lương giáo viên không cao. Vì vậy, cô đã chuẩn bị tâm lý vững vàng hơn để đối mặt với khó khăn khi quay lại với phấn trắng, bảng đen. Theo cô, mức lương giáo viên hiện tại sẽ rất khó để trang trải cuộc sống nên cô sẽ cân nhắc làm thêm công việc khác như bán hàng online, hoặc nhận thêm công việc bên ngoài phù hợp để có đồng ra đồng vào.

Qua câu chuyện của bản thân mình, cô Quỳnh bày tỏ mong muốn có chế độ đãi ngộ phù hợp hơn cho giáo viên hợp đồng, để những giáo viên trẻ, khi chưa có điều kiện phù hợp để thi viên chức vẫn có động lực bám trụ lại với nghề.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Phương Nga