Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông (phần cuối)

03/08/2019 05:58
Tiến sĩ Phạm Cao Cường
(GDVN) - Dưới thời của Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã có sự thay đổi đáng kể, đầu tiên từ sự thay đổi về tư duy chiến lược đối với Biển Đông.

Báo Điện tử Giáo dục Việt nam trân trọng gửi đến quý độc giả phần cuối bài viết "Chiến lược mới của Mỹ tại Biển Đông" của Tiến sĩ Phạm Cao Cường.

Trật tự khu vực tại Biển Đông

Quan điểm của chính quyền Donald Trump về vấn đề Biển Đông được thể hiện rất rõ trong các tuyên bố từ Nhà Trắng, Quốc hội và từ các quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ.

Thông qua các tài liệu văn kiện chính sách và các tuyên bố của các giới chức Mỹ, có thể tóm gọn những quan điểm chính trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông như sau:

Mỹ coi Biển Đông nằm trong lợi ích quốc gia: Biển Đông có lợi ích chiến lược và kinh tế đối với Mỹ. Đây là tuyến đường biển nhộn nhịp nhất của thế giới, nơi có tới 80% thương mại của thế giới đi qua vùng biển này.

Đây cũng là nơi di chuyển dầu mỏ và hàng hóa thương mại từ Trung Đông và Đông Nam Á qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, nơi có nhiều eo biển quan trọng như: eo biển Malacca, Sunda và Lombok và Makassar.

Ngoài ra, đây còn là tuyến đường quan trọng cho sự di chuyển của lực lượng quân sự Mỹ từ Tây Thái Bình Dương cho tới Ấn Độ Dương và cả vùng Vịnh.

Tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động FONOP trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: cimsee.org).
Tàu chiến Mỹ thực hiện hoạt động FONOP trên Biển Đông. (Ảnh minh họa: cimsee.org).

Đối với chính quyền Trump, Biển Đông còn có một vai trò nữa trong việc duy trì một trật tự khu vực.

Nếu để Biển Đông rơi vào vòng kiểm soát của Trung Quốc, hệ thống liên minh của Mỹ tại khu vực sẽ bị xói mòn, từ đó ảnh hưởng tới sự hiện diện của Mỹ tại khu vực tây Thái Bình Dương.

Vì vậy, chính quyền Mỹ có ý định thành lập một lực lượng hải quân Mỹ tại Biển Đông nhằm gia tăng sự hiện diện đều đặn của mình tại khu vực.

Trên cơ sở đó, chính quyền Trump mong muốn tạo ra một “liên minh tứ cường” bao gồm cả Nhật Bản, Australia, Ấn Độ nhằm đối phó với thách thức đến từ Trung Quốc.

Ủng hộ nguyên tắc trật tự dựa trên luật lệ tại Biển Đông: Chính quyền Trump ra sức kêu gọi Trung Quốc cần phải tuân thủ một “trật tự dựa trên luật lệ” thông qua việc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, trên cơ sở giúp đồng minh và đối tác của Mỹ bảo vệ các quyền tự do đi lại và bay qua tại Biển Đông.

Cách tiếp cận này của Mỹ bắt nguồn từ niềm tin cho rằng việc duy trì một trật tự khu vực mà trong đó các quốc gia độc lập và có chủ quyền có thể cạnh tranh với nhau dựa trên một một nguyên tắc chung, cho dù có nhiều nước bất đồng và cạnh tranh với Mỹ.

Ngoài ra, Trung Quốc cần phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại Hague liên quan tới vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.

Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trong toàn bộ vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” bao phủ toàn bộ Biển Đông.

Ủng hộ nguyên tắc không sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép: Mỹ cho rằng việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực là đi ngược với các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc.

Việc cấm sử dụng đe dọa vũ lực được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 2 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong đó quy định:

“Tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào dưới bất kỳ hình thức nào trái với những mục đích của Liên Hợp Quốc”.

Donald Trump làm tới, Trung Quốc sẽ mất thế và lực hung hãn trên Biển Đông
Donald Trump làm tới, Trung Quốc sẽ mất thế và lực hung hãn trên Biển Đông

Với tranh chấp tại Biển Đông, Mỹ luôn chủ trương đường lối không “sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực” để giải quyết các tranh chấp.

Lập trường “không sử dụng vũ lực” hoặc “cưỡng ép” đã được nhiều quan chức thuộc chính quyền Trump đưa ra để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông.

Đi kèm với nguyên tắc “không sử dụng vũ lực” hoặc “đe dọa sử dụng vũ lực”, Hiến chương Liên hợp quốc cũng nêu quy định giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình và được nhiều quốc gia trên thế giới đón nhận và thực thi.

Tôn trọng nguyên tắc tự do hàng hải: Đây được coi là nguyên tắc quan trọng khác của Mỹ trong việc duy trì trật tự quốc tế hình thành từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Nó được coi là nguyên tắc về ứng xử trên các vùng biển của thế giới theo Luật quốc tế về vùng Biển quốc tế và sự tự do hoạt động tại các vùng biển quốc tế.

Nguyên tắc này đôi khi được gọi vắn tắt là sự tự do đi lại trong các vùng biển. Mặc dù thuật ngữ này được định nghĩa (đặc biệt của những bên không ủng hộ sự tự do của các vùng biển) theo một nghĩa hẹp, bao gồm chỉ là sự tự do đi lại của các tàu vận tải thương mại qua lại giữa các vùng biển, nhưng phản đối sự tự do của các tàu thương mại và tàu quân sự tiến hành các hoạt động tại các vùng biển.

Nguyên tắc tự do tại các vùng biển được tuyên bố trong Báo cáo Tự do hàng hải (FON) của Bộ Quốc phòng Mỹ đó là: “tất cả các quyền, tự do và sử dụng theo đúng pháp luật các vùng biển, vùng không gian, bao gồm dành cho cả các tàu chiến máy bay quân sự, được đảm bảo dành cho tất cả các quốc gia theo luật quốc tế”. [1]

Chiến lược quốc gia Mỹ về Biển Đông

Trong một thời gian khá dài, Mỹ đã có ý định xây dựng một Chiến lược quốc gia về Biển Đông (NSSCS).

Đây cũng là ý kiến của nhiều các nhà hoạch định chính sách Mỹ nêu ra với quan điểm cho rằng, một chiến lược như vậy là hoàn toàn cần thiết để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy và đang ra sức mở rộng ảnh hưởng của mình tại Biển Đông.

Việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền “phi pháp” và “thái quá” tại Biển Đông khẳng định chủ quyền của mình với “đường 9 đoạn”, dùng các biện pháp “cưỡng ép” với các bên tranh chấp thông qua việc thường xuyên va chạm với các tàu bè qua lại, trong đó có các tàu chiến của Mỹ, thậm chí đe dọa tuyên bố “vùng nhận diện phòng không” (ADIZ) tại Biển Đông; tiến hành bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa Biển Đông đã khiến không chỉ Mỹ và các quốc gia láng giềng lo ngại.

Chính vì vậy mà các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đề xuất cần phải có Chiến lược quốc gia đối với Biển Đông, trong đó phải thể hiện 5 nội dung chính, bao gồm:

Thứ nhất: Thể hiện lập trường của Mỹ về bản chất của sự tranh chấp tại Biển Đông;

Thứ hai: Bao gồm một bản ghi nhớ pháp lý liên quan tới hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông, bao gồm các cuộc điều tra quân sự;

Mỹ không chấp nhận cường quyền, áp đặt ở Biển Đông
Mỹ không chấp nhận cường quyền, áp đặt ở Biển Đông

Thứ ba: Đề cập tới tới tính hợp pháp yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông;

Thứ tư: Khẳng định về các hoạt động “tự do hàng hải” của Mỹ tại Biển Đông;

Thứ năm: Đề cập tới những tuyên bố hỗ trợ Philippines trong vụ kiện chống lại Trung Quốc

Như vậy có thể thấy, dưới thời của chính quyền Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với Biển Đông đã có sự thay đổi đáng kể. Sự thay đổi đầu tiên này đến từ sự thay đổi về tư duy chiến lược đối với Biển Đông.

Cụ thể, Mỹ coi trọng sức mạnh hải quân, chuyển hướng hoạt động từ “trên biển” sang hoạt động “từ biển”, coi sức mạnh hải quân là trụ cột để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự tổng hợp.

Mỹ thay đổi việc “triển khai tuyến đầu” sang “hiện diện tuyến đầu” để tăng cường sự hiện diện quân đội Mỹ tại các vùng biển nhằm đối phó với các cuộc xung đột khu vực.

Ngoài ra, Mỹ chủ trương phân phối sức mạnh hải quân để thực hiện “làm chủ trên biển” thay vì “giành quyền kiểm soát trên biển” như trước kia.

Để triển khai tư duy đó, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp để đối phó với những tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua các biện pháp ngoại giao, kinh tế và an ninh- quân sự.

Thay vì giữ thái độ cẩn trọng, Nhà Trắng không ngừng đưa ra những tuyên bố cứng rắn về tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.

Vấn đề Biển Đông cũng được đưa vào nhiều các cuộc thảo luận của các diễn đàn, các phát biểu của các hội nghị chủ chốt mà Mỹ tham gia như Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF); Diễn đàn đối thoại Shangri-La; Đối thoại về ngoại giao và an ninh  Mỹ-Trung.

Một trong những chuyển biến quan trọng so với các thời kỳ trước đó là sự gia tăng sức ép của Quốc hội Mỹ lên các hoạt động Trung Quốc tại Biển Đông.

Quốc hội Mỹ đã thông qua nhiều đạo luật, dự luật gây sức ép lên Trung Quốc buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh các hoạt động của mình trong các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.

Các hoạt động quân sự của Mỹ cũng được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn thông qua việc tăng thời gian các Chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) tại Biển Đông.

Các chiến dịch này là nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép cũng như thúc đẩy các hoạt động tự do đi lại, bay qua tại các vùng biển quốc tế trên cơ sở tuân thủ Luật quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Cùng với đó, Mỹ không ngừng tăng ngân sách quốc phòng, lên kế hoạch phát triển lực lượng Hải quân để giành thế áp đảo và tạo sự răn đe chiến lược trước sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc.

Tài liệu tham khảo:

[1] U.S. Department of Defense (DoD) Freedom of Navigation (FON) Report for Fiscal Year (FY) 2017, December 13, 2017, p. 2.

Tiến sĩ Phạm Cao Cường