Cho "nợ" đầu vào tiếng Anh đến tận khi tốt nghiệp mới bổ sung là vi phạm quy chế

19/10/2022 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên chỉ ra những bất thường trong tuyển sinh đầu vào chương trình quốc tế, khiến các cử nhân bị giữ bằng tốt nghiệp. 

Liên quan đến vụ Trường Đại học Kinh tế Quốc dân "giam" bằng cử nhân quốc tế, nhiều câu hỏi xoay quanh chương trình liên kết đào tạo chương trình cử nhân quốc tế của trường này. Chương trình liên kết này cấp bằng của Đại học West of England, Vương quốc Anh, đào tạo tiếng Anh theo chương trình của Trường Quốc tế TEG của Singapore...

Nhiều chuyên gia bày tỏ sự khó hiểu với modul liên kết đa quốc gia này. Đặc biệt, lùm xùm xung quanh vụ việc này khiến nhiều chuyên gia lo lắng chất lượng đào tạo thực sự đến đâu khi điều kiện ngoại ngữ người học lẽ ra phải hoàn thành xong từ năm thứ nhất nhưng đến khi ra trường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vẫn yêu cầu sinh viên hoàn thành theo yêu cầu của Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên (chuyên gia giáo dục độc lập) - người từng có nhiều năm học tập, giảng dạy, nghiên cứu trong và ngoài nước đã có những trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các vấn đề liên quan.

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. (Ảnh: NVCC)

Phóng viên: Thưa ông, với chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường đại học hiện nay, giữa yêu cầu đầu vào tiếng Anh với đầu ra tiếng Anh có sự khác biệt như thế nào?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Về việc tuyển sinh chương trình liên kết đào tạo quốc tế, thí sinh nhập học nhưng chưa đủ yêu cầu tiếng Anh là một hình thức chấp nhận trúng tuyển có điều kiện (conditional offer). Việc trường đồng ý cho thí sinh nhập học có điều kiện như vậy, là một thông lệ phổ biến trong tuyển sinh của các đại học trên thế giới.

Tuy nhiên, sau đó một thời gian nhất định, người học phải bổ sung các điều kiện còn thiếu để được chấp nhận chính thức.

Việc cho “nợ” đầu vào tiếng Anh là một thực tế với nhiều chương trình liên kết quốc tế ở Việt Nam, nó phù hợp với bối cảnh mục tiêu chương trình tiếng Anh phổ thông của Việt Nam chỉ đạt đến mức B1 (bậc 3, theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) khi kết thúc lớp 12.

Để đạt trình độ B2 (bậc 4, theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) là yêu cầu đầu vào của các chương trình liên kết quốc tế, học sinh cần phải học thêm từ trước đó, hoặc học chương trình tiếng Anh tăng cường, hoặc học các trường song ngữ và quốc tế.

Tiếng Anh là điều kiện tuyển sinh đầu vào, nếu có “nợ” thường chỉ được nợ ở giai đoạn đầu để sinh viên học tiếng, còn khi đã chuyển vào học chuyên ngành mà vẫn cho “nợ” sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chương trình.

Chương trình đào tạo liên kết quốc tế nào cho phép sinh viên “nợ” đầu vào tiếng Anh đến lúc tốt nghiệp chắc chắn là sai, vì trái với Nghị định 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Đối chiếu với Nghị định 86 của Chính phủ, sinh viên “nợ” đầu vào tiếng Anh giống như sinh viên dự bị, đang trong thời gian bổ túc ngoại ngữ.

Phóng viên: Ngày 1/8/2018, Nghị định 86/2018 có hiệu lực, trong khi đó tháng 10/2018 sinh viên chương trình cử nhân quốc tế khóa 14 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhập học. Vậy, sinh viên có thuộc diện quy định của Nghị định 86 không, thưa ông?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Chắc chắn từ thời điểm tháng 10/2018, các trường đã phải thực hiện theo Nghị định 86. Nếu chương trình đào tạo 4 năm bao gồm 1 năm học tiếng Anh và 3 năm học chuyên ngành, việc “nợ” đầu vào tiếng Anh phải được giải quyết rõ ràng giữa nhà trường và sinh viên ở thời điểm kết thúc năm 1, trước khi bước vào giai đoạn 3 năm chuyên ngành.

Nếu “nợ” tiếng Anh đến gần tốt nghiệp mới bổ sung, thì bằng cấp cho sinh viên có thể vi phạm quy chế của trường trong nước.

Ngoài ra, điều 14 của Nghị định 86 cũng quy định, các trường tham gia đào tạo liên kết có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ và rõ ràng các thông tin liên quan trên trang thông tin của cơ sở mình, và chịu trách nhiệm về sự chính xác của thông tin này.

Phóng viên: Trả lời báo chí, bà Trịnh Thị Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, sau khi Nghị định 86 được ban hành vào năm 2018, thì sinh viên học Chương trình IBD@NEU vẫn được Trung tâm Công nhận Văn bằng, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cấp chứng chỉ công nhận văn bằng cho đến cuối năm 2020.

Đến năm 2021, Cục chỉ công nhận văn bằng đối với sinh viên nhập học chương trình bồi dưỡng tiếng Anh TEG từ năm 2016 trở về trước. Đối với sinh viên nhập học từ thời điểm 2017 trở lại đây phải đáp ứng quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ, có nghĩa là chứng chỉ TEG chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đảm bảo đủ trình độ bậc 4/6 theo Khung tham chiếu ngoại ngữ Việt Nam.

Rõ ràng, những vấn đề này là câu chuyện của quản lý nhà nước. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phải hiểu được hành lang pháp lý để thông tin minh bạch đến học sinh và thực hiện đúng trong quá trình đào tạo chứ không phải để sinh viên chịu. Quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Thạc sỹ Bùi Khánh Nguyên: Những năm trước chứng chỉ TEG được công nhận, có thể do Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có văn bản chấp thuận phù hợp theo quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục [1].

Tuy nhiên, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo không công nhận một chứng chỉ tiếng Anh nữa, các đại học phải thay đổi theo khi tuyển sinh. Việc các trường không thực hiện, có thể là do không cập nhật hoặc do thiếu sót. Việc này, trường sẽ phải nhận lỗi với sinh viên chứ không thể đổ cho cơ chế thay đổi hay bắt sinh viên phải tự khắc phục cái sai không thuộc về họ.

Nếu sai sót từ phía nhà trường, trường cần trả chi phí cho sinh viên học và thi các chứng chỉ tiếng Anh theo quy định. Ngay cả khi bằng đã được in ra rồi mà nếu vi phạm quy chế tuyển sinh, việc phát bằng cho sinh viên cũng hoàn toàn vô nghĩa.

Như vậy, sinh viên chỉ có thể yêu cầu trường có những động thái khắc phục để đảm bảo tính pháp lý cho bằng cấp. Trong trường hợp bằng cấp ra không sử dụng được mà không thuộc lỗi của người học, người học có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu trường bồi thường cho những thiệt hại có thể chứng minh được, bao gồm học phí đã đóng, thời gian công sức, chi phí cơ hội…

Trân trọng cảm ơn ông!

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vbpl.vn/bogiaoducdaotao/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=27848

Mạnh Đoàn