​Chọn sách khổ lắm!

29/02/2020 07:04
Lê Mai
(GDVN) - Chọn sách theo mình hay theo định hướng? Đó là câu hỏi mà không ít giáo viên tự hỏi chính bản thân mình.

Có định hướng không? Câu trả lời là có, nhưng rất khéo léo, nhẹ nhàng, chả ai bắt bẻ được; một lời khen, một lời chê về một cuốn sách hay bộ sách nào đó, rất khách quan của lãnh đạo, đã có định hướng đến chọn sách rồi.

Tại sao giáo viên muốn chọn sách theo định hướng?

Một thành viên chọn sách tâm sự: “Để đánh giá đúng được một quyển sách của một nhà xuất bản, một nhóm tác giả nào đó đâu phải dễ.

Họ toàn là những nhà nghiên cứu, tiến sĩ biên soạn. Còn đội ngũ giáo viên của chúng ta thì sao?

Chúng ta có yêu cầu họ quá cao hay không khi bắt họ đánh giá ở nhiều góc độ, khi trình độ họ chỉ có là của một giáo viên đạt chuẩn.

Thời gian dành cho giáo viên nghiên cứu để đánh giá sách là bao lâu? Trong khoảng không gian như thế nào? Trong khi họ còn bao lo toan cho cuộc sống thường ngày, rồi còn phải lo bài dạy, lên lớp, v.v...

Thậm chí là giáo viên, lãnh đạo của các nhà trường còn phải chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố khách quan....

Khổ lắm Thầy ạ.”

Vì vậy việc chọn sách giao về cho trường học sẽ mang cảm tính nhiều hơn; giáo viên và hội đồng chọn sách sẽ chọn việc nhàn nhã, đó là chọn sách theo định hướng, gợi ý của lãnh đạo, của chuyên viên.

Chọn sách giáo khoa có theo định hướng không? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)
Chọn sách giáo khoa có theo định hướng không? (Ảnh minh họa: Daidoanket.vn)

Chọn sách theo định hướng có lợi gì cho giáo viên?

Lợi trước tiên đó là không cần phải đọc sách, không cần tốn công nhọc tâm cho việc tìm ra bộ sách nào phù hợp hay không phù hợp.

Chọn sách theo định hướng hay gợi ý của lãnh đạo, giáo viên không phải chịu áp lực; không phải phản biện hay tranh luận nội dung nhận xét của bản thân.

Dù có định hướng nhưng quy trình chọn sách thể hiện trên văn bản hoàn toàn dân chủ, đố ai bắt bẻ được; có đầy đủ bản nhận xét đánh giá được ghi chép trong hồ sơ chuyên môn.

Có nên định hướng chọn sách?

Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?
Ban phụ huynh thì biết gì mà tham gia chọn sách giáo khoa?

Chính bất cập về trình độ của giáo viên, có địa phương giao cho mỗi giáo viên cốt cán chọn một đầu đầu sách, sau đó giáo viên cốt cán sẽ nhận xét đánh giá các đầu sách trong tọa đàm chọn sách giáo khoa. (Chính những giáo viên cốt cán này sẽ là thành phần chọn sách cấp Tỉnh trong năm học 2021-2022).

Trong tọa đàm, các giáo viên này sẽ định hướng … mà không phải định hướng.

Chọn sách định hướng kiểu này không phát huy được trí tuệ tập thể. Người ta có câu “Ba anh hàng da họp lại thành Gia Cát Lượng”, vì thế dù sao đi nữa cũng không nên định hướng chọn sách giáo khoa.

Muốn cả địa phương có chung bộ sách, càng không nên định hướng, chỉ nên chọn những đầu sách có nhiều trường chọn nhất mới đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.

Thực tế, có những vấn đề sai sót của bộ sách giáo khoa cũ, chỉ đến nay mới phát hiện ra sai sót. Vì vậy chọn sách, là công việc khó, khổ của giáo viên hiện nay, dẫu vậy cũng không nên định hướng chọn sách cho giáo viên.

Chọn sách theo định hướng, thầy cô đã chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?

Lê Mai