Chống gian lận khi kiểm tra trực tuyến, nhà trường nên dùng các cách này

05/09/2021 06:43
Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có thể cho học sinh kiểm tra vấn đáp, trắc nghiệm, thuyết trình, thực hành, ra đề mở, viết bài thu hoạch theo quá trình, làm các sản phẩm, dự án học tập.

Chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến là lưu ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương và nhà trường để thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2021-2022 với giáo dục trung học.

Được phép kiểm tra trực tuyến trong trường hợp nào?

Ngày 27/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Hữu Độ đã ký ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022. Theo đó, Bộ Giáo dục yêu cầu các nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học;

Không kiểm tra, đánh giá những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông; không kiểm tra, đánh giá đối với các nội dung phải thực hiện tinh giản, hướng dẫn học sinh tự học ở nhà theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt, các trường chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến theo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Ảnh minh hoạ: AN

Ảnh minh hoạ: AN

Theo Điều 6 Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trong quá trình dạy học. Các hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong dạy học trực tuyến được thực hiện theo quy định về kiểm tra, đánh giá thường xuyên của Bộ Giáo dục.

Còn việc kiểm tra, đánh giá định kỳ kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ Giáo dục.

Chỉ trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến; người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ Giáo dục, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

Giáo viên có trách nhiệm thực hiện dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh đúng kế hoạch của cơ sở giáo dục phổ thông và bảo đảm mục tiêu giáo dục theo quy định; tạo môi trường học tập thân thiện và tăng cường sự tương tác, kết nối thông tin với học sinh; phối hợp thường xuyên với phụ huynh học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến.

Nhiều bất cập khi kiểm tra trực tuyến

Năm học 2020-2021, khi dịch bệnh COVID-19 lan rộng, học sinh phải tạm nghỉ học, nhiều trường phổ thông đã tổ chức kiểm tra trực tuyến để lấy điểm thường xuyên, định kì, học kì.

Tuy nhiên, việc kiểm tra thế này chỉ mang tính “chữa cháy”, nhằm mục đích duy trì việc học là chủ yếu khi học sinh không đến trường.

Bởi vẫn còn đó những học sinh không có phương tiện học tập (máy tính bảng, laptop, điện thoại thông minh), đường truyền Internet không đảm bảo…

Điều đáng lo ngại nhất là, việc giám sát học sinh làm bài sao cho chặt chẽ, nghiêm túc để đánh giá công bằng, khách quan là bài toán nan giải. Học sinh có thể trao đổi bài, hỏi bài bạn, kể cả nhờ người người khác làm thay nên rất khó kiểm soát.

Đối với những môn Khoa học tự nhiên, giáo viên có thể cho mỗi học sinh một mã đề với thời gian cố định (15 phút, 45 phút, 50 phút) thì có thể hạn chế được phần nào sự gian lận của học sinh. Nhưng những môn Khoa học xã hội, để hạn chế học sinh sao chép trên mạng Internet là rất khó vì giáo viên phải kiểm tra kĩ lưỡng từng bài, rất mất thời gian.

Phương án kiểm tra trực tuyến khả thi nhất là học sinh đến trường kiểm tra trên máy tính nhưng phải chia nhiều ca để đảm bảo giãn cách khoảng cách theo quy định của cơ quan y tế. Cách tổ chức như thế này vừa an toàn về mặt phòng dịch, vừa đảm bảo công bằng, nghiêm túc.

Việc tổ chức kiểm tra cho khoảng 1000 học sinh tương đối đơn giản, nhưng với những trường trên 2000 em thì mất rất nhiều thời gian, nhân lực. Một điều đáng quan tâm nữa là, tổ chức kiểm tra trực tuyến cho học sinh lớp 1, lớp 2 như thế nào cho hợp lí, cũng không phải là chuyện dễ.

Giải pháp nào để hạn chế gian lận trong các kì kiểm tra?

Hình thức kiểm tra trực tuyến rất khó kiểm soát gian lận so với việc kiểm tra trực tiếp ở trên lớp. Theo tôi, các trường có thể cho học sinh kiểm tra vấn đáp, trắc nghiệm, thuyết trình, thực hành, ra đề mở, viết bài thu hoạch theo quá trình, làm các sản phẩm, dự án học tập phù hợp.

Cách kiểm tra vấn đáp trực tuyến dễ áp dụng với học sinh phổ thông, bởi tính khách quan, công bằng, tuy mất nhiều thời gian. Tuy vậy, hiện tại các bậc học đều tinh giản chương trình nên giáo viên sẽ có thêm thời gian cho việc kiểm tra vấn đáp.

Nếu phải kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, bắt buộc học sinh phải mở camera trong suốt quá trình làm bài để giáo viên giám sát. Học sinh chỉ đăng nhập trên một thiết bị, mỗi phòng kiểm tra chỉ nên xếp tối đa 10 học sinh, kiểm tra luân phiên theo từng đợt.

Hiện tại dịch COVID-19 đang phức tạp, nhiều địa phương đã lùi lịch tựu trường và kéo dài thời gian kết thúc năm học để cho học sinh có thêm thời gian học trực tiếp – là phương án tối ưu. Một loạt địa phương như Ninh Bình, Đồng Tháp, Quảng Bình, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Sơn La, Đắk Lắk… đã lùi lịch tựu trường vì dịch COVID-19.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đề nghị Bộ Giáo dục kéo dài năm học 2021-2022. “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét kéo dài năm học, nhất là với học sinh lớp 1, 2”, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến tại Hội nghị Tổng kết năm học 2020-2021 diễn ra sáng 28/8.

Theo ông Đức, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến học sinh không thể đến trường học trực tiếp, trong khi việc học trực tuyến không thể đảm bảo chất lượng giáo dục như học trực tiếp. Đặc biệt, với các học sinh nhỏ như lớp 1, 2 càng khó khăn trong học trực tuyến.

Như thế, để hạn chế gian lận trong kiểm tra, giáo viên phải thay đổi một số hình thức đánh giá theo cách cũ. Nhà trường cũng không nên quá chú trọng vào điểm số học sinh, thay vào đó cần hướng đến đánh giá khả năng hiểu bài và mức độ vận dụng kiến thức để làm bài của các em. Đây cũng là cơ sở để giáo viên căn cứ điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học sau khi học sinh đi học trở lại.

Tài liệu tham khảo:

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/13-tinh-thanh-pho-lui-lich-tuu-truong-vi-dich-covid-19-20210828094912938.htm

https://thanhnien.vn/giao-duc/tphcm-kien-nghi-nhung-van-de-gi-cho-nam-hoc-moi-khi-dich-covid-19-keo-dai-1441202.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Ánh Dương