Chống tham nhũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế

02/01/2019 06:19
Kiến Văn
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh trong thời gian qua có tác động tích cực tới sự phát triển.

Năm 2018, trong khi kinh tế thế giới có xu hướng gặp nhiều khó khăn thì Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều khởi sắc theo đà của năm trước.

Thứ nhất, đông lực tăng trưởng và cơ cấu tiếp tục cải thiện tích cực: Tốc độ tăng trưởng đạt 7,08% là con số vô cùng ấn tượng, cao nhất trong 10 năm trở lại đây.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018, trong khi năng suất lúa và sản lượng thủy sản trồng và khai thác đều tăng.

Tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 85% (Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 11 tháng ước tăng 10,1% và mức tăng được ghi nhận ở cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Xuất khẩu ước tăng 11,2% và xuất siêu hơn 3 tỷ USD. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng trên 15%.

Trong năm 2018 có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới và khoảng gần 21,2 nghìn hợp tác xã và 61 liên hiệp hợp tác xã, trong đó có 13 nghìn hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 6,4 triệu thành viên tham gia.

Tính chung 11 tháng, cả nước có 121.248 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,5% về số lượng, tăng 9,1% về số vốn đăng ký và tăng 4,1% về vốn bình quân một doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2017; tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 11 tháng năm 2018 là 3.432,6 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, có 31.869 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên hơn 153,1 nghìn doanh nghiệp.

Cả nước đã phê duyệt phương án cơ cấu lại 51 tổ chức tín dụng và tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; tỷ lệ nợ xấu giảm còn khoảng 2%. Thành lập, đưa vào hoạt động Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng việc đẩy mạnh chống tham nhũng là điểm quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng việc đẩy mạnh chống tham nhũng là điểm quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ  hai, thị trường tài chính ổn định, lạm phát được kiểm soát: Thu ngân sách được tổng kết vào chiều gày 31/12/2018 đạt trên 1.420 nghìn tỷ đồng (hơn 107% so dự toán); Nợ công khoảng 61,4% GDP. Dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 67 tỷ USD vào tháng 6 năm 2018. Tỷ lệ nợ xấu nội khối còn 2,18%.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 34% GDP. Mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, thấp hơn mức tăng 11,02% của năm 2017 trong khi GDP tăng cao hơn, điều này cho thấy hiệu quả đầu tư xã hội đang được cải thiện, giảm bớt phụ thuộc vào vốn đầu.

Chống tham nhũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế ảnh 2

Kinh tế Việt Nam 2018 có nhiều chỉ số tăng trưởng ấn tượng

Trong năm 2018, cộng hưởng cả hai xu hướng tăng giá USD và giảm giá Nhân Dân tệ (CNY) và nhiều đồng tiền thế giới khác đều khiến tạo sức ép tăng tỷ giá VND và lạm phát.

Tuy nhiên, CPI bình quân 11 tháng năm 2018 chỉ tăng 3,59% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng năm 2018 tăng 1,46% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Chỉ số giá vàng tháng 11/2018 giảm 0,81% so với tháng 12/2017; giảm 0,93% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, mức tăng tỷ giá VND cả năm thuộc nhóm thấp nhất trong tương quan nhiều đồng tiền khác trong khu vực và thế giới. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2018 tăng 2,77% so với tháng 12/2017 và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm 2017, so với mức tăng gần 10% của Nhân Dân tệ và từ 6 đến trên 10% của nhiều đông tiền khác.

Thứ ba, kinh tế đối ngoại tích đa dạng và năng động: Giải ngân vốn FDI ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,8% so với năm 2017. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 53% tổng vốn đăng ký.

Nhờ định hướng phát triển thành phố thông minh, Hà Nội trở lại vị trí đứng đầu sau nhiều năm vắng mặt, chiếm hơn 31% tổng vốn đăng ký cấp mới, trong số 54 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án FDI mới. Nhật Bản đứng đầu (chiếm 38,4% tổng vốn FDI mới) trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam.

Trong năm 2018, cả nước có 125 dự án mới của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn của phía Việt Nam trên 303,6 triệu USD; 30 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 54 triệu USD; trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng chiếm 29,6%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 14,2%.

Lào là nước dẫn đầu với 97,6 triệu USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư trong số 35 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.

Khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng, vượt con số 15 triệu lượt người, tăng trên 21% so với năm trước, với mức tăng được nghi nhận từ nguồn khác tới từ tất cả các châu lục trên thế giới.

Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam năm 2018 có nhiều cải thiện tích cực.
Môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam năm 2018 có nhiều cải thiện tích cực.

Thứ tư, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực: Điểm nhân đặc biệt của năm 2018 và Việt Nam đã ký và thông qua CPTPP, một FTA thế hệ mới có mức mở cửa rộng, sâu, nhanh chất lượng cao và toàn diện, kỳ vọng tạo nhiều xung lực tích cực cho cải thiện môi trường đầu tư chung cả nước.

Chỉ số môi trường kinh doanh năm 2017 của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/189 trong xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB). Ước đến cuối năm 2018, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chống tham nhũng có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế ảnh 4

Thông điệp 2019 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Việt Nam được Tổ chức Oxfam (Anh) xếp thứ 12/157 thế giới về mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và nhóm 10 quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương cam kết mạnh mẽ nhất cải cách chính sách thuế.

Điểm số của Việt Nam trong xếp hạng năm 2018 của WEF là 58,1 điểm, tăng nhẹ so với mức 57,9 điểm vào năm 2017, và xếp thứ 77/140 trong xếp hạng cạnh tranh của WEF năm nay, tụt 3 bậc so với vị trí 74/135 trong xếp hạng năm ngoái.

Tổng cầu trong nước tiếp tục được cải thiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng ước đạt 4.000,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,34% (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,25%).

Thứ năm, nhiều vấn đề bức xúc xã hội tiếp tục được quan tâm giải quyết; cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh: Tính chung 11 tháng năm nay, cả nước có 104,1 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 40,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 415,9 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 42,3%.

Cả nước tạo việc làm cho trên 1,62 triệu lượt người, trong đó đưa trên 126 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm còn 38,2% (mục tiêu đến 2020 là dưới 40%). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn 3,14% (mục tiêu năm 2020 là dưới 4%).

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong độ tuổi lao động đạt 30,2%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế ước đạt 86,9%, vượt chỉ tiêu đề ra (85,2%); gần 40% số xã và 55 huyện trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2 - 5,7%, giảm 1 - 1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%).

Cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh, rất nhiều cán bộ và cựu cán bộ cấp cao bị bắt giữ, truy tố và đưa ra xét xử; hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước bị thất thoát được thu hồi... những hành động đó tiếp tục khẳng định vai trò điều hành của các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bởi vì thu được tiền thất thoát là một chuyện nhưng tiếp tục củng cố niềm tin trong nhân dân, doanh nghiệp còn quan trọng hơn - đó là động lực quan trọng cho cả tiến trình phát triển sau này.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong khẳng định: "Về tổng thể, năm 2018 tiếp tục là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam có thể hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch cả năm đề ra, với 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức.

Đến cuối năm 2018, cả nước đã đạt và vượt có 11 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra; góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao".

Kiến Văn