Chống tiêu cực thi cử: Cả xã hội cùng vào cuộc

15/06/2012 23:01
Nguyễn Quốc Vỹ
(GDVN) - Chống tiêu cực trong thi cử không chỉ còn là trách nhiệm của một cá nhân hay một tổ chức mà là của toàn xã hội.

Nhiều "vấn đề" của ngành giáo dục

Giáo dục nước nhà được xem là “quốc sách hàng đầu”. Từ xưa đến nay, giáo dục luôn được sự quan tâm, chú ý.

Chính vì “yêu” nhiều nên xã hội luôn có những “đòi hỏi”, những mong muốn nhất định với hy vọng để ngành giáo dục nước nhà ngày một phát triển vững chắc, sánh kịp với nền giáo dục các nước tiên tiến trên thế giới về chất lượng.

Không thể phủ nhận những thành quả mà giáo dục đã đạt được trong thời gian gần đây từ việc phổ cập giáo dục ở các bậc học cho đến việc phát triển mạng lưới trường lớp cũng như đào tạo nghề cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó cũng có nhiều vấn đề tiêu cực như từ việc học hành “quá tải” của học sinh cho đến việc dạy thêm, học thêm tràn lan, hay gần đây nhất là vụ gian lận trong thi cử diễn ra công khai tại Bắc Giang. Gian lận, gian dối là điều không thể chấp nhận được và điều này lại càng đáng lên án hơn khi nó đang diễn ra trong ngành giáo dục - môi trường dạy làm người. Càng đau đớn hơn khi những hành động ấy được diễn ra suôn sẻ khi có sự “tiếp tay” từ những người thầy, người cô – những người hàng ngày luôn được kính trọng từ tác phong, tri thức cho đến việc gương mẫu trong hành động.

Toàn xã hội phải “giật mình” trước những sai phạm và càng không thể hiểu nổi khi báo cáo tổng kết kỳ thi luôn là những từ “an toàn, nghiêm túc” được lặp đi, lặp lại qua các mùa thi. Đã vậy, những người có trách nhiệm đang tìm cách đẩy “quả bóng trách nhiệm” sang một hướng khác và thậm chí là khăng khăng đòi “xử lý” học sinh quay video clip mà quên mất rằng lỗi lớn nhất hiện nay là những người đã tiếp tay cho sai phạm, là những người đã báo cáo để có những bản tổng kết “màu hồng”.

Tiêu cực trong thi cử có rất nhiều nguyên nhân và để “dẹp” được vấn nạn này, chắc chắn không thể chỉ một mình thầy Đỗ Việt Khoa “đơn thương độc mã” đấu tranh hay vài video clip mà các em học sinh đã dũng cảm quay lại.

Xã hội chống tiêu cực

Thiết nghĩ, đầu tiên bộ Giáo dục nên thường xuyên đặt những “dấu hỏi”, những nghi vấn của các báo cáo về chất lượng giáo dục nước nhà. Giao quyền tự chủ cho các trường, các Sở là cần thiết nhưng thiếu thanh tra, kiểm tra hoặc biết sai phạm nhưng cố tình “đóng cửa bảo nhau” thì chỉ “giết chết” chất lượng giáo dục nhanh hơn mà thôi.

Không chỉ đơn giản là việc của lãnh đạo, mỗi thầy cô giáo cũng cần lên tiếng mạnh mẽ những tiêu cực, những sai phạm trong giáo dục. Vì nhiều lý do đã dẫn đến việc sợ “đấu tranh” sẽ “tránh đâu” và dần dần dẫn đến tâm lý “makeno”. Nếu kỳ thi nào cũng có người tiếp tay cho sai phạm thì học sinh cần gì đến thầy cô, cần gì phải học hành, phải ôn luyện? Hình ảnh thầy cô cũng không còn đẹp đẽ như trước khi mà chỉ cần vài trăm ngàn là có thể “mua” được bài giải 6 môn thi. Và lẽ nào, cái giá của người thầy, người cô “rẻ” đến thế sao?

Nhà nước cần quyết liệt hơn nữa trong việc chống tiêu cực, bảo vệ người phát hiện, tố cáo tiêu cực. Những phản ứng chậm chạp, những việc quay sang đổ lỗi cho người tố cáo chỉ làm cho sai phạm ngày càng có thêm “đất sống”.

Báo chí phải là một kênh thông tin nhanh chóng và chính xác trong việc phát hiện tiêu cực để đem lại một xã hội tốt đẹp hơn. .

Cuối cùng, trách nhiệm thuộc về mỗi gia đình, chúng ta cần tránh đặt nặng áp lực thi cử lên con em mình. Và mỗi học sinh cũng nên tự biết xấu hổ trước những việc làm không đúng quy chế của mình trong các kỳ thi.

Bằng cấp và các con số trong giáo dục cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá nền giáo dục của một quốc gia. Tuy nhiên, điều cần thiết hơn cả là thực lực của mỗi người, khả năng áp dụng các kiến thức vào công việc. Những công nhân lành nghề, ưu tú còn hơn cả những tú tài, kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ mà phải gian lận trong thi cử để có được. Không những thế, sẽ ra sao khi những người sở hữu các tấm bằng ấy sợ sệt khi giao lưu với thế giới bên ngoài?

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (11-20/6): Tiêu cực trong thi cử

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Nguyễn Quốc Vỹ