Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật bảo hiểm y tế, dân được lợi gì?

12/09/2013 07:36
Diệu Linh
(GDVN) - Trong phiên làm việc chiều 11/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi với Bộ Y tế và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Sửa luật, dân được lợi gì?

BHYT toàn dân: Người nghèo được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, bên cạnh những thành công ban đầu thì Luật BHYT đã bộc lộ nhiều bất cập.

Việc quy định mức cùng chi trả 5% đối với một số nhóm đối tượng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội và 20% đối với thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo… đã hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh và khả năng chi trả của người bệnh, nhất là những người mắc các bệnh nặng, bệnh mạn tính.

Ngoài ra, còn một loạt các trở ngại khác với người tham gia BHYT như: Quy định về thanh toán BHYT đối với tai nạn giao thông do thủ tục, thời gian xác định có vi phạm pháp luật hay không nên ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia BHYT; Việc quy định quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trực tiếp cho người có thẻ BHYT trong các trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến đã gây khó khăn cho cơ quan Bảo hiểm xã hội, bệnh viện và cả người bệnh;

Các quy định về thời gian, thời điểm trong việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa tổ chức bảo hiểm y tế với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa hợp lý, chưa cụ thể đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ Y tế, khi thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đạt tới 80% vào năm 2020 thì sẽ có thêm một khoản kinh phí bù đắp tốt hơn cho việc chi trả cho người bệnh.

Sau phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đặt câu hỏi: Sau khi sửa luật người dân được lợi gì?

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, dự thảo sửa đổi luật lần này có nhiều điểm ưu việt. Cụ thể, bổ sung quy định giảm dần mức đóng BHYT khi toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT: Người thứ nhất đóng bằng mức quy định; Người thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm đóng lần lượt bằng 80%, 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất;

Từ người thứ sáu trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Quy định này nhằm giảm gánh nặng tài chính cho hộ gia đình có nhiều người tham gia BHYT, khuyến khích người dân tham gia cho tất cả các thành viên trong hộ.

Bổ sung quy định nâng mức hưởng của thân nhân người có công, người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95% để thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với thân nhân, người có công để bảo đảm khả năng chi trả của người thuộc hộ cận nghèo, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.

Bổ sung quy định nâng mức hưởng của người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối tượng bảo trợ xã hội từ 95% lên 100% để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, khả năng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT đối với các đối tượng này vì: các đối tượng này ít lạm dụng và ít có khả năng giám sát chi phí khám chữa bệnh BHYT;

Quỹ BHYT của đối tượng này liên tục có kết dư (tổng số kết dư của nhóm này trong 3 năm 2010, 2011 và 2012 khoảng 9.000 tỷ đồng) và đang được sử dụng để bù đắp cho đối tượng do quỹ bảo hiểm xã hội đóng; đa số người nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng chi trả, trong khi quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo của các địa phương không bù đắp được chi phí này.

Nỗi lo vỡ quỹ và gánh nặng với ngân sách

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ lo lắng trước khả năng quỹ bảo hiểm y tế bị vỡ, với ba câu hỏi được đặt ra: Thứ nhất, số đối tượng nghèo được bao cấp 100%, cận nghèo chỉ còn phải chi trả 5%, như vậy 15% còn lại sẽ dồn sang quỹ bảo hiểm chi trả; Thứ hai là nói bắt buộc đóng BHYT nhưng thực tế khó thực hiện, như vậy số người tham gia ít thì không đủ bù chi; Thứ ba là chi phí cho dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng cao, trong khi thu BHYT đầu vào không tăng sẽ tiếp tục tạo gánh nặng cho quỹ bảo hiểm y tế.

Trao đổi cùng những lo lắng của Chủ tịch Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách ủng hộ phải tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, qua đó hiện thực hóa được vấn đề lấy kinh phí từ số đông chi trả cho số ít, nhưng cũng đặt ra lo ngại về việc vỡ quỹ bảo hiểm.

Ông Hiển bày tỏ: “Con người có những nhu cầu tối thiểu là ăn, ở và chữa bệnh. Vậy chúng ta phải tính toán xem qua các năm số tiền người dân đã chi cho khám chữa bệnh là bao nhiêu? Tại sao lại đặt ra vấn đề ấy, bởi vì nó có liên quan trực tiếp tới khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, kiểu gì thì kiểu chúng ta cũng phải tính đúng, tính đủ chi phí cho công tác chữa bệnh, không thể có chi phí ít mà dịch vụ lại tốt.

Đồng chí Chủ tịch Quốc hội nói rất đúng và chúng ta phải tính kỹ hơn, tôi rất lo lắng là nếu không tính kỹ thì bảo hiểm xã hội chưa vỡ nhưng ngân sách đã vỡ rồi. Tôi lo lắng vì theo báo cáo của các đồng chí thì ngân sách nhà nước sẽ phải tăng 5-15 lần nữa, như vậy là thêm khoảng 45 nghìn tỷ mỗi năm. Vậy thì ngân sách của chúng ta có chịu nổi không?”.

Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Ông Phùng Quốc Hiển đề nghị khi triển khai chương trình bảo hiểm y tế toàn dân, phải tính toán ngay từ đầu vào, tỷ lệ số tiền đóng bảo hiểm y tế phải nâng lên.

“Phải tính tới xu thế phần hỗ trợ của nhà nước thế nào, bởi theo tính toán sơ bộ tới 2020 nước ta có 96 triệu dân và có 52 triệu người sử dụng bảo hiểm y tế, trong đó 34 triệu người được hỗ trợ 100%, con số này rất lớn, cho nên nếu không tính toán kỹ thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tôi ủng hộ xu hướng thực hiện bảo hiểm toàn dân, nhưng cũng xin đề nghị Ủy ban các vấn đề xã hội và Bộ Y tế tính toán thật kỹ lại lộ trình thực hiện”, ông Hiển nói.
Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật tán thành với báo cáo thẩm tra của Ủy ban các vấn đề xã hội, đồng thời đặt ra những câu hỏi sắc bén: “BHYT nếu bắt buộc thì có thành nghĩa vụ không, mà thành nghĩa vụ thì có phù hợp với Hiến pháp và các quy định hiện hành không? Bắt buộc thì quy định đóng thế náo, cá nhân mỗi người sẽ tự đóng hay ai đóng, rồi trách nhiệm ra sao nếu không đóng?

Nếu người dân bắt buộc phải đóng thì có điều chỉnh gì trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh không, hay là người bệnh đưa thẻ ra là không muốn phục vụ? Đã là trách nhiệm phải đóng BHYT, thì cũng phải gắn với trách nhiệm phụ vụ tại các bệnh viện, cơ sở y tế”.
Diệu Linh