Chưa có khung pháp lý cho Đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa

27/03/2016 08:27
Phương Thảo
(GDVN) - Vì sao các trường đều tự nhận là trường phi lợi nhuận trong khi phần lớn đều hoạt động vì lợi nhuận?

Trong bối cảnh nhập nhằng không rõ ràng trong việc định nghĩa trường đại học phi lợi nhuận và vì lợi nhuận, bà Trần Ngọc Diệp (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, tình trạng các trường đại học tự phong “phi lợi nhuận” tại Việt Nam thường xuyên diễn ra và điều này ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của xã hội đối với giáo dục đại học. 

Bà Diệp dẫn chứng, tại Quyết định 61/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đại học tư thục quy định: “Tài sản là vốn góp được công nhận sở hữu tư nhân. Tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của trường”. 

“Tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của nhà trường và do Hội đồng quản trị quản lý. Trong khi đó Hội đồng quản trị lại bao gồm cả những cá nhân không góp vốn ban đầu. Chính sách này thể hiện hai mâu thuẫn. 

Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn
Ảnh minh họa trên Giaoduc.net.vn

Một là các nhà đầu tư đầu tư vào các hoạt động gây lời nhưng lại không được hưởng lợi nhuận – mâu thuẫn trực tiếp với động lực đầu tư. Hai là những người không đóng góp gì lại có quyền quản lý điều hành phần tài sản chung của trường” bà Diệp cho biết.

Những mâu thuẫn trong các quy định này khiến cho tình trạng quản lý khó khăn. Hệ quả là ban điều hành của các trường đều tự nhận là trường tư phi lợi nhuận trong khi phần lớn đều hoạt động vì lợi nhuận. 

Cũng liên quan tới nội dung này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Hiệp (Đại học Văn hóa Trung Hoa – Đài Loan) có đưa ra ví dụ điển hình cho việc phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập hiện nay ở Việt Nam.

Trường Đại học Hoa Sen là một trong những đại học dương cao ngọn cờ “không vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”.


Chưa có khung pháp lý cho Đại học phi lợi nhuận đúng nghĩa  ảnh 2

Câu chuyện phi lợi nhuận và khung pháp lý xây dựng mô hình

(GDVN)-Câu hỏi ở Việt Nam, giáo dục đại học có phi lợi nhuận hay chưa vẫn là dấu hỏi mà nhiều người đặt ra cho các trường từng tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận.

Nhưng những diễn biến gần đây xung quanh đến tranh chấp giữa các thành viên trong Ban Giám hiệu và số đông các cổ đông của trường này, cũng như các văn bản trả lời của Bộ GD&ĐT, UBND thành phố Hồ Chí Minh và gần nhất là của Thủ tướng Chính phủ đều cho thấy về mặt pháp lý, trường vẫn là một trường tư thục bình thường chứ không phải là đại học “không vì lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận” như Ban giám hiệu luôn khẳng định. 

Theo ông Hiệp, đơn giản là bởi, khung pháp lý cho đại học “phi lợi nhuận” theo đúng nghĩa (không có chủ sở hữu, chính sách ưu đãi thuế cho các hoạt động giáo dục phi lợi nhuận ...) ở Việt Nam vẫn chưa có hoặc chưa hoàn thiện. 

Trao đổi thêm, ông Phạm Hiệp trên cơ sở đồng tình với ông Lê Trường Tùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT) cho rằng, ở nước ta, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều nhà giáo dục ủng hộ sự ra đời của đại học tư phi lợi nhuận.

Nhưng xét bối cảnh Việt Nam, có thể thấy, sẽ không thể có đại học tư phi lợi nhuận nếu như khung pháp lý rõ ràng, rành mạch dành cho nó chưa được ra đời.

Vậy những lùm xùm liên quan đến việc Ban giám hiệu Đại học Hoa Sen luôn một mực khẳng định trường hoạt động “không vì lợi nhuận” bất chấp các văn bản hướng dẫn của UBND Tp. Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT và Thủ tướng Chính phủ là do chưa có khung pháp lý rõ ràng cho mô hình đại học không vì lợi nhuận đúng nghĩa, hay chính ban giám hiệu của trường đang cố tình hiểu sai quy định, phớt lờ các văn bản hướng dẫn của các cơ quan quản lý để giương cao ngọn cờ “không vì lợi nhuận” nhằm cho một mục đích không chính đáng khác?

Trong khi khái niệm trường không vì lợi nhuận và các quy định cũng như chính sách liên quan đến loại hình trường này chưa rõ ràng và còn gây nhiều tranh cãi, ông Phạm Hiệp lại có cái nhìn lạc quan hơn ở mô hình trường đại học tư vì lợi nhuận, bởi theo ông, vì lợi nhuận cũng chính là động lực lớn nhất để tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; và chắc chắn, giáo dục cũng sẽ không nằm ngoài quy luật đó.

Chung quy, mô hình trường đại học không vì lợi nhuận hay vì lợi nhuận không phải là yếu tố quyết định để đánh giá chất lượng giáo dục của một trường.

Đại học vì lợi nhuận không phải là xấu, nếu như vẫn đảm bảo sinh viên nhận được chất lượng giáo dục tốt với mức học phí phù hợp. Ngược lại, mô hình đại học không vì lợi nhuận không hẳn là lý tưởng nhất nếu như đó chỉ là chiêu bài của những người quản lý để che đậy sai phạm, củng cố quyền lực và tranh thủ lợi ích cá nhân. 

Phương Thảo