Chung cư 93 Lò Đúc: “Nếu hỏa hoạn, chúng tôi chỉ có... chết"

25/08/2011 06:27
Bài, ảnh: Tiểu Phương
(GDVN) - Chỗ đỗ xe chiếm dụng lối đi, cầu thang máy quá tải hàng giờ, lối thoát hiểm bị ngăn, cư dân 93 Lò Đúc lo lắng: Nếu hỏa hoạn, họ chỉ còn đường chết!

 Tầng hầm gửi xe: Chỉ cần xe mất phanh, hậu quả khôn lường

Có mặt tại tòa nhà 93 Lò Đúc sáng 23/8/2011, khi đưa xe xuống tầng hầm, chúng tôi phải loay hoay mãi mới có thể tìm cho mình một chỗ gửi xe. Tình trạng này không còn là chuyện hiếm từ nhiều năm nay.

Vào khoảng 7h30, bãi để xe của cư dân chung cư 93 Lò Đúc chật ních xe. Người ra, người vào đều tỏ rõ sự cáu gắt, khó chịu khi tìm mỏi mắt mà không thấy xe mình đâu. 

Anh Lê H., cư dân tầng 26 của tòa nhà bực bội: “Sáng nào cũng vậy, cứ xuống lấy xe là phát hoảng. Tôi luôn phải xuống sớm hơn bình thường bởi tôi biết: Nhân viên trông xe sẽ gom xe lại, thay đổi vị trí để tiết kiệm diện tích và kiểu gì cũng phải mất chừng 15 – 20 phút mới tìm thấy xe của mình”.

Trong khi chỗ để xe của khu chung cư đặc kín thì đối diện, góc trái của tầng hầm, nơi để xe của công ty bảo hiểm AIA lại vắng vẻ, thưa thớt. “Bãi để xe là chung cho tất cả mọi người, rộng thì cùng rộng, chật thì cùng chật, Ban quản lý không thể chiếm dụng diện tích, chỉ cho một công ty bảo hiểm thuê” – Anh Bùi Anh Dũng - cư dân tại chung cư bất bình nói.

Theo ghi nhận của người dân, tầng hầm để xe tại chung cư Lò Đúc vốn dĩ chật chội so với số lượng hơn 300 hộ daan đang sinh sống, thêm vào đó, đã từ lâu, ban quản lý tòa nhà cho thuê văn phòng, bỏ ra một khoảng trống lớn để xe cho đội ngũ nhân viên văn phòng. Chính vì vậy, diện tích để xe của các hộ dân bị thu hẹp lại và tình trạng thiếu chỗ khiến dân cư phàn nàn, la ó đã diễn ra trong suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa được Ban quản lý khắc phục, giải quyết.  

Hàng ngày, tại dốc lên-xuống tầng hầm, một dãy ô tô gồm 3 - 4 chiếc thường xuyên đỗ nối đuôi nhau. Nhìn vào hình ảnh này, không ít người lo ngại, chỉ cần 1 chiếc mất phanh hay lái xe quá đà vài chục centimet, cả dãy xe sẽ lao xuống gây hậu quả khôn lường. Chưa nói đến việc những chiếc xe đỗ ngay tại lối ra vào đã che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng đến sự an toàn của người tham gia giao thông.

Vừa qua, trong công văn gửi Văn phòng Quốc hội, Bộ Xây Dựng, UBND TP.Hà Nội gửi ngày 10/07/2011, tập thể 209 hộ dân cư tòa nhà 93 Lò Đúc đã cùng ký tên, lên tiếng nhờ các cơ quan ban ngành can thiệp.

Trong công văn nêu rõ hàng loạt các sai phạm của Ban quản lý tòa nhà như: Quản lý vận hành Tòa nhà yếu kém gây nguy cơ khi có sự cố. Bãi đỗ xe bừa bãi (văn phòng để lẫn với dân nên khó kiểm soát mất mát), không kiểm soát người ra, vào gây mất an ninh, an toàn; Xâm phạm diện tích sử dụng chung, cho thuê văn phòng không có lối đi riêng gây xáo trộn và tắc nghẽn giao thông trong tòa nhà.

“Cứ 4-5h chiều là tôi không thể nào mà chen vào được thang máy, đi làm về phải chờ đợi rất mệt mỏi. Sáng ra đi làm có khi phải chờ nửa tiếng đồng hồ. Không có một chung cư nào lại như thế!”, trao đổi với báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, anh Bùi Anh Dũng phẫn nộ nói.
 
Anh Dũng cho biết: Tòa nhà có 3 chiếc thang máy trong đó, có khu thang máy dành riêng cho giới văn phòng, tuy nhiên chiếc cầu thang máy này “chỉ để trang trí” mà không được đưa vào hoạt động. Hơn 300 hộ dân cư và hàng loạt nhân viên văn phòng “chui” vào trong 2 cầu thang máy khiến cho tình trạng này trở nên quá tải tới mức “không thể chịu đựng được”.
Cư dân 93 Lò Đúc phản ánh những bất cập khu để xe của tòa nhà.
Trong công văn gửi cơ quan Nhà nước, tập thể khu dân cư cũng đề nghị Công ty Kinh Đô Đồng thời thực hiện việc cung cấp 3 thang máy chở người (trong khu vực thang máy chính phía dân cư) không dừng tại các tầng văn phòng M, 1, 2, 3, 4, KT mà hiện tại đang gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt cho các hộ dân trong quá trình đi lại hằng ngày và nhất là nguy hiểm khi có sự cố chảy nổ.

 “Lối thoát hiểm sang khu văn phòng hiện nay bị ngăn lại, nếu động đất, cháy nổ thì không có lối thoát. Thêm vào đó, tòa nhà cũng không có hệ thống loa công cộng, trong khi, ở các chung cư khác, ít nhất phải có 3 loa ngoài hành lang. Khoảng 3 năm kể từ ngày tòa nhà đi vào hoạt động, công ty Kinh Đô chưa một lần tổ chức tập huấn, diễn tập phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nếu có hỏa hoạn xảy ra, thực sự, chúng tôi chỉ còn đường chết” – Một người dân tại đây tỏ ra lo lắng.

Tính mạng không được đảm bảo?

Chiều tối qua (ngày 23/8/2011), vào hồi 18h30, khu chung cư 93 Lò Đúc được phen náo loạn khi ông chủ của căn hộ 95 Lò Đúc lên tiếng phản ánh về việc có cửa kính rơi vãi vắt ngang cầu thang nơi có nhiều trẻ em thường xuyên chơi bời, chạy nhảy. Đội bảo vệ tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc cùng tổ dân phố đã lập tức kiểm tra và lập biên bản sự việc.

Biên bản ghi nhận sự việc cửa kính rơi vãi vắt ngang cầu thang

gây nguy hiểm cho trẻ em.

Biên bản ghi nhận: Cánh cửa của căn hộ 1608 của tòa nhà 93 Lò Đúc đã rơi toàn bộ khung xuống sân và kính rơi vãi sang cả khu vực cầu thanh nhà lân cận. Nhiều người có mặt tại hiện trường tỏ ra hoảng hốt. Cô Nhung Hà, đi ngang qua đó cũng lo sợ: “Rất may không xảy ra án mạng. Nếu lúc kính rơi, có người phía dưới thì không biết sẽ nguy hiểm tới mức độ nào”.

“Tôi yêu cầu lãnh đạo tòa nhà Kinh đô kiểm tra sửa chữa ngay toàn bộ các cửa sổ của tòa nhà không để xảy ra tình trạng tương tự như vậy nữa. Đồng thời, gia đình tôi cũng yêu cầu công ty bồi thường những hỏng hóc do cửa sổ rơi xuống” – ông Chí, chủ hộ 95 Lò Đúc cho biết.

Việc cửa kính rơi bất ngờ khi chung cư mới đi vào hoạt động được vài năm đặt ra cho người dân nơi đây một câu hỏi và sự hoài nghi về chất lượng thiết kế thi công của chủ đầu tư và việc đảm bảo an toàn tính mạng của con người đối với ban quản lý tòa nhà. Bởi trên thực tế, sự cố cháy nổ cũng đã từng xảy ra trong quá khứ gây nguy cơ thiệt hại về người và của cho cư dân.

Vào ngày 10/07/2011, tập thể chung cư 93 Lò Đúc đã gửi công văn tới Văn phòng Quốc hội, Bộ Xây Dựng, UBND. Tp. Hà Nội và tới Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô, đề nghị Công ty Kinh Đô cần phải tháo cửa kính tại tầng G (ngăn cách khu sảnh tầng trệt khu căn hộ và 2 thang máy khối văn phòng) và tháo cửa ngăn tại tầng 4 và 5 (Đang vi phạm tiêu chuẩn Thiết kế và sử dụng Chung cư, cản trở việc thoát người khi có sự cố cháy nổ, vi phạm nguyên tắc phòng cháy chữa cháy về thoát người). Tuy nhiên, cho tới nay, công ty Kinh Đô vẫn chưa có động thái sửa đổi.

Ngoài ra, hàng loạt các bức xúc khác về phí tiền điện, tiền nước, phí quản lý cao hơn mức quy định của Nhà nước cũng đang khiến người dân nơi đây bất bình, kêu than. Mặc dù, tập thể khu dân cư đã gửi công văn tới đích danh tới 25 quan chức Nhà nước có thẩm quyền liên quan nhưng cho tới nay vẫn chưa hề có hồi âm và các tồn tại, bất cập tại 93 Lò Đúc vẫn là một “căn bệnh” nhức nhối, kéo dài âm ỉ.

Người dân tiếp tục phản ánh những bất cập về các mức phí quản lý tòa nhà.

Những câu nói như “chúng tôi bực lắm”, “tôi không ngờ ở chung cư lại khổ như thế này”, “điên người với cách quản lý và vận hành ở nơi đây” hay “quá chán nản với cách làm việc và cư xử của Công ty Kinh Đô” đã trở thành những câu cửa miệng khi ai đó hỏi thăm tình hình sinh sống của cư dân tại tòa nhà này.

“Thiết nghĩ trong Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 11) một nội dung rất quan trọng là vấn đề an sinh xã hội. Các bức xúc cũng như những phản ánh của các hộ dân rất cần được lưu tâm để thực hiện đúng các nội dung tại Nghị quyết 11 nói trên” – Đại diện cư dân tòa nhà 93 Lò Đúc hết lòng mong mỏi.

Bài, ảnh: Tiểu Phương