Chung cư của ông Thản, nếu xảy ra hỏa hoạn không có đường cho xe vào chữa cháy

04/08/2016 07:28
Mai Anh
(GDVN) - “Ngay lối vào chung cư cũng tận dụng cho để xe ô tô để thu tiền, nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa cũng không có đường nào vào chữa cháy”, người dân cho biết.

Nói mãi không ai nghe

Sau khi Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP.Hà Nội công bố danh sách chung cư trên địa bàn thủ đô không thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, dư luận không bất ngờ khi các chung cư của Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên (do ông Lê Thanh Thản làm giám đốc) lọt vào danh sách "đen".

Điều đáng nói, con số chung cư vi phạm không chỉ 1 hay 2 mà lên đến 15. Tất cả các dự án bất động sản đình đám tại Hà Nội của ông Thản gồm Khu đô thị Bán đảo Linh Đàm, Khu chung cư Kim Văn - Kim Lũ; Khu đô thị Xa La, Khu đô thị Đại Thanh đều vi phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Những chung cư này cũng đều đã đi vào sử dụng được thời gian dài.

Tòa nhà CT4A - một trong 15 chung cư của ông Thản thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Tòa nhà CT4A - một trong 15 chung cư của ông Thản thực hiện không đầy đủ quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.

Vi phạm của chủ đầu tư đã rõ, việc truy trách nhiệm cũng không phải là điều đáng bàn. Nhưng với những cư dân của chung cư ông Thản, vì sao hằng ngày, hàng giờ sống trong nơm nớp lo sợ cháy nổ nhưng không lên tiếng? 

Để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, chiều ngày 3/8 phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã gặp gỡ những người dân sống tại Khu đô thị Xa La và Khu đô thị Đại Thanh.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Sơn - Trưởng tòa nhà CT4A (Khu đô thị Xa La - Hà Đông, tòa nhà này từng xảy ra cháy hồi tháng 10/2015) nói thẳng: “Chủ đầu tư chỉ muốn xây xong bán lấy tiền, Ban quản lý tòa nhà chỉ biết thu tiền, đã vào chung cư thì chấp nhận rủi ro”.

Chung cư của ông Thản, nếu xảy ra hỏa hoạn không có đường cho xe vào chữa cháy ảnh 2

Tập đoàn Mường Thanh có đến 15 công trình sai phạm là "không thể chấp nhận được"

Chung cư của ông Thản, nếu xảy ra hỏa hoạn không có đường cho xe vào chữa cháy ảnh 3

Không đảm bảo an toàn, vì sao hàng loạt chung cư của ông Thản vẫn hoạt động?

Sau khi chung cư xảy ra cháy hồi tháng 10/2015, ông Sơn cho biết cảnh sát phòng cháy chữa cháy có nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư mua thêm thiết bị phòng cháy chữa cháy.

“Sau đó họ có mua thêm bình cứu hỏa, mua rồi để đó. Nói thật gọi là có để mang tính chống đối. Nếu bây giờ xảy ra cháy, bình cứu hỏa ở đấy có ai biết sử dụng, ai biết thoát hiểm đâu. Từ ngày về đây ở tôi chưa thấy tập huấn, học hành gì về công tác phòng cháy chữa cháy”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, vấn đề phòng cháy chữa cháy trong tổ hợp 3 tòa nhà CT4 (gồm CT4A, CT4B và CT4C) không chỉ thiếu thiết bị mà là thiếu kỹ năng.

“Tôi được biết theo luật, ở chung cư phải có tập huấn phòng cháy chữa cháy, phải có đội phòng cháy chữa cháy tại chỗ nhưng ở đây họ không làm nên có thiết bị cũng không biết sử dụng”, ông Sơn chia sẻ.

Đặt vấn đề: Tại sao người dân không có kiến nghị lên chính quyền địa phương? Ông Lê Đình Sơn cho biết: “Họp lần nào cư dân cũng có kiến nghị, ban quản lý nghe rồi, chính quyền địa phương nghe rồi. Dân phản ánh xong họ nói: Lắng nghe. Họp chúng tôi nói rất nhiều, người dân nói rồi, nói mãi không chuyển biến, mọi chuyện lại đi vào im lặng. Nói mãi không được nên chúng tôi tự nói với nhau thôi đành chấp nhận”.

Theo ông Sơn, bức xúc nhất của cư dân tòa nhà CT4 chính là việc hầm gửi xe đang bị ban quản lý lạm dụng nhận phương tiện ngoài vào gửi thu tiền, dẫn đến lộn xộn, chật chội.

Mặt khác, tại tầng 1 của các tòa nhà được chủ đầu tư cho các cá nhân, tổ chức thuê kinh doanh. Trong đó có cả kinh doanh ăn uống, nguy cơ cháy nổ rất dễ xảy ra.

Tầng 1 tòa nhà CT4 la liệt quán ăn, tiềm ẩn nguy cơ cháy.
Tầng 1 tòa nhà CT4 la liệt quán ăn, tiềm ẩn nguy cơ cháy.

“Cư dân có nói cũng không được vì tầng 1 và hầm là thuộc chủ đầu tư, chủ đầu tư có quyền khai thác nên chúng tôi đành chịu”, ông Sơn tỏ ra bất lực.

Nếu cháy không có đường cho xe cứu hỏa

Cùng chung bức xúc như ông Sơn, một người dân sống tại tầng 19 tòa CT3 (Khu đô thị Xa La) chia sẻ: Cư dân chúng tôi đây bức xúc vì thiếu sân chơi cho trẻ em do khu vực trước đây theo thiết kế là sân chơi nhưng giờ chiều đến là họ cho để xe tràn ra.

“Ngay lối vào chung cư cũng tận dụng cho để xe ô tô để thu tiền, nếu xảy ra cháy, xe cứu hỏa cũng không có đường nào vào chữa cháy”, người dân này cho biết.

Theo một người dân sống tại Tòa nhà CT3 - Khu đô thị Xa La dù rất muốn chuyển nhưng đành chịu vì không có tiền.
Theo một người dân sống tại Tòa nhà CT3 - Khu đô thị Xa La dù rất muốn chuyển nhưng đành chịu vì không có tiền.

Trước câu hỏi về việc tại sao biết chung cư không an toàn, người dân không chuyển nơi ở khác, người này cho biết: “Chúng tôi dành dụm cả đời mua được chung cư, khi mua lại mua qua người khác nên phải mất gần 2 tỷ đồng mới mua được căn hộ này. Nay nếu bán cùng lắm được hơn tỷ một chút. Có người rao bán mãi không có ai mua hoặc trả giá thấp. Bán rồi không đủ tiền mua chỗ khác”.

Tương tự, một người dân sống tại tòa nhà Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (ngay cạnh tòa nhà CT3) cũng cho biết: Chiều đến xe và các phương tiện để khắp trên sảnh và hai bên đường vào tòa nhà. Nếu xảy ra cháy xe cứu hỏa sẽ khó tiếp cận tòa nhà.

Lối vào chung cư CT3 và tòa nhà Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp chật cứng xe.
Lối vào chung cư CT3 và tòa nhà Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp chật cứng xe.

Ngoài các tòa CT1, Tòa CT1; Tòa CT2; Tòa CT3; Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp; Tòa nhà CT4; Tòa nhà CT6 Xa La thuộc Khu đô thị Xa La - Hà Đông. Thì tòa nhà CT10, CT8 thuộc Khu đô thị Đại Thanh (Tả Thanh Oai - Thanh Trì - Hà Nội) cũng nằm trong danh sách chung cư không thực hiện đúng quy định của pháp luật phòng cháy chữa cháy.

Có mặt tại chung cư CT10B (một trong 3 chung cư thuộc CT10: CT10A - CT10B - CT10C) chiều muộn ngày 3/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam gặp gỡ và trao đổi với bà Lê Thị Phương Nga - Trưởng tòa nhà CT10B.

Khi trao đổi về danh sách chung cư không thực hiện đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy bà Nga cho biết: “Quy định phòng cháy chữa cháy ra sao hay việc chủ đầu tư có thực hiện đúng quy định, đúng thiết kế về phòng cháy chữa cháy hay không cư dân chúng tôi không được biết. Về thiết bị báo cháy, riêng tòa nhà tôi hoạt động tốt”.

Theo bà Nga, từ khi chuyền về đây sinh sống cư dân trong tổ hợp tòa nhà CT10 được 3 lần tập huấn phòng cháy chữa cháy do ban quản lý và huyện Thanh Trì tổ chức.

Bà Nga cho biết, người dân sống tại tòa nhà CT10 hiện nay đang lo lắng 2 vấn đề: Thứ nhất, khu vực tầng 1 tòa nhà được chủ đầu tư cho đơn vị thuê kinh doanh, các đơn vị này làm mái che ra bên ngoài. Điều này sẽ gây cản trở xe cứu hỏa trong việc chữa cháy nếu xảy ra cháy hay cứu hộ.

Thứ hai, hiện nay với lượng xe nhiều trong khi trạm biến thế đặt trong hầm. Người dân lo ngại nguy cơ cháy chập điện dễ dẫn cháy nổ khi đó với lượng xe nhiều trong hầm thì không khác gì “quả bom” thiêu cháy tất cả.

Được biết tòa nhà CT10 có 3 tòa mỗi tòa 31 tầng, mỗi tầng 22 căn hộ, như vậy có đến gần 2.000 căn hộ. Hay như tòa CT4 cũng có 3 tòa, mỗi tòa 34 tầng mỗi tầng 12 căn có nghĩa có khoảng 1.200 căn hộ.

Tương tự tòa nhà CT3, CT1 và CT1 mỗi tòa có 21 tầng mỗi tầng 8 căn hộ… Chỉ tính trung bình mỗi căn hộ 4 người, ước tính số người sống tại đây lên đến từ vài trăm đến hàng nghìn người. Nếu xảy ra sự cố đang tiếc về cháy nổ, thiệt hại sẽ rất về người và tài sản.

Mai Anh