Chương trình mới khó dễ tùy thuộc vào cái tâm người thầy có chịu thay đổi!

14/01/2020 06:23
Trinh Phúc
(GDVN) -Chương trình mới đã tạo động lực để thầy cô đổi mới ngay từ bây giờ mà không phải đợi đến lúc đổi mới chính thức.

Hiện nay, các giáo viên phổ thông đã được tập huấn tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới. Đa số, thầy cô rất tự tin sẽ hoàn thành được vai trò mặc dù đòi hỏi của chương trình mới là một thử thách.

Bên lề cuộc Hội thảo Tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Trường trung học phổ thông Cẩm Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ phóng viên đã có cuộc trao đổi với thầy giáo Bùi Quốc Tuấn, giáo viên dạy môn Hóa học.

Thầy Bùi Quốc Tuấn (ảnh Trinh Phúc).
Thầy Bùi Quốc Tuấn (ảnh Trinh Phúc).

Theo thầy Tuấn, thầy đã được được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình môn Hóa trong chương trình phổ thông tổng thể có một số thay đổi tích cực.

Cụ thể, môn Hóa đã tiệm cận với xu thế thế giới ví dụ như nhiều công thức, tên gọi, danh pháp liên quan đến thuật ngữ của thế giới. Còn chương trình hiện hành nhiều chất vẫn gọi theo phiên âm.

Việc thay đổi như vậy là rất hay, vì bây giờ học sinh được tiếp cận với ngoại ngữ từ sớm nên những từ đó các em không gặp khó khăn ghi nhớ và phát âm.

Theo thầy Tuấn, khi chương trình môn Hóa được công khai, một số thầy cô có phân vân vì có những nội dung ngày xưa học đại học này đưa xuống dạy cấp 3.

Dạy văn theo phương pháp mới học sinh gặp khó để hiểu sâu sắc vấn đề!
Dạy văn theo phương pháp mới học sinh gặp khó để hiểu sâu sắc vấn đề!

Tuy nhiên khi đi tập huấn, điều này rất sáng tỏ khi các chuyên gia giải thích đưa vào đây mang tính giới thiệu, mức độ bước đầu.

Ví dụ môn Hóa có kiến thức liên quan đến Phổ.

Ngày xưa học đại học mới có nhưng giờ đưa vào chương trình phổ thông.

Tuy nhiên, phần này cơ bản là để giới thiệu, nhìn vào đó để đọc kết quả thôi chứ không phải tìm hiểu sâu như học đại học.

Trước băn khoăn của phóng viên về việc chương trình mới đòi hỏi vai trò người thầy từ vai trò người truyền thụ kiến thức sang người hướng dẫn có gây khó với các thầy cô hay không thì thầy Tuấn cho rằng, cái khó khăn này do quan điểm và cái tâm của người thầy.

Hiện nay, thầy cô thường xuyên được cập nhật kiến thức, kỹ năng, lại được sinh hoạt chuyên môn liên trường trong tỉnh nên quá trình trao đổi, chia sẻ, thảo luận, chia sẻ, góp sẽ giúp cho năng lực của các thầy cô nâng dần.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Góp ý kiến giờ đây không giống như ngày xưa là thiên về chỉ trích, bình luận, nhận xét, đánh giá, cho điểm mà việc góp ý giờ dạy rất thoải mái, nhẹ nhàng, cởi mở trên tinh thần xây dựng.

Thậm chí, cả nhóm nghiên cứu, sau đó mời giáo viên đại diện nhóm lên để giảng.

Rõ ràng, việc đó rất thoải mái, không áp lực mà tạo động lực để thầy cô đổi mới ngay từ bây giờ mà không phải đợi đến lúc đổi mới chính thức, sách giáo khoa mới rồi mới làm”.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê háo hức tìm hiểu chủ quyền lãnh thổ
Học sinh Trường Trung học phổ thông Cẩm Khê háo hức tìm hiểu chủ quyền lãnh thổ

Ngoài ra, thầy Tuấn còn cho biết, cơ sở vật chất nhà trường như các lớp học đều có máy chiếu, môn Hóa có phòng thí nghiệm riêng, hóa chất đầy đủ nên phục vụ tốt cho việc giảng dạy.

Đối với học sinh, ngày nay các em năng động hơn rất nhiều. Các em được tiếp cận được với công nghệ nên các em chủ động được. Thầy cô đã hướng dẫn các em không chỉ học trên lớp mà khai thác thêm thông tin khác nữa trên các trang trực tuyến.

Việc dạy học thầy cô thương xuyên liên hệ thực tiễn, giới thiệu về các hóa chất sinh hoạt hàng ngày nên các em hào hứng hơn.

Sách giáo khoa những năm gần đây những phần nào chưa phù hợp, thì đã được Bộ Giáo dục hướng dẫn giảm tải. Những phần kiến thức không gắn với thực tiễn, những thí nghiệm mang tính độc hại không bắt buộc học sinh thực hành.

Chương trình mới rất mong muốn được đón chờ, đón nhận để giúp các em học hiệu quả nhất.

Trinh Phúc