Chuyện ăn cắp ở kí túc xá

01/06/2012 22:49
Nga Trịnh, khoa Báo chí, HV. BC&TT
(GDVN) - “Mình ở được hai năm trong kí túc xá (KTX) rồi nên nghe chuyện mất cắp mình thấy bình thường lắm” – một bạn sinh viên chia sẻ.
Ở KTX không mất đồ là chuyện lạ
“Được sống trong môi trường KTX là điều nhiều bạn sinh viên mong muốn khi bước chân vào giảng đường ĐH. Phần vì thuận lợi cho việc học tập, lại tiết kiệm được chi phí tiền nhà. Ban đầu, khi bị mất đồ, các bạn cùng phòng với mình cảm thấy rất khó chịu và bức xúc. Tuy nhiên lâu dần mình cũng quen. Và ai không mất mới lại là chuyện lạ… Người thì mất quần áo, giày dép,... thậm chí là máy tính xách tay, máy ảnh. Mặc dù, kí túc có hàng rào thép chắn, nhưng vẫn bị bọn trộm câu đồ”. Bạn Trần Thị Quỳnh, Sv trường CĐ Cơ điện Hà Nội chia sẻ.
Cùng tâm trạng đó, bạn Tạ Hải Yến (SV trường Cao đẳng nghề cơ điện Hà Nội) cho hay: “Mình đã sống được 3 năm trong kí túc rồi. Cứ nghĩ gần ra trường, mình là người may mắn không bị mất đồ. Ai ngờ, cách đây khoảng nửa tháng mình bị mất 600,000 đồng. Đây là số tiền mà mẹ mình mới gửi lên chuẩn bị nộp học phí. Nguyên nhân mất do mình sơ ý không cất ví khi đi ra ngoài”.


Chú Lê Văn Tiến (nhân viên bảo vệ trường Cao Đẳng nghề cơ điện Hà Nội) đang kiểm tra sinh viên ra vào trường, trong ca trực đêm của mình (Ảnh: Nga Trịnh)
Chú Lê Văn Tiến (nhân viên bảo vệ trường Cao Đẳng nghề cơ điện Hà Nội) đang kiểm tra sinh viên ra vào trường, trong ca trực đêm của mình (Ảnh: Nga Trịnh)

Không chỉ dừng lại ở những vật dụng, bạn Phạm La Lam (SV năm 2, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền ) phàn nàn: “Cách đây không lâu, em bị mất một chiếc laptop. Đó là tài sản lớn nhất mà bố mẹ dành dụm mua cho em để phục vụ cho việc học. Hôm em bị mất là do em sau khi học bài xong, em để luôn ở đầu giường mà không cất vào trong tủ sắt. Sáng hôm sau ngủ dậy, laptop đã không cánh mà bay, còn cửa phòng bị mở và ổ khóa đã biến mất".
Đa phần do chủ quan

Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó phòng BQL KTX trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội cho hay: “Các trường hợp mất cắp, sinh viên phải thông báo và lập biên bản, tìm hiểu nguyên nhân cụ thể rồi trình lên BQL sinh viên của trường để giải quyết”. Ông cũng cho biết thêm, “trong các trường hợp bị mất cắp, hiện BQL chưa có sự hỗ trợ nào cho các sinh viên”.

Ông Hải cũng lý giải các hiện tượng mất trộm trong KTX là do: “Chính những người bị mất thường để phơi đồ ra cho kẻ gian chú ý và lấy trộm. Mặc dù trách nhiệm của BQL là quản lý tất cả tài sản nhưng cái quan trọng phải do chính các em sinh viên phải có ý thức tự quản lý đồ đạc của mình”. 

Cùng quan điểm, Thầy Lê Khánh Lộc (Trưởng BQL KTX, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết : "Tôi đã từng làm công tác QL KTX sinh viên nhiều năm. Theo tôi thời gian gần đây, các vụ mất trộm trong KTX tuy có giảm nhưng đối tượng trộm cắp thì tinh vi hơn trước kia rất nhiều. 
Chúng lợi dụng những sơ hở của hệ thống tường rào hoặc đường cống thoát nước để lẻn vào KTX. Trong nhiều trường hợp, các đối tượng trộm cắp còn giả danh sinh viên để ra vào KTX một cách ngang nhiên. Với những tên trộm này chỉ khi cán bộ yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân thì mới có thể phát hiện ra. 

Những trường hợp mất cắp thường do sinh viên mất cảnh giác. Có nhiều trường hợp, những tên trộm giả vờ là bạn hoặc người thân của một trong số những thành viên trong phòng, được nhờ vào lấy đồ đạc”.

Ông Lộc cũng cho biết thêm: “Giữ gìn an ninh trật tự trong các KTX là một vấn đề quan trọng. Bởi nó góp phần ổn định tâm lý cho sinh viên học tập. Đồng thời thể hiện được sự nếp sống văn minh của sinh viên. Và để xây dựng được nếp sống này trước hết phải bắt đầu từ chính ý thức của sinh viên sau đó mới đến vai trò BQL, cán bộ chuyên trách”.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nga Trịnh, khoa Báo chí, HV. BC&TT