Chuyên gia nêu giải pháp để thúc đẩy hợp tác đại học – doanh nghiệp ở Việt Nam

25/08/2022 06:58
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hệ sinh thái đại học – doanh nghiệp mới đang trên đường hình thành. 

Với việc đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội trong môi trường giáo dục đại học đang phát triển thì những năm gần đây hợp tác đại học - doanh nghiệp đã được chú trọng đẩy mạnh ở một số cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối quan hệ hợp tác này mới ở giai đoạn sơ khởi và đang bộc lộ một số yếu kém như:

Trước hết hoạt động hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp chưa thực sự phổ biến; nhận thức về lợi ích của các bên liên quan còn mơ hồ.

Thứ hai, quan hệ hợp tác còn mang tính một chiều, ngắn hạn, tình thế; chủ yếu xuất phát từ nhu cầu của cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, mục đích hợp tác tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng có việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Thứ tư, hợp tác trong nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu còn hạn chế.

Thứ năm, về cơ bản vẫn chưa hình thành một mô hình hợp tác bền vững, mang tính tự giác, dựa trên niềm tin và đôi bên cùng có lợi.

Những vấn đề đặt ra từ góc độ xây dựng chính sách

Có ba vấn đề sau đây được đặt ra:

Thứ nhất, vì sao có tình trạng trên: Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới trong Báo cáo phát triển Việt Nam 2014, chỉ ra nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là do:

Sự thiếu thông tin cần thiết và tin cậy để cung và cầu đến với nhau;

Sự thiếu năng lực của các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong việc tạo dựng các liên kết có hiệu quả và bền vững;

Sự thiếu động lực cho cả hai bên trong việc xây dựng và thắt chặt các liên kết.

Tựu trung là ở 3 không: không biết, không thể và không cần.

Thứ hai, Việt Nam đã có chính sách gì để khắc phục tình trạng trên: Trong Luật Giáo dục đại học, kể cả sau khi đã sửa đổi, bổ sung, tại Điều 12 về chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đã có quy định là “đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp…; khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp nhận, tạo điều kiện để người học và giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”. Tuy nhiên việc cụ thể hóa chính sách này hiện còn rất thiếu, chưa tạo được môi trường chính sách cần thiết để tạo dựng quan hệ hợp tác bền chặt, đôi bên cùng có lợi, giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thứ ba, có thể học tập kinh nghiệm quốc tế gì trong xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác đại học - doanh nghiệp: Các nghiên cứu về vấn đề này cho thấy một số bài học kinh nghiệm như sau:

Cần xây dựng mô hình ba nhà (triple helix), tức là mô hình trong đó Nhà nước xây dựng cơ chế chính sách để nhà trường và doanh nghiệp, trong khi vẫn phát huy sứ mệnh cốt lõi của mình, được có thêm chức năng mới là sản xuất và kinh doanh đối với nhà trường; giáo dục và đào tạo đối với doanh nghiệp. Khi đó, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trở thành bền chặt, đôi bên cùng có lợi, thông qua mối tương tác và dòng chảy hai chiều về ý tưởng, thông tin, tri thức, lao động và nguồn lực.

Trong giai đoạn phát triển hiện nay, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì có thể phát triển thành mô hình bốn nhà với sự tham gia của “nhà” thứ tư là các tổ chức xã hội để hướng đến sự phát triển đồng thời của cả kinh tế tri thức và xã hội tri thức.

Cần có chiến lược triển khai quá trình chuyển đổi từ nhà trường truyền thống (sản sinh tri thức) sang nhà trường sáng nghiệp (sáng tạo công nghệ) thông qua việc thành lập trong nhà trường các tổ chức hỗn hợp (như trung tâm đổi mới sáng tạo, văn phòng chuyển giao công nghệ) để hợp tác với doanh nghiệp, tiến hành các thử nghiệm công nghệ hướng tới các mẫu thử được chế tạo và kiểm tra trong môi trường thử nghiệm; thành lập trong nhà trường các trung tâm ươm tạo công nghệ, các spin-off, start up, các doanh nghiệp trực thuộc và liên kết, để trình diễn công nghệ trong môi trường thực, tiến tới thương mại hóa sản phẩm cuối cùng.

Ở các nước đang phát triển, việc xây dựng mô hình ba nhà gặp rất nhiều thách thức gắn liền với một hạ tầng còn nhiều bất cập cả về thể chế, đào tạo, R&D (Research & Development - nghiên cứu và phát triển - PV), sản xuất và kinh doanh, văn hóa, lề lối làm việc và năng lực. Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nhận dạng các thách thức và rào cản, xây dựng hành lang pháp lý nhằm dỡ bỏ các rào cản, tạo điều kiện hình thành và phát triển một mô hình ba nhà có cấu trúc phù hợp và cơ chế vận hành thông suốt.

Giải pháp chính sách cho hệ sinh thái "ba nhà" ở Việt Nam

Chủ trương phát triển mô hình ba nhà tiên tiến cũng đã có từ cuối những năm 1990 thông qua chủ trương xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, nhưng triển khai rất chậm và đến nay vẫn dở dang. Việc thành lập các khu công nghệ thông tin tập trung theo Nghị định 154 ngày 8/11/2013 của Chính phủ cũng hướng tới xây dựng các tổ hợp công nghệ (bao gồm nhà trường, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong cùng một khuôn viên) nhưng hiện vẫn chủ yếu chỉ là nơi tập trung của các doanh nghiệp về công nghệ thông tin.

Để đưa các chủ trương trên vào đời sống nhất thiết phải xây dựng được các chính sách phù hợp trên cơ sở nhận dạng các rào cản. Vì thế, xin đề xuất các nhóm chính sách sau đây:

Nhóm chính sách cải thiện môi trường thông tin: Xây dựng môi trường thông tin minh bạch về cung - cầu nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bức thiết. Điều đó phải được thực hiện trên cơ sở phát triển hệ thống thông tin về giáo dục đại học và thị trường lao động. Cụ thể:

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học (HEMIS)

Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động (LMIS)

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp

Tạo cơ chế gắn kết giữa các hệ thống thông tin trên dưới sự quản lý và phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhóm chính sách tạo động lực hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp: Lợi ích của quan hệ hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp rất đa dạng nhưng mối quan hệ này ở Việt Nam mới dừng chủ yếu ở phía tạo điều kiện cho nhà trường nâng cao năng lực thực hành của sinh viên và tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuẩn bị bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Đáng quan tâm là quan hệ hợp tác này mang tính một chiều và phụ thuộc chủ yếu vào năng lực xây dựng các mối quan hệ của lãnh đạo nhà trường. Một môi trường chính sách nhằm tạo động lực để hai bên đến với nhau vẫn chưa có. Xuất phát từ thực trạng hiện nay, cần phát triển các chính sách như:

Sớm tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia. Cần có một cơ quan chuyên trách về việc tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia, trong đó có sự tham gia của đại diện bên giáo dục đại học cũng như đại diện doanh nghiệp.

Mở rộng các dự án tài trợ hiện có, bổ sung các chương trình tài trợ đổi mới sáng tạo, nhằm mục đích khuyến khích các dự án nghiên cứu trên cơ sở hợp tác giữa các các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp (do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ quản lý ngành khác).

Thực hiện Quyết định 209 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học theo quan điểm “Quy hoạch để nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kết nối doanh nghiệp”. Theo đó, cần thành lập một số công viên khoa học, tổ hợp công nghiệp, tập hợp cơ sở giáo dục đại học , viện nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp trên cùng một địa bàn, hoạt động trong cùng một lĩnh vực, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Nhóm chính sách nâng cao năng lực của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong hợp tác: Cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp vốn hoạt động trong những lĩnh vực khác nhau và dựa trên những năng lực quản trị và điều hành khác nhau. Việc hợp tác đòi hỏi cơ sở giáo dục đại học phải bổ sung năng lực về quản lý kinh tế, còn doanh nghiệp phải có thêm năng lực nhận ra giá trị của những tri thức mới được sản sinh trong cơ sở giáo dục đại học, đồng hóa nó và áp dụng nó cho các mục đích thương mại. Sự thiếu vắng các năng lực này hiện khá phổ biến và vì vậy rất cần những chính sách giúp cải thiện tình hình này. Cụ thể như :

Xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Hiện trên thế giới, có một số tài liệu có giá trị tham khảo về vấn đề này, chẳng hạn “Tài liệu hướng dẫn xây dựng quan hệ hợp tác đại học - doanh nghiệp thành công” do tổ chức UIDP phát hành [1].

Riêng đối với giáo dục đại học, trong bối cảnh đổi mới và phát huy quyền tự chủ đại học theo tinh thần Luật Giáo dục đại học 2018 thì việc tập huấn, bồi dưỡng để lãnh đạo nhà trường có năng lực quản trị tốt nói chung, năng lực hợp tác với doanh nghiệp nói riêng, là rất cần thiết.

Trước mắt rất cần nâng cao năng lực của cả cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong việc triển khai quan hệ đối tác công tư PPP trong giáo dục đại học. Luật Đầu tư theo phương thức PPP 2020 đã chính thức quy định giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Điều này nghĩa là, theo Điều 3 của Luật, cơ sở giáo dục đại học có thể triển khai các dự án PPP, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong cung ứng dịch vụ giáo dục đại học trên một phạm vi rộng các hoạt động, bao gồm:

Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;

Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

Tuy nhiên, cả cơ sở giáo dục đại học lẫn doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc khai thác các lợi thế của PPP để phát triển các quan hệ đối tác vì lợi ích của mỗi bên.

Vì vậy, trước mắt, theo khuyến nghị đối với các nước đang phát triển của Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB [2], Bộ Giáo dục và Đào tạo cần: Xây dựng và ban hành một đề án đầu tư theo phương thức PPP trong giáo dục đại học; Thành lập trong Bộ một đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học triển khai thực hiện đề án theo lộ trình đã định; Giám sát và đánh giá việc thực hiện để từng bước đưa giải pháp PPP vào đời sống giáo dục đại học, góp phần hiệu quả trong việc thúc đẩy hợp tác đại học - doanh nghiệp.

Để tiến tới sự hợp tác hai chiều và bền vững, việc phát triển từ đại học nghiên cứu lên đại học sáng nghiệp là cần thiết để tạo cả niềm tin và nhu cầu của doanh nghiệp trong việc bắt tay và hợp tác với đại học. Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội

Để tiến tới sự hợp tác hai chiều và bền vững, việc phát triển từ đại học nghiên cứu lên đại học sáng nghiệp là cần thiết để tạo cả niềm tin và nhu cầu của doanh nghiệp trong việc bắt tay và hợp tác với đại học. Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Hà Nội

Nhóm chính sách phát triển các đại học sáng nghiệp: Trong hệ sinh thái ba nhà ở các nước đang phát triển thì Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho sự gắn kết, hợp tác và cộng tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vì tiềm lực khoa học và công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam còn yếu nên sự hợp tác này cho đến nay mang tính một chiều, không bền vững, trong đó chủ yếu là nhà trường tìm đến doanh nghiệp trong nỗ lực gắn đào tạo với sử dụng. Để tiến tới sự hợp tác hai chiều và bền vững, việc phát triển từ đại học nghiên cứu lên đại học sáng nghiệp là cần thiết để tạo cả niềm tin và nhu cầu của doanh nghiệp trong việc bắt tay và hợp tác với đại học.

Theo hướng này, từ hơn 10 năm nay, mô hình vườn ươm doanh nghiệp đã được chú trọng xây dựng tại một số cơ sở giáo dục đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học FPT… Tuy nhiên tốc độ triển khai xây dựng các vườn ươm này thường chậm so với kế hoạch vì chưa có đủ mạng lưới chuyên gia, dịch vụ chuyên nghiệp cùng hạ tầng kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác ươm tạo; hiệu quả hoạt động vì thế còn rất hạn chế. Vấn đề ở đây là ngoài sự thiếu vắng của một môi trường chính sách nhằm gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, còn là những rào cản về cơ chế khiến cơ sở giáo dục đại học chưa phát huy được đầy đủ quyền tự chủ để tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Vì thế, cần phát triển các chính sách như:

Hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của đại học sáng nghiệp. Hiện trong thể chế giáo dục đại học Việt Nam mới chỉ có phân loại cơ sở giáo dục đại học theo định hướng ứng dụng và định hướng nghiên cứu, trong đó các tiêu chí cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu đã được quy định tại Điều 10 của Nghị định 99. Tuy vậy đến nay vẫn chưa có công bố chính thức nào về những cơ sở giáo dục đại học được công nhận là cơ sở định hướng nghiên cứu. Trong khi đó đại học sáng nghiệp là sự phát triển cao hơn của đại học nghiên cứu và do đó cũng cần có những quy định cụ thể về tiêu chí tổ chức và hoạt động làm cơ sở công nhận loại cơ sở giáo dục đại học này, từ đó tạo niềm tin cho doanh nghiệp hợp tác với cơ sở giáo dục đại học.

Mở rộng quyền tự chủ đại học về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính, hợp tác trong nước và quốc tế đối với các cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp. Đây là yêu cầu cần thiết nhằm tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học sáng nghiệp có thể hoạt động như một doanh nghiệp, phát huy vai trò dẫn dắt trong hệ sinh thái ba nhà.

Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau, bao gồm dự án đấu thầu, dự án ODA, dự án PPP. Về phương diện này, cần có nhiều quan tâm hơn đến các dự án PPP vì đó là sự mở đầu cho hợp tác đại học - doanh nghiệp một cách bền vững, trong đó đóng góp về phía nhà trường là cơ sở hạ tầng, vườn ươm doanh nghiệp, tư duy sáng tạo và đổi mới, kết quả nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên; đóng góp về phía doanh nghiệp là tài chính, đặt hàng nghiên cứu, công nghệ, bí quyết kinh doanh, nơi thực tập cho sinh viên, cố vấn cho vườn ươm.

Kết quả đầu ra của các dự án PPP này là doanh nghiệp được ươm tạo thành công, sản phẩm công nghệ được thương mại hóa, nhà trường có doanh thu và nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, và chất lượng đào tạo.

Tài liệu tham khảo

[1] UIDP. 2012. A Guide for Successful Institutional-Industrial Collaborations. Atlanta, Georgia: Georgia Tech Research Corporation

[2] Boye, E. & Mannan, M. 2014. Bangladesh: Public-Private Partnership in Higher Education (Financed by Asian Development Bank). Technical Assistance Consultant’s Report. ADB

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến