Chuyện thú vị quanh những bộ xương rùa khổng lồ (kỳ 1)

24/05/2011 23:38
(GDVN) - Giả thuyết có vẻ đáng tin nhất: Bộ xương “cụ rùa” trong Bảo tàng Hà Nội là của “cụ rùa” chết tại Hồ Gươm cách đây 13 năm.

(GDVN) - Từ ngày khai trương Bảo tàng Hà Nội, người dân ùn ùn kéo đến xem những cổ vật vốn được cất giữ bí mật từ mấy chục năm nay. Bảo tàng có hàng ngàn cổ vật quý, mà trị giá nhiều món có thể tính bằng tiền tỉ, triệu đô. Tuy nhiên, thứ gây chú ý nhất lại là bộ xương “cụ rùa” Hồ Gươm. Gốc gác bộ xương “cụ rùa” nằm trong bảo tàng này thế nào, vẫn là một bí ẩn chưa rõ lời giải đáp. Nhân đây, xin kể lại vài mẩu chuyện xung quanh những bộ cốt cụ rùa còn tồn tại đến ngày hôm nay.
     
“Cụ rùa” ngự trong đền Ngọc Sơn

100% du khách vào đền Ngọc Sơn đều ngắm nghía tiêu bản “cụ rùa”. Tuy nhiên, những thông tin thu được khi chiêm ngưỡng “cụ rùa” này hết sức sơ lược. Chỉ có vài dòng về cân nặng, độ dài, rộng, cao, năm mất…

Thông tin về “cụ rùa” này cũng không thống nhất. Thông tin chính thức khẳng định chiều dài thân lên tới 2,1m, ngang 1,2m, cao 0,3m và “cụ” nặng tới 250kg. Tuy nhiên, một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm lại khẳng định, “cụ rùa” này không to đến thế, chỉ nặng cỡ tạ rưỡi. Người ta thêm chỉ số dài, rộng và tặng thêm cho “cụ” 100kg cốt cho… hoành tráng.

"Cụ rùa" trong đền Ngọc Sơn có đến 900 tuổi?
"Cụ rùa" trong đền Ngọc Sơn có đến 900 tuổi?


“Cụ rùa” này bao nhiêu tuổi là một tranh cãi lớn. Có nhà khoa học khẳng định “cụ” 900 tuổi. Nhưng khi hỏi cơ sở nào để khẳng định “cụ” thọ thế, thì chẳng có cơ sở nào cả. Việc định tuổi các “cụ rùa” trong Hồ Gươm dựa vào… truyền thuyết.

Một số nhà khoa học thì dựa vào kỷ lục thế giới để khẳng định tuổi cụ rùa trong đền Ngọc Sơn. Theo tài liệu từ sách Kỷ lục thế giới, chú rùa có tên Jonathan, ở Anh, thọ 176 tuổi, là chú rùa già nhất thế giới. Chính vì vậy, cụ rùa trong đền Ngọc Sơn, cũng phải… 150 tuổi!

“Cụ rùa” trong đền Ngọc Sơn bị sát hại bởi những người đánh cá vào ngày 2-6-1967.

Vào buổi trưa hôm đó, có rất nhiều người tụ tập quanh khu vực nhà hàng Thủy Tạ bây giờ để xem… rùa nổi. “Cụ rùa” to bằng cái nia cứ nổi lều phều trên mặt nước, chốc chốc lại thò mũi lên thở phì phì. Đầu “cụ” to đúng bằng cái phích. Trên lưng “cụ” có một vết trắng hếu, lòi cả mỡ. Phần lớn ý kiến cho rằng, “cụ” bị trúng bom Mỹ.

 


Đúng lúc đó, toán người của Quốc doanh cá (được phép khai thác cá ở Hồ Gươm) phóng mô tô 3 bánh đến. Họ xuống thuyền, giăng lưới quây lại, kéo “cụ rùa” vào bờ.

Việc tóm được con “ba ba” lớn như thế này là một thành tích lớn. Mỗi năm họ đánh bắt được hàng chục tấn cá ở Hồ Gươm, nhưng tuyệt nhiên không săn được “ba ba” khổng lồ. Đám người này mừng lắm, cùng nhảy xuống hồ rồi rồi hò dô vần “cụ” lên bờ, vật ngửa “cụ” ra, trói 4 chân lại cho “cụ” khỏi cào xé và thít cái thòng lọng vào cổ cho “cụ” khỏi đớp.

Lát sau, người của Công ty thực phẩm đến khiêng “ba ba” khổng lồ lên xe đem đi xẻ thịt bán. Tuy nhiên, khi vừa kéo được “ba ba” lên thùng xe, thì chỉ thị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng tới kịp. Nội dung Chỉ thị: Công an có nhiệm vụ bảo vệ “cụ rùa”, còn y tế cứu chữa khẩn cấp.

Bộ cốt rùa trong Bảo tàng Hà Nội.
Bộ cốt rùa trong Bảo tàng Hà Nội.


“Cụ rùa” được đem về ngôi nhà số 90 phố Thợ Nhuộm chữa trị, nhưng do vết thương quá nặng, “cụ” đã… từ trần. Nguyên nhân chết do bị vết thương dài và sâu, thủng đến phổi. Quá trình mổ xẻ không phát hiện mảnh bom nào trong cơ thể “cụ”. Vậy là lời đồn “cụ” bị trúng bom đã loại bỏ. Các đồng chí công an được giao nhiệm vụ vào cuộc điều tra.

Công an đã nhanh chóng tìm ra hung thủ là ông Thu, công nhân làm thuê cho Quốc doanh cá.

Hôm đó, đội khai thác cá đang kéo lưới thì bỗng thấy nặng trịch, cảm giác như lưới bị mắc vào cọc. Ông Thu chèo thuyền đến gần, nhấc lưới lên, thì thấy một con “ba ba” khổng lồ mắc vào lưới.

Những người ở Quốc doanh cá vốn không ưa gì bọn “ba ba” khổng lồ trong hồ, vì chúng xơi mất không biết bao nhiêu là cá, làm thiệt hại sản lượng, trong khi chẳng có cách nào bắt được chúng, vì chúng rất khôn. Cơ hội ngàn năm có một, ông Thu ráng sức bình sinh, cầm chiếc xà beng đâm phập vào lưng “ba ba”. Con “ba ba” khỏe đến nỗi, kéo cả ông và chiếc xà beng xuống hồ. Ông Thu phải quẫy đạp, giằng co mãi, xà beng mới tuột khỏi lưng “ba ba”. 

Cứ tưởng giết được “ba ba” Hồ Gươm sẽ được thưởng lớn, nào ngờ ông Thu bị dư luận lên án mạnh mẽ. Thậm chí, người ta còn đòi bỏ tù, treo cổ ông Thu. Sợ quá, ông trốn biệt về quê ở Thái Bình, không đi đánh cá thuê cho Quốc doanh cá nữa. Sau đó, chiến tranh bắn phá Hà Nội ác liệt, người ta cũng quên bẵng chuyện này.

Để người dân Hà Nội bớt đau buồn, cũng là để giữ lại cho thế hệ sau chiêm ngưỡng, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã chỉ đạo làm tiêu bản “cụ rùa”. Tiêu bản được trưng bày trong lồng kính ở đền Ngọc Sơn cho du khách chiêm ngưỡng. 
   
Giả thuyết nguồn gốc bộ xương rùa trong Bảo tàng Hà Nội

Thông thường, dân gian phân biệt rùa và ba ba qua chiếc mai. Theo đó, rùa là loài “mai rời”, mai cứng; còn ba ba, giải, cua đinh là mai mềm, “mai liền”, tức là có riềm ở quanh mai.

Quan sát bộ xương trong Bảo tàng Hà Nội (tiết diện mai lớn bằng cái mâm), cộng số đo chừng 20-40cm riềm bao quanh mai, thì có thể tưởng tượng đây là một “cụ rùa” khá lớn, nặng đến cả tạ.

"Cụ rùa" này đã bị con người sát hại. Vết thương trên mai là do xà beng đâm thủng.
"Cụ rùa" này đã bị con người sát hại. Vết thương trên mai là do xà beng đâm thủng.


Trên mai “cụ rùa” có một vết thủng hình tam giác rất lớn, là dấu tích của vụ sát hại.

Thông tin về cụ rùa này gần như không có gì. Trước đây, dân chúng và kể cả các nhà khoa học cũng chỉ nghe phong thanh có bộ xương rùa khổng lồ cất giữ trong chùa Hưng Ký cùng với hàng ngàn cổ vật của thủ đô. Bộ cốt của “cụ” chỉ xuất hiện kể từ ngày khai trương Bảo tàng Hà Nội. Lần ngược lại mấy chục năm trước, có thể sẽ có một số giả định về bộ xương rùa này.

Theo PGS. Hà Đình Đức, vào đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, mấy anh bộ đội đã xơi tái một “cụ rùa” Hồ Gươm. Hôm đó trời mưa to, nước ngập, một cụ đã bò lên vườn hoa Chí Linh dạo chơi. Mấy anh bộ đội bắt gặp, đã thay nhau cưỡi lưng cụ làm ngựa. “Cụ” làm ngựa một lúc thì mệt, nằm thờ pho pho. Mấy anh này đã vật ngửa cụ ra, khiêng về làm thịt. Sau vụ đó, mấy đồng chí bộ đội này bị kỷ luật. Còn bộ xương thì không rõ thế nào, liệu có được Nhà nước thu hồi, cất giữ ở chùa Hưng Ký, hay đã bị mấy anh bộ đội đem nấu cao, hoặc quẳng cho chó gặm?

 


Ngược về năm cả nước chịu nạn đói 1945. Dạo đó mưa lớn, lũ lụt khắp phố phường Hà Nội. Một “cụ rùa” cũng trèo lên dạo phố Lê Thái Tổ. Mấy ông đạp xích lô đã hè nhau vật ngửa “cụ” đem về làm thịt. Tuy nhiên, cán bộ đã kịp thời ngăn chặn, thu hồi cụ rùa. Không rõ số phận cụ rùa này thế nào?

Năm 1956, trong lúc đang bão gió, cũng có một “cụ rùa” bò lên phố Hàng Trống. Mấy ông đạp xích lô đã thòng cổ lôi về phố Hàng Hành. Khi họ đang chuẩn bị chọc tiết, xẻ thịt, thì công an ập đến giải cứu. “Cụ rùa” này yếu quá, nên người ta thả vào hồ bán nguyệt trong Vườn Bách Thảo. Mấy chục năm trôi qua, cũng chẳng rõ số phận “cụ” ra sao. Liệu có phải “cụ” chỉ còn là bộ xương nằm trong Bảo tàng Hà Nội?

Giả thuyết có vẻ đáng tin nhất: Bộ xương “cụ rùa” trong Bảo tàng Hà Nội là của “cụ rùa” chết tại Hồ Gươm cách đây 13 năm.

Sọ rùa.
Sọ rùa.
Móng rùa.
Móng rùa.


Theo ông Hà Đình Đức, trước năm 1997, Hồ Gươm vẫn có hai “cụ rùa”. Tuy nhiên, một “cụ” đã bị thương rất nặng. Ông Đức đã viết “huyết thư” gửi các lãnh đạo cấp cao nhằm tìm phương án cứu “cụ rùa” này. Khi đó, “cụ” bị trọng thương ở mai và chân trái. Vết thương lở loét, trắng bợt. Sau “huyết thư” ấy, không ai còn thấy “cụ rùa” này nổi lên nữa. Có người đồn rằng, cụ rùa đã chết nổi phềnh bụng và được chính quyền vớt lên lọc lấy bộ xương, cất giữ ở chùa Hưng Ký.

Chẳng hiểu lời đồn có đúng không, nhưng “cụ rùa” này có rất nhiều bí ẩn. Bí ẩn thế mới hấp dẫn.

Còn tiếp…

Bình Thủy