Chuyện tình 60 năm tan vỡ khi cụ ông tuổi 80 nổi cơn ghen

08/12/2011 13:02
Mai Long/ Pháp luật & thời đại
Có lẽ đây là vụ án ly hôn mà nguyên đơn lẫn bị đơn có độ tuổi già nhất trong lịch sử Việt Nam đến nay.
Chuyện tình 60 năm tan vỡ khi cụ ông tuổi 80 nổi cơn ghen bà vợ 75 “xuân xanh”
Cụ ông Lê Đình L (80 tuổi, ngụ phường Thủy Xuân, TP Huế) vừa kiên quyết đâm đơn ra tòa đòi ly dị vợ là cụ bà Nguyễn Thị H (75 tuổi) vì cho rằng vợ mình có tình nhân và không chăm lo cuộc sống gia đình.

Tình yêu nửa thế kỷ tan vỡ vì một tấm hình

Ngày 24/11 vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế mở phiên tòa phúc thẩm vụ án ly hôn theo đơn kháng cáo của ông lão. Phiên tòa thật trống trải, vắng lặng bởi chỉ có đúng 5 người tham dự: 3 thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX), một thư ký tòa và nguyên đơn duy nhất là người chồng. Bà lão có đơn xin vắng mặt với lý do sức khỏe không đảm bảo.

Đứng trước HĐXX, ông lão trình bày quan điểm dứt khoát “trước sau như một” xin được ly hôn người vợ năm nay tròn tuổi 75 dù trước đó tại phiên tòa sơ thẩm, tòa đã bác đơn của ông vì cho rằng “vợ chồng đã lớn tuổi”. Lý do của tòa sơ thẩm khiến cụ ông đã không “tâm phục khẩu phục” mà còn “vặn” lại: “Luật có quy định độ tuổi kết hôn chứ có quy định người lớn tuổi không được ly hôn đâu?”.

Lý do ông lão đưa ra để xin được chấm dứt cuộc sống vợ chồng với người bạn đời kém mình 5 tuổi là vợ ông “dạo này thay đổi tính nết”, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên đã sống ly thân từ năm 2001: “Vợ chồng mà không còn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau tuổi già thì có nghĩa lý gì nữa”, ông lão bức xúc.

Tâm sự với khách, cụ ông ngậm ngùi kể lại vợ chồng cụ kết hôn từ năm 1954, sau gần 60 năm chung sống đã có sáu mặt con, tổng cộng 18 đứa cháu nội, cháu ngoại. Cụ cũng khẳng định trước đây vợ chồng mình chung sống hạnh phúc, hơn nửa đời người mà không hề “lời to tiếng lại”. Rạn nứt xảy ra từ đầu năm 2001, khi đứa con trai thứ lập gia đình và một tình tiết được ông lão tinh ý phát hiện khiến gia cảnh mình “tan vỡ” như ngày hôm nay.

Chậm rãi thuật trình từng câu, từng chữ, cụ nói rằng năm đó không biết vì lý do gì mà lễ cưới con trai diễn ra nhưng không có mặt mình. Người cha này cũng không hề hay biết lễ thành hôn của con trai diễn ra lúc nào, ở đâu. Phần nào tự ái, cảm thấy bị vợ con “qua mặt” nhưng sau nột thời gian dỗi hờn và vợ con xin lỗi, cụ đã chấp nhận bỏ qua chuyện cũ.

Khúc mắc này đã qua thì ẩn ức khác lại đến, trong một lần dọn dẹp nhà cửa cụ tình cờ phát hiện tấm hình bà vợ chụp cùng người đàn ông lạ mặt. Thấy chồng phát hiện tấm hình,  bà lão đã không chịu giải thích rõ mà một mực giành lấy tấm hình đòi đốt khiến cụ ông cay cú, hậm hực và nghi ngờ sự chung thủy của vợ. “Cuối năm đó bà ấy có vào Nha Trang lần nữa nuôi con dâu đang thời kỳ sinh nở.

Năm sau bà trở về nhưng thường xuyên nổi cáu vô cớ, đêm ngủ thường xuyên nói sảng, kêu rên số phận hẩm hiu. Tui tức quá nên có bảo “Bà tìm chỗ nào sung sướng mà ở”. Thế là bà sang nhà con trai út cũng ở phường Thủy Xuân sống luôn”, ông lão kể lại.

Nhận xét về “gương mặt lạ” trong tấm hình, ông lão một mực cho rằng đấy là tình nhân của bà nhà. “Thậm chí có lần bà ấy đã khoe khoang với tôi như vậy”, cụ rầu rĩ nhắc lại lời vợ.

Cụ ông này còn đưa thêm “lý do đạo đức” để bảo vệ cho quyết định xin ly hôn của mình khi đánh giá vợ mình đã “biến thái đạo đức”, “thường xuyên xúc phạm chồng vô cớ, chỉ biết hưởng thụ bản thân mà không chăm lo cho gia đình”. “Mười năm rồi bà ấy có thèm đoái hoài đến tui. Một mình nằm viện tui phải mua cơm bụi ăn qua bữa, thế thì tình nghĩa chi nữa”, cụ ông thêm lần nữa “tố” vợ.

10 năm học luật đòi ly hôn

Cho rằng vợ chồng không thể quay lại cuộc sống êm ấm ngày nào nên đầu năm 2011, ông cụ đã đơn phương viết đơn ly hôn gửi tòa án thành phố Huế. Cuối tháng 9/2011, phiên tòa sơ thẩm bác đơn ly hôn của cụ ông 80 tuổi này với lí do “các đơn sự đã lớn tuổi” như đã nêu ở trên. Không chịu thua kiện, ông lão kể lại đã tìm mua sách báo liên quan đến Luật Hôn nhân & Gia đình rồi tìm tòi, mày mò và tiếp tục gửi đơn kháng cáo.

Có một tình tiết khiến những người có mặt tại phiên tòa “vừa giận vừa thương”, đó là ông lão dứt khoát từ chối mọi nỗ lực hòa giải của cơ quan chức năng và hạ giọng vừa van xin, vừa đe dọa: “Tòa xử tôi  được ly hôn, nếu không xử được hãy cho tôi mấy lít xăng để tôi… tự thiêu, chứ chết dần chết mòn khổ lắm”.

Người giận ông thì dè bỉu chê bai “già rồi mà bày đặt ghen tuông, ly dị”; ngược lại những ai đồng cảm với cụ già lại thúc giục bâng quơ “xử cho cụ được ly hôn để người ta thỏa mãn. Vợ chồng gì đã mười năm không chung sống với nhau thì còn tình nghĩa gì, thà vào nhà dưỡng lão còn hơn”.

Tôi hỏi cụ: “Thế mười năm cụ ăn uống thế nào? Sau này khi đau yếu không đi lại được nữa thì cụ định sống ra sao?”. Ông cất giọng não nề chán chường: “Thì biết sao nữa chú, vợ con không nuôi thì mình tự nuôi bản thân, đến lúc không tự nuôi được thì tui xin vào nhà dưỡng lão thôi”.

Cầm lọ muối vừng rang giữa bàn lắc lắc, cụ “khoe” đã mười năm nay “nghiện” cơm nguội với muối. Ngày chỉ việc nấu cơm một bữa, ngày nào mệt quá lại pha mì tôm ăn qua ngày.

Tôi lại khuyên cụ thử một lần rộng lượng xem sao bởi đã hơn nửa đời người chung sống hòa thuận, chẳng lẽ những ngày “xế chiều” lại chịu cảnh thui thủi một mình. Vẫn nét mặt buồn rượi, cụ buông xuôi rầu rĩ: “Không được mô, máy lần hòa giải rồi bà ấy đều vắng mặt hay không chịu ký vào biên bản.

Còn khi về đến nhà thì bà ấy lại chửi mắng tui”. Bản án phúc thẩm cũng chỉ rõ điều này và nêu ra thiếu sót của Tòa sơ thẩm vì đã không thực hiện hòa giải theo đúng quy định của pháp luật tố tụng. Kết thúc phiên phúc thẩm vừa qua, tòa phúc thẩm quyết  định hủy bản án sơ thẩm, đồng thời yêu cầu tòa cấp dưới giải quyết lại theo quy định pháp luật. Và như vậy, vẫn chưa rõ cụ ông này sẽ có được “thỏa lòng mong đợi ly hôn vợ” hay không.

Nhiều cán bộ tòa án tỉnh khi thụ lý vụ án này đã lấy làm ngạc nhiên trước sự am hiểu tường tận của ông cụ về luật pháp. Tại các phiên tòa, ông lão đều tra lời rành rọt tất cả các câu hỏi mà không hề ấp úng, lẫn lộn; sẵn sàng “sửa lưng” Hội đồng xét xử nếu trích dẫn điều khoản sai.

Chia sẻ “bí quyết”, cụ ông cho biết để chuẩn bị cho vụ “ly hôn thế kỷ” này, ông đã bỏ ra 10 năm sống ly thân dể độc luật pháp, rảnh rỗi lại sưu tầm các văn bản pháp luật rồi tìm hiểu, đối chiếu.

Vị thẩm phán trực tiếp xét xử vụ án cho biết từ trước đến nay hiếm gặp trường hợp tương tự nên anh cảm thấy khó diễn tả cảm xúc. “Vừa thấy đáng thương cho cụ già tóc bạc nhưng cũng thật buồn khi một gia đình sắp tan vỡ. Một gia đình mà cả vợ chồng đều đã già, con đông cháu đủ lẽ ra phải hạnh phúc chứ sao các cụ lại lôi nhau ra tòa vì chuyện như vậy”.

Tiễn khách ra về, ông cụ vẫn thắc mắc tại sao chưa thấy giấy triệu tập hay văn bản thông báo nào từ tòa án. Có vẻ như cụ đang sốt ruột chờ ngày được “giải phóng” để thực hiện ước nguyện của mình là vào nhà dưỡng lão. Vụ án khiến người ta băn khoăn: “Lẽ nào tính tự ái, lòng tự trọng và một chút ghen tuông lại khiến con người ta cương quyết đến kì lạ. 80 tuổi vẫn một mực đòi ly hôn?”.
Luật  gia Mai Văn Sơn (Hội luật gia Hà Nội):

Điều 89 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 quy định về căn cứ cho ly hôn như sau: “Tòa án xem xét yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án quyết định cho ly hôn”. Trường hợp của cặp vợ chồng trên cũng không thuộc dạng cấm ly hôn theo luật.
Mai Long/ Pháp luật & thời đại