Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.9911

Clip: Bức xúc của người ăn xin chân chính khi biết có kẻ giả ăn xin

12/12/2012 07:12
Nhóm phóng viên Ban xã hội
(GDVN) -"Trong lòng em luôn nghĩ, những kẻ lừa đảo rồi ông trời sẽ có mắt, cũng có lúc họ phải chịu sự trừng phạt đích đáng”.

Những ngày rong ruổi bế theo đứa con gái mới hơn 1 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh đi khắp các ngõ ngách Hà Nội xin ăn với mong ước giản dị là có tiền chữa bệnh cho con, chị Phạm Thị Hoài (Phú Xuyên, Hà Nội) đã được chứng kiến không ít cảnh “vàng thau lẫn lộn” trong cuộc sống của những người cũng đi xin tiền để mưu sinh như mình.

Chưa một ngày được cắp sách tới trường, “chữ bẻ làm đôi” không biết nhưng trước cảnh những người giả nghèo khổ đi ăn xin; kẻ lợi dụng người khuyết tật, người già để bán tăm tre, xổ số… khiến chị Hoài nhiều khi thấy đắng thắt trong lòng. Bế đứa con hơn 1 tuổi trên tay, nước mắt chị Hoài vẫn lăn dài, phần vì thương con, phần vì căm phẫn sự giả dối do chính những kẻ vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm mình.

Gần 1 tháng nay, chị Hoài và bé Phạm Thị Đào (con gái chị - PV) bị "giữ" trong Trung tâm Bảo trợ xã hội I (Đông Anh, Hà Nội) và sẽ được trả về nhà sau khi cam kết “không được tiếp tục tái diễn công việc ăn xin”.

Clip: Bức xúc của người ăn xin chân chính.
Những ngày tháng trong Trung tâm, nhớ lại những hôm mình đi ăn xin trên trên đường, chị kể là đã được chứng kiến cảnh: Có một người mù sáng thì được một người con gái đẩy đi bán tăm, chiều lại một người con trai đẩy đi bán tăm. Chị biết họ là giả. Lúc ấy chị Hoài cũng thấy tức lắm.

CHÙM ẢNH MỘT NGÀY THEO CHÂN BÉ 1 TUỔI RONG RUỔI KHẮP HÀ NỘI ĂN XIN CHỮA BỆNH

“Mình thì nghèo khổ thật sự, không kiếm được tiền chữa bệnh cho con nên mới phải bỏ nhà, bỏ cửa đi xin ăn chứ không có ý nghĩ lợi dụng lòng tốt của người khác. Nhưng họ thì… Trong lòng em luôn nghĩ, những kẻ lừa đảo rồi ông trời sẽ có mắt, cũng có lúc họ phải chịu sự trừng phạt đích đáng” – chị tâm sự.

Đặt mình là người cho tiền những kẻ ăn xin giả, chị Hoài cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho những kẻ đó. “Như anh thanh niên ở Hà Nội, ăn xin được mấy chục triệu/tháng mà lại về dùng vào những mục đích không tốt, em thấy như thế là xấu, là đi lợi dụng người lương thiện. Lòng tốt mà đặt không đúng chỗ, lương tâm em sẽ cảm thấy rất day dứt vì trong xã hội mình còn rất nhiều người đáng được cho tiền hơn là những con người đó” – chị Hoài chia sẻ thêm.

Nhóm phóng viên Ban xã hội