“Cô đã không bỏ rơi chúng em”

06/03/2016 04:00
Thanh Hà
(GDVN) - Thành công của người Thầy không chỉ truyền đạt cho học sinh khối kiến thức mà là dạy cho các em trở thành người hữu dụng.

LTS: Là một  giáo viên với hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô giáo Lê Thị Thanh Hà, nguyên là giáo viên vật lý Trường THPT Kon Tum, tỉnh Kon Tum  rất tâm đắc với vấn đề:“Đổi mới giáo dục phải từ mỗi thầy cô giáo”.

Theo cô Thanh Hà, vai trò của người Thầy ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển nhân cách, trí tuệ của học sinh. 

Để thực hiện trọng trách này, cô Hà cho biết, trước hết là mỗi thầy cô giáo phải có sự đổi mới về nhận thức và hành động, tự đánh giá được năng lực của mình, tự thay đổi chính mình, tự khám phá năng lực của bản thân và dạy các em tự khám phá năng lực trong con người của chính các em.

Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều đồng nghiệp đều lúng túng không biết nếu đổi mới thì đổi mới từ đâu? Đổi mới như thế nào? 

Bài viết dưới đây của cô giáo Thanh Hà sẽ đưa độc giả đến với những nội dung quyết phá kỷ lục của bản thân.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Riêng với bản thân tôi, trước đây tôi chỉ có thói quen chủ yếu đọc sách chuyên môn để phục vụ giảng dạy. Năm 2012, tình cờ tôi có đọc cuốn sách “Tôi tài giỏi bạn cũng thế của Adamkhoo”, cuốn sách này đã giúp tôi phá bỏ hoàn toàn những định kiến cứng nhắc về học sinh,chẳng hạn như: Học sinh A chỉ cần đi trễ 2 lần thì tôi cho rằng em ấy vô kỷ luật.

Học sinh B bị điểm xấu 2 lần là tôi “quy” ngay là học sinh ấy học yếu! Điều đó đã làm cho học sinh mất niềm tin ở bản thân, không khai thác được hết những tiềm năng của các em. 

Tiếp sau đó, tôi thường xuyên tìm đọc thêm các loại sách của những người đã thành công, các sách dạy làm người trên thế giới, cụ thể như các cuốn sách: Người mẹ tốt hơn là người thầy tốt của Doãn Kiến Lợi; 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt Sean Covey; Thói quen thứ 8 của Stephen R.Covey.

Cùng với việc  học hỏi trên những trang sách và tìm kiếm thông tin qua mạng xã hội, bản thân tôi quyết tâm làm một cuộc “cách mạng” tự thay đổi bản thân mình trong việc giáo dục học sinh.

Công việc đầu tiên tôi làm là dành nhiều thời gian để gần gũi, lắng nghe các em để thấu hiểu, khích lệ và đặc biệt là đặt niềm tin vào các em. Thường xuyên kể cho học sinh nghe những câu chuyện gần gũi mang tính giáo dục cao…

Cô Thanh Hà thực nghiệm 2 tiết giáo dục mở tại trường Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà nội. Ảnh Phương Thảo
Cô Thanh Hà thực nghiệm 2 tiết giáo dục mở tại trường Đinh Tiên Hoàng, Ba Đình, Hà nội. Ảnh Phương Thảo

Cùng với đó, hình thành một môi trường cho các em phát triển và khám phá bản thân bằng cách khuyến khích các em thể hiện mình trong các hoạt động tập thể như:

Tổ chức tranh cử lớp trưởng; Tự tổ chức các trò chơi sáng tạo mang tính tập thể…Kết quả bước đầu hầu như các em đã có sự chuyển biến rõ rệt về thái độ, về cách sống và hiệu quả học tập.

“Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế” đây là  đề tài xuất hiện trong những năm gần đây nói về lĩnh vực giáo dục tiên tiến được dư luận xã hội quan tâm, đồng tình ủng hộ. Ảnh hưởng từ luồng tư tưởng mới này bản thân tôi muốn được khám phá và trải nghiệm.

Thư cám ơn của học sinh dành cho cô giáo Thanh Hà.
Thư cám ơn của học sinh dành cho cô giáo Thanh Hà.

Tôi cũng rất tâm đắc với nhận định của nhà giáo dục học nổi tiếng của Mỹ Williamrthur Ward rằng: “Dạy học bao gồm nhiều việc hơn là chỉ trao đi tri thức, nó đòi hỏi truyền cảm hứng cho thay đổi. Học hỏi bao gồm nhiều việc hơn là chỉ tiếp thu kiến thức, nó đòi hỏi sự thấu hiểu”. 

Vì vậy tôi đã vận dụng phương pháp này ở các tiết vật lý và các tiết dạy theo chương trình giáo dục mở ngay trên lớp mình dạy và chủ nhiệm, lớp dạy thêm ở nhà.

Để kiểm chứng hướng đi của mình, tôi xin tham gia trải nghiệm thực tế với các đồng nghiệp tại trường Trần Quốc Tuấn huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum do thầy Phan Đức làm hiệu trưởng.

Qua hơn một năm triển khai, với sự hỗ trợ đắc lực của Ban giám hiệu nhà trường, tôi đã thực hiện được 1 buổi nói chuyện với 49 giáo viên với nội dung thay đổi nhận thức của giáo viên để giáo dục học sinh hiệu quả;

Tổ chức gần 40 buổi ngoại khóa  với chủ  đề: “ Thay đổi thói quen để thành đạt”, “Giá trị của tình yêu thương”, “Giá trị của tinh thần trách nhiệm và kỷ luật”…cho gần 1.000 học sinh.

Và gần 1.400 lượt học sinh thuộc các đối tượng: giỏi, khá, trung bình và yếu ở 3 trường: trường THPT Trần Quốc Tuấn thuộc huyện Đăk Hà, trường THPT Kon Tum (tại lớp 12 A5, 12A7 tôi làm chủ nhiệm) và học sinh các lớp tôi dạy tại trường và dạy thêm tại nhà ở 2 trường: trường THPT Kon Tum, trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành. 

“Cô đã không bỏ rơi chúng em” ảnh 4

Người thầy của những học sinh hư

(GDVN) - Quậy phá, lười học, đàn đúm,…là những biểu hiện cho một tính cách học sinh hư, thế nhưng khi vào trường các em được rèn luyện để ra trường thành người có ích.

Vẫn chưa hài lòng với những việc mình đã làm, mong muốn tìm hiểu về cách giáo dục học sinh hiệu quả hơn, qua nguồn thông tin tham khảo, tôi biết được một mô hình có chương trình giáo dục mở rất hiệu quả tại trường Đinh Tiên Hoàng Hà nội, tôi khăn gói lặn lội ra đến nơi để học tập.

Sau 3 ngày “mắt thấy, tai nghe” và được trực tiếp giảng dạy 2 tiết trên lớp về chương trình giáo dục 7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt, tôi đã thu hoạch được 3 vấn đề hết sức tâm đắc xin chia sẻ:

Thứ nhất: Lãnh đạo nhà trường đã tạo ra một môi trường sư phạm theo hướng: "Chúng ta hạnh phúc khi các em hạnh phúc, gia đình các em hạnh phúc.

Ở nơi này không có sư phạm quyền uy ban ơn mà chỉ có sư phạm của tình hợp tác dân chủ". Từ đó giáo viên thật sự đã được làm việc mà họ đã cam kết hết lòng, say mê sáng tạo.

Thứ hai: Thành công lớn nhất của trường là khơi dậy và bồi dưỡng niền tin cho các em bằng thái độ tận tâm, thân thiện của toàn đội ngũ giáo viên, bằng những chương trình giáo dục mở mà trường đã thực hiện như dạy kỹ năng sống, giá trị sống và 7 thói quen của tuổi trẻ thành đạt.

Thứ ba: Để đánh giá hiệu quả giảng dạy và giáo dục của người dạy, nhà trường đã sử dụng phản hồi của học sinh nên giáo viên đã kịp thời điều chỉnh bản thân để đáp ứng với nhu cầu của người học. 

Tuy thời gian triển khai công việc trên chưa dài nhưng kết quả gặt hái ban đầu hết sức bất ngờ. Xin trích dẫn một vài cảm nhận của giáo viên và học sinh:

Trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân về giáo dục và kết quả phản hồi của giáo viên và học sinh từ đợt khảo sát, trải nghiệm. Tôi xin mạnh dạn nêu ra một số công việc cần thiết về vấn đề đổi mới công tác giáo dục toàn diện như sau:

Một là, nhanh chóng đưa mô hình đã có bề dày kinh nghiệm và thực hiện rất hiệu quả công tác giáo dục như trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) để lấy đó làm bài học các trường học trong cả nước.

Cô Thanh Hà thực nghiệm 2 tiết giáo dục mở tại trường Trần Quốc Tuấn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh cô giáo Thanh Hà cung cấp.
Cô Thanh Hà thực nghiệm 2 tiết giáo dục mở tại trường Trần Quốc Tuấn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Ảnh cô giáo Thanh Hà cung cấp.

Hai là, thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm để từng bước hình thành đội ngũ cốt cán để đảm nhận vai trò tiên phong trong cuộc đổi mới giáo dục.

Ba là, tạo động lực thay đổi nhận thức của học sinh bằng cách tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh. Qua các buổi ngoại khóa truyền cảm hứng sống và học tập, đánh thức nhu cầu tự thân để các em tự xây dựng cho mình một nhân cách sống, học tập và làm những việc bổ ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội. 

Bốn là, thay đổi cách đánh giá giáo viên,giáo viên phải được đánh giá từ hai phía(giáo viên và học sinh). Giáo viên phải nhận được sự phản hồi chất lượng giáo dục của mình từ học sinh.

Những ý kiến của cá nhân tôi với mục tiêu đầu tiên là “Phá kỷ lục của bản thân mình” để góp sức nhỏ bé của mình vào công cuộc đổi mới nền giáo dục của nước nhà.

Đưa ra ý kiến này tôi không có tham vọng gì hơn ngoài mong muốn gửi đến các thầy cô giáo một thông điệp: hãy phá kỷ lục của bản thân mình một cách tích cực, để mỗi ngày tới trường của chúng ta thật sự là một ngày vui. 

Thầy và trò cùng ủng hộ

Những ý kiến chân thành của đồng nghiệp, học sinh, cựu học sinh mà cô giáo Thanh Hà từng làm việc, giảng dạy đủ thấy sức lay động, tình cảm của một người giáo viên tận tâm và lúc nào cũng muốn phá “kỷ lục” của chính mình.

“Em rút ra được rất nhiều điều bổ ích cho bản thân và chắc chắn rằng: ngày mai lên lớp em sẽ thay đổi hoàn toàn thái độ và cách cư xử của mình với lớp 10B8. Hy vọng sẽ có kết quả tốt. Cảm ơn thầy Đức và cô Hà!”.

(Thầy Bùi Văn Thừa, chủ nhiệm lớp 10B8 trường THPT Trần Quốc Tuấn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum).

“…Cô đã giúp cả lớp xích lại nhau hơn, cô hiểu chúng em hơn… cô không dữ dằn, khó tính nhưng luôn đủ nghiêm nghị để chúng em cảm thấy sợ mà nghiêm chỉnh chấp hành, cô cũng không quá hiền mà cô là người thấu hiểu, lắng nghe chúng em nói, tha thứ cho lỗi lầm của chúng em thay vì trừng phạt một cách nghiêm khắc (tất nhiên cách cô tha thứ cũng là một sự trừng phạt rồi)…

(Cựu học sinh Nguyễn Thị Hồng Phượng, hiện đang học khoa luật kinh tế Đà Nẵng).

“Em từng là một học sinh cá biệt của trường THPT  Kon Tum…Và rồi vào năm 12, năm cuối cấp, em đã gặp cô Hà, là cô giáo chủ nhiệm lớp 12D2 cá biệt nhất trường. Không biết bao nhiêu lỗi lầm mà chúng em gây ra…cô đều bỏ qua cho chúng em mà không một câu la mắng, không một lời chỉ trích.

Cô động viên chúng em, tâm sự với chúng em như là một người mẹ, như một thuyền trưởng dẫn dắt cả đoàn tàu qua một cơn bão! Cô là người đã thay đổi suy nghĩ của chúng em.

Chúng em dần dần nhận thức được cái sai của hiện tại, chúng em thay đổi nó trong tương lai…

Em cảm ơn cô vì những điều cô đã làm đối với chúng em, cảm ơn cô vì đã xem chúng em như những đứa con, cảm ơn cô vì cô đã không bỏ rơi chúng em… mong cô sẽ cứu được nhiều học sinh cá biệt như chúng em!

(Trịnh Nguyễn Hải Thạch, Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh).

“…Sức mạnh của lời nói,lần đầu tiên em thực sự tin vào chúng…em chắc chắn rằng hôm nay cô đã thành công trong việc tác động và thay đổi suy nghĩ của những bạn mà cô sợ rằng đang trong tầm nguy hiểm…”.

(Nguyễn Bảo Ngọc, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, cựu học sinh lớp 12A4 - Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Kon Tum).

Thanh Hà