Cô giáo 8X ở Quảng Ngãi ứng dụng kiến thức hóa học thành bài học về giao thông

09/01/2023 06:46
AN PHONG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xuất phát từ nỗi lo tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn, rình rập học trò, cô Nữ đã lồng ghép các kiến thức Hóa học thành những bài học về an toàn giao thông.

Khi nghiên cứu bài học về “Ancol” (tên gọi khác là rượu) trong chương trình Hóa học lớp 11, cô giáo Phạm Thị Nữ (sinh năm 1981) - giáo viên Trường trung học phổ thông Trần Kỳ Phong (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã lồng ghép nội dung luật giao thông có liên quan đến hành vi “uống rượu bia khi tham gia giao thông”.

Đó không chỉ là cách giảng dạy độc đáo về hóa học của cô giáo 8X mà còn truyền tải những thông điệp về bảo đảm an toàn cho bản thân học sinh khi tham gia giao thông.

Hiểm họa tai nạn giao thông luôn rình rập

Nằm ở khu vực đang phát triển kinh tế rầm rộ của duyên hải miền Trung, nơi có các khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và giáp ranh Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), học sinh của Trường trung học phổ thông Trần Kỳ Phong luôn phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn.

Cô Nữ đã linh động lồng ghép các kiến thức về an toàn giao thông vào những giờ dạy hóa học cho học sinh, cùng học sinh tham dự nhiều cuộc thi về an toàn giao thông. Ảnh NVCC

Cô Nữ đã linh động lồng ghép các kiến thức về an toàn giao thông vào những giờ dạy hóa học cho học sinh, cùng học sinh tham dự nhiều cuộc thi về an toàn giao thông. Ảnh NVCC

Từng tận mắt chứng kiến nhiều vụ tai nạn xảy ra với chính học trò của mình nên cô Nữ phần nào thấu hiểu những nỗi đau, mất mát do bia rượu gây ra.

“Tai nạn luôn rình rập mỗi người, mỗi ngày khi bước ra đường, chúng ta đều có những lo sợ. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc trên cả nước thời gian qua cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá lại trong cách giáo dục, tuyên truyền về đảm bảo an toàn giao thông.

Chỉ cần một chút lơ là, tai nạn có thể ập đến, cướp đi mạng sống của nhiều người. Trong những vụ việc ấy thì rượu bia chính là nguyên nhân chiếm phần lớn. Những ám ảnh đó đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó ý nghĩa để ngăn ngừa tai nạn đến với học trò”, cô Nữ tâm sự.

Với suy nghĩ đó, cô Nữ đã khéo léo lồng ghép các kiến thức về an toàn giao thông vào trong những tiết hóa học do cô đứng giảng. Khi giảng về phần “Ancol” trong chương trình Hóa học lớp 11, cô Nữ đã gợi ý, liên tưởng cho học sinh đến hành vi “uống rượu bia khi tham gia giao thông”.

Ngoài những kiến thức về công thức hóa học, phương pháp điều chế, tính chất hóa học, tính chất vật lý của Ancol… thì ngay trong phần ứng dụng của Ancol trong công nghiệp thực phẩm (rượu, nước giải khát), học trò còn học được tác hại của nó đối với cơ thể khi sử dụng liều lượng quá nhiều.

Để học sinh dễ hiểu hơn, cô Nữ còn bắt tay xây dựng các tiểu phẩm về “tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông”. Trong đó có những hoạt cảnh về các vụ tai nạn, va chạm giao thông để cảnh tỉnh đến mọi người.

Khi chuyển sang bài học về “Ankan”, trên cơ sở nội dung hóa học về phản ứng cháy của hidrocabon, cô Nữ lại liên hệ với hành vi rồ ga, nẹt pô khi tham gia giao thông. Bản chất hóa học, tác hại của hành vi, luật an toàn giao thông xử phạt đối với hành vi đi xe máy rồ ga, nẹt pô như thế nào?

Chính những kiến thức hóa học tưởng như khô khan đó đã được cô Nữ “hô biến” thành những bài giảng thực tế sinh động. Qua đó, cô muốn truyền tải bài học về sự bảo vệ an toàn cho bản thân học sinh khi tham gia giao thông.

Học sinh, phụ huynh cùng ký cam kết về an toàn giao thông

Nếu như ở những tiết hóa học là chưa đủ để cô giáo 8X có thể truyền tải hết thông điệp của mình thì cô Nữ lại “biến” những giờ sinh hoạt thành diễn đàn về an toàn giao thông.

Một giờ dạy của cô Nữ với những hoạt cảnh về an toàn giao thông. Ảnh: NVCC

Một giờ dạy của cô Nữ với những hoạt cảnh về an toàn giao thông. Ảnh: NVCC

“Mỗi năm học, khi quyết định làm giáo viên chủ nhiệm của một lớp nào đó thì tôi đều dành phần lớn thời gian để giáo dục các em về an toàn giao thông.

Tôi đầu tư công sức rất nhiều vào những tiết học như thế, từ việc chuẩn bị các hình ảnh, video đến việc soạn giáo án e-learning… Tất cả nhằm mục đích mang đến cho các em có nhiều kinh nghiệm, an toàn khi tham gia giao thông hơn.

Bởi theo quan điểm của tôi, người giáo viên chủ nhiệm có ảnh hưởng rất lớn đến thái độ, hành vi của học sinh. Phương châm giáo dục của tôi là “phải bắt đầu từ việc giáo dục nhận thức để thay đổi hành vi và dần dần hình thành thói quen”.

Cũng nhờ những kế hoạch cụ thể như thế mà nhận thức về an toàn giao thông của các em học sinh đã chuyển biến đáng kể, các sự cố về tai nạn giao thông cũng ít hơn”, cô Nữ tâm sự.

Ngoài những giờ giảng ở lớp, cô Nữ còn phối hợp với phụ huynh học sinh trong giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Theo đó, trong các cuộc họp phụ huynh, cô triển khai cho phụ huynh học sinh ký cam kết về việc tăng cường giáo dục con, em chấp hành đúng pháp luật giao thông.

“Tôi yêu cầu phụ huynh không giao mô tô, xe máy phân khối lớn… cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu họ cam kết đội mũ bảo hiểm cho con, em khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện. Giữa những buổi nói chuyện, tôi cũng nhắc đến những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra thời gian qua để cảnh báo cho các phụ huynh.

Qua đó, phụ huynh có thể giám sát, quan tâm đến con em mình nhiều hơn khi tham giao thông”, cô Nữ nói.

Với những nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm giúp học trò của mình “an toàn khi ra đường”, cô Nữ đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao giải xuất sắc trong cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” năm học 2020-2021.

Ngoài ra, năm học 2021-2022, cô còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”.

AN PHONG