Cô giáo 9X và hành trình 10 năm tâm huyết với những "vầng trăng khuyết"

06/06/2023 15:30
Hoàng Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các con không may mắc chứng tự kỷ chỉ như những "vầng trăng khuyết" chưa trọn vẹn. Nếu gia đình, giáo viên quyết tâm các em hoàn toàn có thể hòa nhập bình thường.

Dạy trẻ bình thường đã vất vả, dạy trẻ tự kỷ thì nỗi vất vả, khó khăn hơn gấp nhiều lần. Thế nhưng 10 năm qua, cô giáo 9x, Vũ Thị Sao Mai (sinh năm 1991, quê Kinh Môn, Hải Dương) đã vượt qua mọi khó khăn, kỳ thị để gắn bó với trẻ tự kỷ.

Cô giáo Sao Mai cùng với các cộng sự của mình âm thầm hy sinh thầm lặng để các các em nhỏ tự kỷ có cơ hội hòa nhập với cuộc sống.

Từ năm 2009 tốt nghiệp trung học phổ thông, Sao Mai chọn học ngành Tâm lý giáo dục – Trường Đại học Hải Phòng.

Việc Sao Mai chọn chuyên ngành Tâm lý xã hội như một thách “đặc biệt”, khi cả huyện Kinh Môn ngày ấy, duy nhất một mình Mai chọn. Gia đình Mai lo lắng không biết có xin được việc sau khi ra trường hay không.

Khi quyết tâm theo Ngành Giáo dục đặc biệt cho trẻ tự kỷ lại càng gây ra những hiểu nhầm cho bạn bè người thân của Mai.

Các em học sinh ở trung tâm của cô giáo Sao Mai. Các em ngày ngày tiến bộ hòa nhập cùng cuộc sống. Ảnh: NVCC

Các em học sinh ở trung tâm của cô giáo Sao Mai. Các em ngày ngày tiến bộ hòa nhập cùng cuộc sống. Ảnh: NVCC

Năm 2013, sau 4 năm học tập, rèn luyện ra trường cầm tấm bằng cử nhân Tâm lý giáo dục – chuyên ngành giáo dục đặc biệt Mai cảm thấy vô cùng bấp bênh bởi, ngày đó mọi người cũng có cái nhìn kỳ thị về trẻ tự kỷ và những giáo viên dạy trẻ tự kỷ như chị bởi họ nghĩ trẻ tự kỷ là một loại điên khùng.

Cũng vì quyết tâm yêu nghề, với Mai những đứa trẻ không may bị khiếm khuyết không có nghĩa là cả cuộc đời về sau các con không có cơ hội nữa hòa nhập nữa.

Vượt qua khó khăn, Mai cầm tấm bằng đại học đi khắp thành phố Hải Phòng, tìm đến bất kỳ trung tâm nào có cơ hội cho Mai làm việc với các bé “đặc biệt”.

Tuy vậy, những ngày đầu đi dạy trẻ tự kỷ, Sao Mai từng phải giấu kín bạn bè, người yêu về công việc của mình, nơi mình làm việc bởi Mai sợ họ biết sẽ có thái độ kỳ thị với mình.

Kể cả hàng xóm xung quanh cũng nhìn các cô và trò tự kỷ bằng con mắt khinh thường, các cô chào hỏi họ còn không thèm trả lời.

Thậm chí, gia đình Mai còn khuyên Mai bỏ nghề đi làm kế toán hay làm việc gì khác vì lo sợ ảnh hưởng sau này khi sinh con.

Yêu nghề, thương trẻ, từ năm 2013 sau khi ra trường đến 2019, Mai miệt mài ở khắp các trung tâm dạy trẻ tự kỷ ở Hải Phòng.

Đến năm 2020, Mai quyết tâm mở riêng một trung tâm tại Hải Phòng để dạy trẻ tự kỷ mang tên Sao Mai với ước vọng đem lại nhiều cơ hội cho các con.

Nhờ sự kiên trì của các cô giáo ở trung tâm, những học sinh đặc biệt này đều có niềm vui như những đứa trẻ khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhờ sự kiên trì của các cô giáo ở trung tâm, những học sinh đặc biệt này đều có niềm vui như những đứa trẻ khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Bây giờ khoa học phát triển, thông tin dễ tiếp cận nên mọi người hiểu đúng về chứng bệnh tự kỷ hơn, cộng đồng xã hội cũng đã có sự cảm thông, chia sẻ. Vì thế mà bây giờ những người dạy trẻ mới dám công khai, tự hào về nghề cao quý của mình như bao thầy cô giáo khác”.

Suốt hành trình 10 năm, từ một cô gái trẻ mới ra trường đồng hành với trẻ tự kỷ, Sao Mai gặp phải rất nhiều rào cản, khó khăn nhưng bằng tình thương và sự tận tâm với trẻ tự kỷ giúp Sao Mai đã vượt qua tất cả.

Sao Mai tâm sự: “Học trò của chúng em là những trẻ tự kỷ nặng, mỗi em mang một dạng chứng tự kỷ khác nhau.

Em thì thu mình vào một thế giới riêng, em thì la hét, đập phá, em lúc lên cơn thì cào cấu, gào khóc, rồi lao ra ngoài trong vô thức, em thì bị tăng động thích đập đầu vào tường…

Mỗi trẻ một chứng, các cô dạy trẻ tự kỷ thường phải quan sát, ghi chép hành vi để theo dõi và có cách can thiệp phù hợp.

Những lúc trẻ phát sinh hành vi thách thức chị thường nhẹ nhàng, tìm cách chuyển hướng hành vi cho trẻ, rồi ôm trẻ vào lòng vỗ về yêu thương.

Cô giáo Vũ Thị Sao Mai coi việc dạy là "trao gửi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương". Ảnh: NVCC

Cô giáo Vũ Thị Sao Mai coi việc dạy là "trao gửi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương". Ảnh: NVCC

Các em chỉ như những "vầng trăng khuyết", chưa được trọn vẹn. Nếu các thầy cô giáo, cha mẹ kiên trì, tâm huyết sẽ hoàn toàn có thể đưa trẻ hòa nhập với cuộc sống bình thường".

“Phần lớn trẻ không tự chủ được bản thân nên công việc hàng ngày của các cô rất vất cả, lúc nào cũng luôn tay luôn chân. Nào là lo vệ sinh, ăn uống, lo trông chừng lúc trẻ mất kiểm soát. Nào dạy cá nhân, mỗi trò mỗi giáo án. Dạy các em không tuân thủ giờ giấc như trẻ bình thường mà phụ thuộc vào chứng bệnh của trẻ.

Lúc trẻ phát sinh hành vi thách thức thì cô giáo phải lựa và can thiệp cho trẻ cắt cơn, sau đó mới học.

Chương trình học của các con chủ yếu là chào hỏi, dạy nói, dạy bật âm, phục hồi chức năng, dạy theo kiểu chơi mà học học mà chơi với các kỹ năng vận động thô, tinh, tự lập, tương tác...

Ngoài ra, các cô phải còn tự mày mò sáng tạo các đồ chơi giúp trẻ cảm nhận được các giác quan như lọ gạo nhuộm sắc màu để trẻ sờ nắm, xát lên người để tạo cảm giác, tranh ảnh màu sắc để kích thích giác quan nhìn hay những lọ sỏi lúc lắc để tạo giác quan nghe...”, Sao Mai tâm sự về những nỗi vất vả, khó khăn của nghề dạy trẻ tự kỷ.

Mai bảo, đã vào nghề dạy trẻ tự kỷ, các cô không hề biết đến giấc ngủ trưa. Có hôm mệt quá, chỉ hơi chợp mắt một chút thôi thì có em bỗng dưng trẻ la hét, gào khóc om sòm, lúc ấy phải bật dậy để dỗ trò.

Thậm chí, có cháu phát không kiểm soát được hành vi chạy đến cào cấu đến thâm tím cả tay chân nhưng Mai và các cô giáo ở trung tâm vẫn phải vui vẻ, cảm thông với trẻ.

Các cô giáo tự sáng tạo phù hợp với từng đối tượng trẻ. Ảnh: NVCC

Các cô giáo tự sáng tạo phù hợp với từng đối tượng trẻ. Ảnh: NVCC

10 năm gắn bó với nghề với trẻ tự cô giáo Mai cho biết, so với nghề chưa phải là dài nhưng đó cũng là chừng ấy thời gian những người làm công việc đặc biệt như Mai nếm trải đủ khó khăn, thử thách.

Để theo được nghề này, các cô phải không quản khó khăn, tận tâm, tận tụy, hết lòng thương yêu học trò của mình, để bù đắp cho trẻ phần nào thiệt thòi của số phận.

10 năm gắn bó với nghề giáo dục đặc biệt nhưng Mai chưa một lần được chính học trò của mình tặng cô bó hoa nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như những trẻ ở trường lớp bình thường khác nhưng chưa bao giờ Mai thấy buồn lòng.

Ngược lại, Mai rất cảm thông và càng thấy thương những “học trò đặc biệt” của mình hơn.

Hạnh phúc lớn nhất của Mai là khi nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ sau một thời gian nỗ lực của cả cô và trò.

Đó là giúp được một đứa trẻ từ không biết nói đã biết bật được những âm a, âm ô đầu tiên hay giúp một em bé từ chưa gì về thế giới xung quanh đến khi biết nhận biết màu sắc, âm thanh của cuộc sống, biết tự chủ khi đi vệ sinh, có tiến bộ về hành vi, nhận thức…

Và hơn cả là niềm hạnh phúc của phụ huynh khi con mình tiến bộ từng ngày.

Hạnh phúc của các cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở Sao Mai. Ảnh: NVCC

Hạnh phúc của các cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở Sao Mai. Ảnh: NVCC

“Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là điều kỳ diệu mà cuộc sống mang lại cho cha mẹ. Nếu có khiếm khuyết, người lớn cùng chung tay hoàn toàn có thể cho em một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Bằng cách thực hiện những cách giáo dục hằng ngày với một thái độ thoải mái và yêu thương, cha mẹ sẽ giúp trẻ có đủ khả năng trải nghiệm niềm vui thích học tập và từ đó sẽ tạo dựng cho con mình những lợi thế đầy sức mạnh, để con có thể mang theo suốt cuộc đời”, cô giáo Sao Mai nói về những học trò chỉ tạm thời khiếm khuyết của mình.

Hoàng Quỳnh