Cô giáo Bảo Châu mang ánh sáng nghệ thuật tới học sinh khiếm thị

16/07/2022 06:56
NGUYỄN THỊ KIM LIÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo Bảo Châu luôn dành tình yêu đặc biệt cho những học sinh không nhìn thấy ánh sáng nhưng có thể vẽ lên ánh sáng cho cuộc đời qua những bức tranh.

Năm học 2020-2021, hai học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (quận Ngô Quyền) đã gây tiếng vang trong ngành giáo dục thành phố Cảng khi giành giải Nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật với đề tài rất mới lạ và hấp dẫn: “Giải pháp bảo tồn và quảng bá nghệ thuật chạm khắc đình làng trên các sản phẩm mĩ thuật ứng dụng”.

Đề tài do cô Trần Thị Bảo Châu - giáo viên dạy Mỹ thuật của trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu hướng dẫn.

Cô Trần Thị Bảo Châu, giáo viên dạy Mỹ thuật - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh: Kim Liên)

Cô Trần Thị Bảo Châu, giáo viên dạy Mỹ thuật - Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu

(Ảnh: Kim Liên)

Đề tài này thuộc về môn Mỹ thuật – môn học mà ít người ngờ tới có thể mang lại giải thưởng tưởng chừng như thế mạnh của các môn Khoa học tự nhiên.

Đối với các đồng nghiệp ở Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, cô Trần Thị Bảo Châu không chỉ là một Tổ trưởng công đoàn tổ Khoa học xã hội, Trưởng ban nữ công với nhiều thành tích, mà còn được biết đến là một nữ họa sĩ có tiếng của Hải Phòng và nhiều tỉnh thành.

Chính tài năng và tình yêu với Mỹ thuật, cô Châu đã gieo niềm đam mê ấy cho rất nhiều thế hệ học sinh và có rất nhiều những bức tranh nổi tiếng.

Trong sự nghiệp giáo dục, cô Châu là một giáo viên giỏi thành phố nhiều năm, có nhiều học sinh giỏi, học sinh có tranh đạt giải quốc gia và triển lãm toàn quốc.

Bản thân cô nhiều năm liên tục có giải quốc gia như: giải Nhì cuộc thi “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin” năm 2014, giải Nhất cuộc thi “dạy học tích hợp” cấp quốc gia năm 2016.

Trên lĩnh vực nghệ thuật, cô Châu là một nữ họa sĩ tiêu biểu trong phong trào sáng tác mỹ thuật thành phố Cảng.

Con đường đến với mỹ thuật của Bảo Châu là một chặng đường dài nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ.

Đến nay, họa sĩ Bảo Châu thường xuyên tham gia và đã có nhiều tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm mỹ thuật của thành phố, của khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Nhưng điều mà tôi ngưỡng mộ nhất ở cô giáo ấy, chính là tâm hồn của một người nghệ sĩ luôn cháy hết mình vì nghệ thuật và yêu hết lòng vì học sinh thân yêu.

Cô giáo Bảo Châu cùng các em học sinh trong giờ học mỹ thuật (Ảnh: Kim Liên)

Cô giáo Bảo Châu cùng các em học sinh trong giờ học mỹ thuật (Ảnh: Kim Liên)

Cô giáo Bảo Châu luôn dành tình yêu đặc biệt cho những học sinh khiếm thị, không có khả năng nhìn thấy ánh sáng nhưng có thể vẽ lên ánh sáng cho cuộc đời qua những bức tranh.

Theo chia sẻ của cô giáo Châu, em học trò khiếm thị đầu tiên cô dạy tên là Nhân. Cô bé rất thích thú nghe cô giáo giảng bài, nhất là giờ học Mỹ thuật.

Cô Châu kể lại: “Bài học hôm ấy giới thiệu đặc điểm các chất liệu hội họa: sơn dầu, bột màu, sơn mài, lụa, tranh khắc.

Cô có hỏi: Khi đi xem một triển lãm tranh, em làm thế nào để biết họa sĩ vẽ chất liệu sơn dầu? Các học sinh mắt sáng im lặng.

Cô học trò khiếm thị duy nhất giơ tay trả lời: "Thưa cô, theo em tranh chất liệu sơn dầu khi sờ vào sẽ cảm thấy có vệt sơn nổi lên ạ".

Cô Châu ngạc nhiên "Vì sao em nhận biết được điều đó?". "Vì có lần em đi cùng bố và cũng đã từng được sờ lên bức tranh sơn dầu ạ" – Nhân trả lời.

Một ngày đẹp trời, sau tiết học mĩ thuật, Nhân lên bàn giáo viên tỉ tê: "Cô ơi, em ước mơ vẽ được một bức tranh về kỷ niệm ngày em còn nhìn được ánh sáng. Em nhớ mãi ánh mặt trời vàng cam cuối chiều, có em trong đó:.

Lúc ấy, cô giáo Bảo Châu trăn trở, suy nghĩ: "Làm sao có thể dạy học sinh khiếm thị biết vẽ?

Từ đó, cô mày mò, tìm hiểu và nhận ra rằng, học sinh khiếm thị chỉ có thể sờ để cảm nhận nên nét vẽ cũng phải nổi.

Nếu đặt tờ giấy trên lớp lưới để tạo nét cũng là cách hay, học sinh sẽ sờ được đường nét. Còn màu sắc, mình xếp màu, học sinh thuộc vị trí của màu.

Cô giáo Trần Thị Bảo Châu luôn dành tình yêu đặc biệt cho những học sinh khiếm thị (Ảnh: Kim Liên)

Cô giáo Trần Thị Bảo Châu luôn dành tình yêu đặc biệt cho những học sinh khiếm thị

(Ảnh: Kim Liên)

Câu chuyện ấy tôi nghe chị kể nhiều lần, và lần nào tôi cũng rưng rưng nước mắt, tôi đồng cảm cùng tình yêu của chị với cô học trò kia, và tôi nghẹn lòng và thương cảm trước một tâm hồn đẹp mà có phần thiệt thòi trong cuộc sống này.

Tôi chưa được gặp em Nhân ấy, chỉ biết em qua lời kể vì hồi đó tôi đang công tác ở một nơi khác, nhưng tôi cũng đủ hình dung về nỗi vất vả khi dạy vẽ cho một học sinh khiếm thị, và hiểu rằng phải yêu lắm, trăn trở lắm, nhiệt huyết lắm cô Châu mới có thể làm được việc phi thường ấy.

Câu chuyện về em học sinh thứ hai, tôi lại được chứng kiến trực tiếp, lần này là mắt thấy tai nghe, những cảm nhận, những yêu thương, những giọt nước mắt hay sống mũi cay cay của tôi không còn phải qua lời kể nữa.

Tôi đã từng bước theo sát, đồng hành và cảm nhận thực sự về một tình yêu vĩ đại trong một cô giáo nhỏ bé dành cho một học sinh khuyết tật - em Phương Chi.

Vào một ngày mùa thu trong trẻo, tiết trời se se lạnh, trong một lớp học mỹ thuật của ngôi trường tôi đang dạy. Có một cô học trò đặc biệt, nhờ một bạn dẫn lên bảng, cô bé cầm tay cô giáo.

- Cô ơi, em thích vẽ! Cô dạy em nhé?

- Em thích sau này mình sẽ tự vẽ minh họa cho các bài văn, bài thơ của mình.

Cô Châu không ngạc nhiên như em học trò đầu tiên, mà cô hạnh phúc. Niềm hạnh phúc khi mình đã mang niềm đam mê cho một học sinh khiếm thị tiếp theo.

Em Phương Chi và bức tranh do em tự vẽ (Ảnh: Kim Liên)

Em Phương Chi và bức tranh do em tự vẽ (Ảnh: Kim Liên)

Và lần này, cây táo nở hoa, khi những bức tranh của cô học trò nhỏ ấy đã làm cho tất cả mọi người ngạc nhiên và xúc động.

Cô bé vẽ được tất cả những gì cô bé hình dung về cuộc sống, tất cả những kí ức dù ít ỏi về những hình ảnh cô bé đã nhìn thấy khi còn nhỏ, trước khi nghiệt ngã cuộc đời cướp đi ánh sáng.

Rồi em lần lượt vẽ bữa cơm gia đình có bố mẹ và hai con, cũng là ước mơ về một gia đình toàn vẹn. Bởi bố em đã mất khi em còn nhỏ nên không có người hiến tủy chữa bệnh cho em.

Mẹ em đi lao động xứ người để có tiền gửi về trị bệnh tim của em. Em vẽ tranh cùng bạn ra vườn hoa, hình ảnh còn lưu trong trí nhớ khi em chưa bị "cắt" nhầm vào dây thần kinh mắt trong một lần phẫu thuật.

Em vẽ khung cảnh quán hoa Hải Phòng theo lời kể của cô. Em lại vẽ về con tàu, về Trường Sa, vẽ chiếc xe tăng trong trận chiến Điện Biên Phủ hướng về sự bình yên của Tổ quốc...

Những bức tranh sờ theo đường nét cứ rạng ngời hiện ra trong thế giới tối tăm của em trong suốt 4 năm học trung học cơ sở.

Cô học trò khiếm thị ấy đã ước mơ và đặt ra mục tiêu "học để làm gì". Em đã kiên cường "chiến đấu" với bệnh tật để thực hiện ước mơ.

Đặc biệt, mỗi khi đến giờ Mỹ thuật, dù em không nhìn được, nhưng em lại rất đam mê tìm hiểu về các họa sĩ, cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm nổi tiếng.

Em say sưa thuyết trình về các công trình nghệ thuật, khiến cô giáo và các bạn ngạc nhiên và cảm động.

Vì yêu quý và bị thuyết phục bởi những đam mê ấy, cô Châu đã dành thời gian mỗi tuần 2 buổi chiều đến nhà để dạy vẽ cho em Chi.

Cô hướng dẫn em cách nhận biết màu sắc, cách xác định hình khối, bố cục để em vẽ được một bức tranh đơn giản nhất, thể hiện được ý tưởng nào đó.

Em Phương Chi mơ ước sau này sẽ trở thành một nhà văn, viết truyện và vẽ những bức tranh minh họa cho những câu chuyện của mình.

Một học sinh nữa mà tôi trực tiếp chứng kiến sự thay đổi trong từng ngày của em về mỹ thuật, và từ tình yêu môn mỹ thuật, em thay đổi cả về tư tưởng, thái độ với cuộc sống, đó là em Ngô Thị Ngọc Huyền.

Khi mới bước chân vào cấp 2, em Huyền là một học sinh rất rụt rè, nhút nhát và có cách nhìn bi quan về cuộc sống.

Em sống thu mình, mặc cảm với bạn bè, khi học trong một môi trường tất cả mọi người đều bình thường, một mình em lại khiếm thị.

Nhưng chính cô giáo Châu, một người đã có nhiều kinh nghiệm với những học sinh như em, đã gần gũi, động viên, lấy những tấm gương đi trước, để Huyền có thêm động lực trong học tập và cuộc sống.

Dần dần, em bắt đầu hòa đồng với bạn bè, tích cực học vẽ, học đàn, thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ.

Khi nói về cô Châu, em Huyền tâm sự: “Cô Châu như người mẹ thứ hai của em, cô không chỉ mang đến cho em tình yêu nghệ thuật mà còn mang cho em ánh sáng của niềm tin về cuộc sống” .

Rồi sau này, không chỉ em Phương Chi, em Ngô Thị Ngọc Huyền mà còn rất nhiều học trò khiếm thị khác, cô giáo Châu luôn dành tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt.

Phải nói rằng dạy vẽ là khó, nhưng dạy vẽ cho học sinh khiếm thị thì quả thật chỉ có những người tâm huyết và yêu thương học sinh vô điều kiện như cô Châu mới có thể làm được.

Với mọi người, gương người tốt việc tốt có thể phải là điều gì đó lớn lao, xa xôi...nhưng trong tôi, những hành động nhỏ nhất, xuất phát từ trái tim yêu thương, mang tình yêu thương cho mọi người, lan tỏa những điều tích cực rất đời thường, hàng ngày, hàng giờ, nhiều thế hệ... trong khả năng mình có thể như cô Châu thực sự là anh hùng, là tấm gương sáng cần học tập và trân trọng.

NGUYỄN THỊ KIM LIÊN