Cô giáo cho 21 học sinh điểm 0 ở Bà Rịa - Vũng Tàu là đúng hay sai?

14/02/2023 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi giáo viên đánh giá chất lượng giáo dục một cách trung thực, nghiêm túc, buộc học sinh phải thay đổi thái độ học tập.

Nhiều bài viết phản ánh chuyện một cô giáo ở Trường Trung học Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu) bị kiểm điểm vì cho 33/34 học sinh của một lớp dưới điểm trung bình. Trong đó 21 học sinh bị điểm 0, có 5 học sinh bị điểm 1, chỉ 1 học sinh được điểm 10 còn lại bị điểm 2, 3, 4.[1]

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Băn khoăn với cách xử lý của lãnh đạo ngành giáo dục Vũng Tàu

Báo Vietnamnet phản ánh, sau khi bảng điểm bết bát bị lộ (vì được giáo viên đưa lên hệ thống mạng giáo dục Việt Nam VNEDU), cô giáo đã được hiệu trưởng nhà trường làm việc và yêu cầu cho học sinh kiểm tra lại. Tuy nhiên, cô T. không đồng ý vì như vậy học sinh càng thêm coi thường, không chịu học bài.

Còn Phòng Giáo dục và Đào tạo Châu Đức đã “kiểm điểm hiệu trưởng, hiệu phó, phòng cũng yêu cầu nhà trường phải xây dựng quy tắc, một bài kiểm tra phải có tỷ lệ % điểm từ trung bình trở lên mới vào sổ, nếu không đạt phải cho kiểm tra lại”.

Lãnh đạo phòng còn cho rằng: “Một bài kiểm tra nếu 60% điểm dưới trung bình thì có thể giáo viên ra đề không phù hợp, học trò không hiểu bài, hoặc giáo viên ra đề chỗ không dạy. Vì vậy trách nhiệm của nhà trường mà cụ thể là tổ bộ môn phải xem lại. Cô T. đã bị kiểm điểm và sẽ được trường theo dõi sát sao”.

Cô giáo có sai khi chấm điểm kiểm tra học sinh quá thấp?

"Hiệu trưởng nhà trường phát hiện đã làm việc với cô T. đồng thời yêu cầu giáo viên này cho kiểm tra lại. Tuy nhiên, cô T. không đồng ý vì như vậy học sinh càng thêm coi thường, không chịu học bài".

Cô giáo cương quyết không cho học sinh kiểm tra lại và cho rằng nếu làm thế học sinh sẽ càng coi thường, không chịu học bài. Có thể chính học sinh đã rất coi thường môn học của cô.

Thường thì tâm lý chung của một nhà giáo khi môn học của mình bị coi thường thì rất dễ để các thầy cô giáo thẳng tay đánh giá một cách nghiêm túc. Mục đích cũng để học trò phải biết sợ mà chịu khó học hơn.

Vì thế, cô giáo không hề làm sai mà cô đang thực hiện rất đúng tinh thần dạy thật, học thật bằng cách kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập của học sinh một cách trung thực.

Một bạn đọc bày tỏ ý kiến: “Khi đi học, mình từng chứng kiến giáo viên môn Công nghệ trả điểm bài kiểm tra, phổ điểm của lớp trung bình là 5-6.

Trong khi đó, bài kiểm tra đã được báo trước, nhưng vì coi Công nghệ là môn phụ nên cả lớp không ai thèm học mà chờ giáo viên cho mở sách để làm bài.

Giáo viên này làm đúng, trung thực nhưng lại bị kỷ luật, thật đáng tiếc và vô lý”.

Nhiều ý kiến cũng chia sẻ “Ủng hộ cô giáo, cô là người trung thực nên cương quyết không chịu thoả hiệp khi nhà trường yêu cầu cô đánh giá lại. Cô đã can đảm làm việc đúng với thực tế, đúng với trách nhiệm. Học sinh không chịu học thì điểm lấy ở đâu ra?”

Là giáo viên, người viết cũng hiểu rất rõ chuyện này. Đây không phải trường hợp cá biệt khi bài kiểm tra của cả lớp gần như dưới điểm trung bình. Điều cá biệt chỉ là, giáo viên đã rất cương quyết bảo vệ ý kiến của mình, không chịu cho học sinh kiểm tra lại trước sức ép của nhà trường.

Trong thực tế, nếu giáo viên chấm thẳng tay, thực hiện đúng theo quy định nhiều môn học không thể đạt chất lượng giáo dục

Từ thực tế cho thấy, phần đông, học sinh hiện này đang rất coi thường những môn học mà các em cho là môn phụ hoặc ngay cả môn chính nhưng không nằm trong danh sách môn thi (hoặc xét) tốt nghiệp, đại học, nhiều học sinh cũng lơ là học tập.

Không chỉ không học bài, không làm bài thầy cô giáo cho ở nhà, ngay trong giờ học chính khoá, có những học sinh (có cả học sinh giỏi) còn không muốn nghe thầy cô giảng. Ngồi học môn này nhưng mang bài tập môn khác để làm. Giáo viên có nhắc nhở, có mời phụ huynh nhưng rồi vẫn cứ thế.

Đã có phụ huynh đốp chát thẳng mặt thầy cô khi được giáo viên phản ánh con họ liên tục không học bài “môn phụ có thi đâu mà học hả cô? Học mất thời gian để dành đầu tư cho mấy môn thi tốt nghiệp”.

Có những em, vì thầy cô không muốn đánh giá thẳng tay nên chỉ ngay nội dung sẽ kiểm tra vào tiết học tới còn nhất quyết không chịu học.

Giáo viên vì không muốn bị đánh giá chất lượng giảng dạy không hiệu quả cũng phải nhân nhượng, kiểm tra lại cho đến khi đạt mức trung bình trở lên mới thôi.

Chẳng riêng môn Công nghệ, ngay như môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân…, tôi tin nếu cứ kiểm tra và đánh giá thẳng băng thì cũng có nhiều điểm kém.

Một số giáo viên dạy những môn học này còn chia sẻ, đề cương ra 4 câu nhưng bài kiểm tra trúng đến 3 câu trong đề cương mà vẫn có không ít điểm kém. Có thầy cô còn phải năn nỉ học sinh “Em về học kỹ đoạn này mai cô cho kiểm tra lại”, có em đồng ý, có em còn trả lời “Em không học đâu, cô cứ cho luôn điểm 0 cho đỡ mất thời gian”.

Học trò không chịu học bài hay coi thường môn học có phải là trách nhiệm của giáo viên?

Có vị cho rằng: “Giáo viên đã sai vì nếu học trò không chịu học bài hay coi thường môn học là trách nhiệm của giáo viên. Giáo viên phải làm sao để điều này không xảy ra”.

Nói thì dễ nhưng để học sinh yêu thích những môn học luôn bị xem là “môn phụ” quả không dễ dàng gì. Lỗi không nằm ở phía các thầy cô mà chính căn bệnh thành tích trong giáo dục đã dẫn đến tình trạng đáng buồn như thế.

Điển hình như việc bảng điểm bết bát được cô giáo đưa lên hệ thống, Ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên cho học sinh kiểm tra lại còn phòng giáo dục lại kiểm điểm giáo viên, kiểm điểm hiệu trưởng, hiệu phó.

Bất công hơn nữa là "Nhà trường đã phân công giáo viên khác dạy môn công nghệ các lớp 8 từ học kỳ 2 để tránh áp lực cho học sinh, đồng thời chuyển cô T. phụ trách phòng Thiết bị thực hành của trường".[2]

Được biết "Nhiều phụ huynh rất đồng tình với cách xử lý của lãnh đạo nhà trường", còn học sinh sẽ nghĩ gì khi cô giáo mình bị kiểm điểm, bị chuyển đổi vị trí công tác?

Sẽ có những em vốn đã coi thường những môn được coi là "môn phụ" lại càng coi thường hơn, có những em từng bị cô giáo chấm điểm kém sẽ hả hê, vui mừng "cho cô chừa". Rồi nhiều đồng nghiệp khác cũng lấy cô "làm gương" để không còn dám đánh giá chất lượng thật.

Và, hậu quả dẫn đến sẽ ngày càng có nhiều học sinh không chịu học, có nhiều giáo viên không chịu đánh giá học sinh một cách nghiêm túc. Căn bệnh nguỵ thành tích trong giáo dục cũng sẽ khó được cải thiện, việc dạy thật, học thật như lời kêu gọi của Thủ tướng trước đây cũng khó có thể thực hiện được.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/co-giao-bi-kiem-diem-vi-cho-21-hoc-sinh-diem-0-2108738.html

[2]https://nld.com.vn/thoi-su/co-giao-cham-diem-0-hang-loat-hoc-sinh-duoc-phan-cong-nhiem-vu-khac-20230210172210314.htm?utm_source=coccoc&utm_medium=ccnews

Phan Tuyết