Cô giáo đánh học sinh vì không cho bạn chép bài

08/01/2013 06:05
Nhật Thùy
(GDVN) - Nhìn đôi mắt ngây thơ của cô bé mà cảm thấy xót xa. Mới 8 tuổi mà đã bị gieo vào đầu những trò gian lận, dối trá. Trái tim non nớt kia sẽ vô tình đón nhận, xem việc cho bạn chép bài là một điều bắt buộc. Còn những bé chép bài thì sẽ ra sao khi đương nhiên được chép bài, thói ỷ lại và lỗ hổng kiến thức ngày một lớn. Và Các bé sẽ lớn lên thế nào, khi mới tí xíu đã được cô giáo dạy cho cách giúp đỡ bạn ăn cắp và ăn cắp hoàn hảo.
LTS: Vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam có nhận được lời tâm sự của một độc giả tại Bắc Giang kể lại cuộc trò chuyện với người cháu của mình là một học sinh lớp 3. Trong cuộc trò chuyện này, em học sinh lớp 3 đã kể lại, em bị cô giáo đánh vì không cho bạn chép bài trong giờ kiểm tra. Vì lý do tế nhị nên tòa soạn không đưa tên trường, tên lớp, tên cô giáo vào trong bài viết.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

“Hôm nay con bị cô giáo giật tóc và tát trước lớp”, đứa con tôi về nhà giọng lí nhí. Qua câu chuyện với con, tôi khá bất ngờ với cách hành xử của một cô giáo lớp 3 với một học sinh trong lớp, nhưng lại càng bất ngờ hơn vì lý do mà cô đánh học sinh lớp 3:

- Sao con bị đánh?

- Tại con không cho bạn M.T chép bài thi môn Toán.

- Sao cô lại biết con không cho bạn chép bài?

- Tại M.T được điểm thấp, cô hỏi con là có cho M.T chép bài không, con bảo không, xong cô chỉ vào mặt con hỏi con đậy bài lại hay để ra giữa, con bảo con đậy bài, xong cô giáo giật tóc rồi tát con.

- Sao con lại phải cho M.T bạn chép bài?

- Vì con học giỏi hơn bạn và chúng con cùng nhóm nữa. 

- Nhóm gì?

- Đôi bạn cùng tiến ạ.

- Đôi bạn cùng tiến là như thế nào?

- Có một bạn khá và một bạn học yếu. Bạn học sinh khá phải đảm bảo bạn yếu tiến bộ.

- Con giúp bạn tiến bộ bằng cách nào?

- Rèn chữ và hướng dẫn bạn làm toán.

- Có liên quan đến việc cho bạn chép bài không?

- Dạ có, cô bảo lúc kiểm tra và thi phải cho bạn chép bài. Nếu không cho bạn chép con sẽ bị cô giáo hạ điểm xuống bằng bạn.

- Lúc bị đánh con có sợ không?

- Sợ lắm, sợ nhất là nhìn mặt cô lúc đó.

- Bị giật tóc và đánh trước lớp con có giận cô giáo không? 

- Con không giận cô, tại con làm sai.

- Con sai thế nào?

- Tại cô bảo con phải hướng dẫn bạn làm bài. Các bài khác thì bạn M.T làm được vì đó là các dạng bài cô đã cho làm trước, chỉ có một bài khó con phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới biết làm, bạn M.T đã hỏi con, con đã hướng dẫn bạn mấy lần nhưng bạn vẫn không làm được. Đến lúc cô đánh con mới nhớ là cô bảo phải để bài làm ở giữa bàn để cho các bạn chép.

- Lần sau con sẽ làm thế nào?

- Con sẽ nhớ lời cô dặn, làm bài xong con sẽ để ở giữa bàn cho bạn chép, cô sẽ không đánh con nữa.

- Bạn M.T có tốt với con không?

- Không bạn ấy hư lắm, bạn không chịu học, toàn nhìn bài của con thôi, nhiều lúc bạn ấy đã chép bài rồi còn lấy bút gạch linh tinh trong bài làm của con, con không cho chép thì bạn giật bài làm của con.

“Nhân chi sơ tính bản thiện” tâm hồn trẻ thơ được ví như tờ giấy trắng, hồn nhiên và trong trẻo để rồi cuộc sống và quá trình giáo dục sẽ vẽ lên tờ giấy trắng đó những thanh âm cuộc sống, những cốt cách tâm hồn.

Nhìn đôi mắt ngây thơ của cô bé mà cảm thấy xót xa. Mới 8 tuổi mà đã bị gieo vào đầu những trò gian lận, dối trá. Trái tim non nớt kia sẽ vô tình đón nhận, xem việc cho bạn chép bài là một điều bắt buộc. Còn những bé chép bài thì sẽ ra sao khi đương nhiên được chép bài, thói ỷ lại và lỗ hổng kiến thức ngày một lớn. Và Các bé sẽ lớn lên thế nào, khi mới tí xíu đã được cô giáo dạy cho cách giúp đỡ bạn ăn cắp và ăn cắp hoàn hảo.

Tuổi thơ của các bé sẽ về đâu??? 
Nhật Thùy