Cô giáo thi viên chức: 'Nhiều lúc thấy mình lạc lõng quá'

16/03/2013 08:11
Xuân Trung
(GDVN) - Trước những giải thích của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, phóng viên đã phỏng vấn lại chị Dương Thị Ánh, người đứng đơn khiếu nại về cách tính điểm sai Nghị định của Sở này.
PV: Về nội dung trả lời của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, chị có hài lòng không, và còn thắc mắc điều gì?

Chị Dương Thị Ánh: Tôi không hề hài lòng với câu trả lời của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, đó chỉ là những cớ ngụy biện cho việc làm sai của mình mà thôi. Sở GD&ĐT trả lời vẫn do trong bảng điểm gộp chung điểm tốt nghiệp và điểm học tập nhưng rõ ràng theo văn bản quy định có tách riêng điểm thi tốt nghiệp (thang điểm 100). Nếu gộp chung lại thì đương nhiên số điểm tốt nghiệp của tôi (10 điểm - pv) không có giá trị nữa, và tôi đã mất đi 20,5 điểm.

Hơn nữa, bảng điểm do Bộ GD&ĐT cấp đã có từ lâu, Sở GD&ĐT năm nào cũng tuyển dụng chẳng lẽ không nắm được điều này sao? Đương nhiên Chính phủ ra Nghị định 29 cũng đã dựa trên bảng điểm này để đưa ra cách tính điểm. Nghị định 29 của Chính phủ là quy phạm pháp luật yêu cầu các công dân phải làm theo, vì thế việc làm theo Nghị định 29 không có gì khó khăn đối với chúng tôi, tại sao lại ép chúng tôi làm sai văn bản? Tôi không muốn làm sai! Là một công dân Việt Nam tôi sống và làm theo pháp luật, tôn trọng những quy định của Nhà nước ban hành, đừng dạy chúng tôi, đừng ép chúng tôi phải làm sai luật.

Chị Dương Thị Ánh cho biết, sẽ đi tới cùng để tìm sự công bằng, sự công bằng này không chỉ đối với chị mà còn nhiều giáo viên tương lai khác.
Chị Dương Thị Ánh cho biết, sẽ đi tới cùng để tìm sự công bằng, sự công bằng này không chỉ đối với chị mà còn nhiều giáo viên tương lai khác.

Làm đúng văn bản không có gì khó khăn đối với chúng tôi, hãy để chúng tôi được làm đúng. Tôi không hiểu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cứ lòng vòng mãi làm gì, điểm của chúng tôi được thể hiện trên bảng điểm rất rõ từng môn học và điểm thi tốt nghiệp. Trong công văn Sở GD&ĐT gửi báo Giáo dục Việt Nam có nói cách tính điểm này của Sở GD&ĐT đã chọn một cách tính điểm chung nhất theo Nghị định 29 nhưng Nghi định 29 nêu rất rõ cách tính điểm này chỉ áp dụng cho trường hợp thí sinh đào tạo theo tín chỉ, vậy tại sao Sở GD&ĐT lại nói “oang oang” là đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh?

Không hề công bằng cho những sinh viên đào tạo theo niên chế như chúng tôi. Sở GD&ĐT cứ nhất nhất cho rằng điểm trung bình chung toàn khóa là điểm chuẩn đánh giá toàn diện, vậy công thức tính của Nghị định 29 có tính điểm thi tốt nghiệp lại sai sao? Nếu theo Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc thì Nghị định Chính phủ có phải sửa đổi không? Các trường ĐH không hề gây khó khăn gì đối với những sinh viên của mình và chúng tôi nguyện vọng là làm đúng theo Chính phủ, làm đúng theo văn bản hướng dẫn tuyển dụng mà chính ông Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ký. 
Tôi được biết các Phòng giáo dục tuyển giáo viên mầm non, tiểu học thì thí sinh trở về các trường ĐH, CĐ tách điểm rất dễ dàng, họ không hề gây khó khăn cho những thí sinh ấy. Không tin Sở GD&ĐT có thể nhìn xuống các Phòng giáo dục là cấp dưới của mình xem họ làm thế nào mà không có sinh viên nào phải thắc mắc, bởi họ đảm bảo được tính công bằng, đúng, khách quan.
Có bạn đọc lại cho rằng nếu tính theo cách của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đúng là chị đã bị mất 20,5 điểm, nhưng nếu họ tính lại chưa chắc chị nằm trong danh sách trúng tuyển vào viên chức, vì những người khác cũng được tính lại điểm. Chị nghĩ sao?

Tôi dám khẳng định, nếu Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc tính đúng cho tôi, tôi sẽ cao điểm hơn một số người nằm trong danh sách trúng tuyển. Qua đây tôi muốn nói với các nhà tuyển dụng rằng khi đưa ra văn bản phải làm đúng theo văn bản, và khi tuyển dụng phải công bằng, khách quan, nhân đạo. Hãy tuyển dụng đúng những người có năng lực, có lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những người đã từng có sự cố gắng.
Hiện tại Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc và Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc đã có liên hệ gì với chị chưa?

Vào 9h23 phút ngày 5/3/2013, sau khi đọc xong bức tâm thư của tôi ông Phạm Quang Tuệ, Giám đốc Sở nội vụ Vĩnh Phúc đã gọi điện cho tôi và nói rằng ông sẽ xem xét và giải quyết cho tôi, nhưng tới giờ tôi vẫn chưa thấy gì. Một tuần sau đó tôi có xuống Sở Nội vụ tìm ông Tuệ nhưng bảo vệ họ nhất định không cho tôi gặp ông ấy. Về nhà, tôi có gọi điện nhưng ông ấy bảo vẫn chưa giải quyết được cho tôi.

Tôi cũng có gọi điện cho bà Dương Thị Tuyến, Phó Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng bà cũng nói chưa giải quyết được cho tôi. 

Nếu tỉnh Vĩnh Phúc không giải quyết cho tôi, tôi dự định sẽ kiến nghị lên Thanh tra Bộ GD&ĐT và tôi muốn hỏi về Nghị định 29 có còn áp dụng nữa hay không? Nếu còn áp dụng được thì rõ ràng Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc phải làm theo. Nếu không còn áp dụng nữa thì phải sửa đổi theo cách làm của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, lúc đó mới đảm bảo được tính thống nhất. Chúng tôi - những người dân lúc đó mới tin rằng những văn bản tiếp theo của Chính phủ sẽ được thực thi đầy đủ.
Chị có cảm thấy mình lạc lõng trong việc khiếu nại này không?

Sự đấu tranh một mình với một cơ quan tuyển dụng tôi cũng cảm thấy lạc lõng ở thời điểm ban đầu, nhưng giờ tôi không hề lạc lõng nữa vì bên cạnh tôi có rất nhiều người ủng hộ, động viên. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng, sẽ đi đến cùng. Tôi sẽ không bao giờ lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Dù có phải đi một mình tôi cũng đi tìm lẽ phải. Tôi tin rằng tôi sẽ tìm thấy nó. Tôi tin rằng lẽ phải sẽ chiến thắng.

Quãng đường từ nhà tôi tới Sở cũng khá xa, hôm thì anh chị lai đi vì tôi đi xe ô tô rất say xe, hôm không nhờ được ai tôi đành đi xe ô tô, xuống đến nơi say xe mềm người nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ từ bỏ ý định đi tìm công bằng cho tôi.

Dù phải đi cùng trời cuối đất tôi cũng đi. Xin hãy trả lại công bằng cho tôi. Biết bao lần xuống nhưng không gặp được lãnh đạo Sở GD&ĐT tôi lại về. Có những lần xuống chờ ông Quân (Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc) từ sáng tới 2 giờ chiều để gặp, gặp được cũng là lúc bụng tôi đói mềm. Tôi cứ đi như thế, dù biết bao lần chỉ đứng ngoài cổng để khóc. 

Nhiều lúc tôi thấy mình cô đơn và lạc lõng quá, tôi ước giá như tôi có được một người thân ở đó chắc tôi đỡ khổ hơn nhiều. Nhưng tôi vẫn cắn răng chịu đựng vì tôi tin sẽ có một ngày tôi sẽ tìm được chỗ đứng cho mình. Giờ đây tôi cảm thấy mình không cô đơn nữa vì bạn đọc đang ủng hộ tôi rất nhiều và Báo Giáo dục Việt Nam vẫn đang cùng tôi bảo vệ lẽ phải. Tôi không còn cô đơn nữa, tôi sẽ đấu tranh đến cùng để tìm lại những gì mà tôi đáng có được. 

Xin cảm ơn chị!
Xuân Trung