Vừa qua, người viết là giáo viên bậc trung học phổ thông dẫn một nhóm học sinh đi thi khoa học kĩ thuật vòng loại cấp tỉnh.
Trong lúc chờ phỏng phỏng vấn, người viết có trao đổi với các em xung quanh chuyện học thêm hiện nay để có thêm thông tin đa chiều, khách quan khi dư luận xã hội đang tranh cãi trái chiều về việc này.
Học sinh đi học thêm 1 môn đến 3 - 4 nơi
Một học sinh lớp 12 chia sẻ, chỉ riêng môn Tiếng Anh, em phải học đi học lại 5 lần, có 4 lần học thêm ở trong và ngoài nhà trường.
Học sinh kể, ở trường em được học 7 tiết môn Tiếng Anh/tuần. Trong đó, có 3 tiết học chính khóa; 3 tiết tăng cường và 1 tiết do giáo viên người nước ngoài giảng dạy.
Những tiết tăng vào các buổi chiều và tiết học Anh văn với giáo viên người nước ngoài, phụ huynh phải đóng tiền học cho nhà trường theo thỏa thuận chung, được chia làm 2 khoản.
Sau giờ học ở lớp vào các buổi chiều, học sinh này vẫn đi học thêm môn Tiếng Anh 4 tiết/tuần với giáo viên bộ môn đang giảng dạy ở trên lớp.
Cùng với đó, học sinh còn tham gia luyện thi IELTS ở trung tâm để lấy chứng chỉ, sẽ được miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh và xét tuyển vào các trường đại học lấy tiêu chí phụ.
Học sinh cho biết, bên cạnh môn Tiếng Anh em còn đi học thêm cả môn Toán, môn Vật lí nữa vì em dự tính xét tuyển đại học có tổ hợp Toán - Vật lí - Tiếng Anh.
Tổng chi phí tiền học thêm trung bình mỗi tháng phụ huynh phải đóng cho các môn là khoảng 7 triệu đồng, trong đó tiền luyện thi luyện thi IELTS là tốn kém nhất.
Một học sinh lớp 11 kể, em tham gia học thêm môn Tiếng Anh lên đến 3 loại/tuần: học tăng tiết, học với giáo viên người nước ngoài ở trường và học thêm tại nhà giáo viên bộ môn.
Học thêm chồng học thêm nhưng vẫn không giao tiếp được với người nước ngoài
Trong lúc người viết đang trò chuyện với học sinh thì có một chú tài xế xe ôm mang điện thoại tới nhờ nghe giúp. Chú nói nhanh, gọn, đại ý có một người nước ngoài gọi điện đặt xe nhưng chú không nghe được.
Người viết đưa điện thoại lần lượt cho 2 học sinh lớp 11 thì các em lắc đầu và nói rằng không thể nghe, nói. Đáng nói, nội dung cuộc điện thoại này gồm những câu rất đơn giản liên quan đến một số thông tin như số nhà, đường phố, quận, số tiền phải trả nhưng các em cũng chịu.
Người viết sau khi đã trợ giúp được cuộc điện thoại cho chú tài xế xe ôm thì không khỏi bực bội và buồn lòng về học sinh của mình.
Người viết nói, các em đi học thêm tối ngày, môn Tiếng Anh học thêm lên tới 3, 4 lần, rồi học với giáo viên người nước ngoài; học thêm từ tiểu học lên trung học phổ thông mà không thể giao tiếp ở mức đơn giản thì phải nghiêm túc xem lại việc học của bản thân.
Có học sinh thật thà cho biết, việc đi học thêm của các em như một phản xạ, kéo dài cả chục năm; bạn bè đều đi thì mình cũng đi và không suy nghĩ gì cả. Còn chuyện không giao tiếp được với người nước ngoài thì "cả lớp em cũng vậy, không phải riêng em."
"Cứ đến tiết học Anh văn với giáo viên nước ngoài là lớp em như cái chợ, đến thầy cô trợ giảng (giáo viên Việt Nam) cũng bất lực vì các bạn nói chuyện quá nhiều.
Hầu hết các bạn không nghe, không nói được và môn học này không kiểm tra lấy điểm nên tiết học giống như để xả xì-trét, vui chơi là chủ yếu", một học sinh lớp 11 kể lại.
Đến giáo viên cũng không giao tiếp được với người nước ngoài nhưng vẫn... dạy thêm
Để hiểu rõ hơn về thực trạng học sinh của mình đi học thêm tiếng Anh tối ngày nhưng vẫn không giao tiếp được, mới đây, người viết đã trò chuyện với 3 giáo viên người nước ngoài đang dạy thỉnh giảng ở đơn vị nơi người viết đang công tác.
Thầy cô người nước ngoài nói đại ý, một tuần học sinh chỉ được học giao tiếp một lần, trong khi sĩ số lớp quá đông nên quay qua quay lại thì đã hết giờ.
Nói rõ hơn về khả năng giao tiếp của học sinh, một giáo viên áng chừng một lớp có khoảng 5-7 em là giao tiếp được, từ mức độ cơ bản đến tốt và thường thì các em tranh nhau nói; còn các bạn khác chỉ ngồi đến hết giờ.
Điều bất ngờ, giáo viên người nước ngoài nói thẳng, có giáo viên người Việt dạy tiếng Anh nhưng vẫn không giao tiếp được với họ; chỉ chào hỏi những câu cơ bản, nhưng phát âm không rõ, nói không nghe được.
Một giáo viên khác cũng không ngại ngần cho biết, rất ít giáo viên người Việt dạy môn Tiếng Anh ở nơi đơn vị họ đang công tác có thể nói trọn vẹn về một chủ đề nào đó. "Có lẽ do thầy cô chỉ quan tâm đến việc dạy theo chương trình, ngữ pháp mà không chú ý đến các kĩ năng khác."
Để xác minh thông tin này, người viết đã trò chuyện với tổ trưởng chuyên môn tổ Tiếng Anh thì được khẳng định là "đúng như vậy".
Tổ trưởng này còn tiết lộ, có giáo viên dạy môn Tiếng Anh giao tiếp với người nước ngoài rất yếu kém nhưng vẫn dạy thêm nhiều lắm. Chỉ tội cho những em tham gia học thêm, phụ huynh tốn tiền chi cho con nhưng không mấy hiệu quả.
Thiết nghĩ, nên cấm dạy thêm, học thêm với học sinh chính khóa trong bối cảnh ngành giáo dục đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có nội dung cốt lõi là giúp học sinh phát triển 5 phẩm chất và 10 năng lực.
Bên cạnh đó, các phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh cũng cần phải thay đổi theo hướng giúp nâng cao hiệu quả học tập thì mới có thể từng bước hạn chế dạy thêm, học thêm một cách thuyết phục.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.