Có nên cải tiến chữ Quốc ngữ?

28/12/2019 06:31
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
(GDVN) - Không cần thiết phải cải tiến chữ Quốc ngữ được giới Ngôn ngữ học nhất trí cao tại “Hội thảo khoa học 100 năm chữ Quốc ngữ” ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 21/12/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội thảo khoa học 100 năm chữ quốc ngữ” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Tham dự hội thảo có nhiều nhà khoa học đầu ngành về Ngôn ngữ học đến từ trong nước và quốc tế. Tại hội thảo, giới ngôn ngữ học không đồng tình việc việc cải tiến chữ Quốc ngữ như một số đề xuất đưa ra trước đó.

Đáng chú ý, tham luận “Vài tiểu khúc của chữ Quốc ngữ nhìn lại 100 nay” của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Đức – nguyên giảng viên bộ môn Ngôn ngữ học của Đại học Quốc gia Hà Nội, được nhiều người đồng tình.

Ngày 21/12/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội thảo khoa học 100 năm chữ quốc ngữ”
Ngày 21/12/2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra “Hội thảo khoa học 100 năm chữ quốc ngữ”

Theo Giáo sư Đức, có hai lí do để không phải sửa chữ Quốc ngữ:

Thứ nhất, về mặt học thuật (Ngôn ngữ học), chữ Quốc ngữ là văn tự có nguồn gốc chữ Roman. “An-pha-bê” là thứ chữ ghi âm theo lối phân suất âm vị học các ngôn ngữ biến tố (chủ yếu ở châu Âu).

Thế kỉ XVII, khi làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ tuy không phải nhà Ngôn ngữ học nhưng rất giỏi trong hai việc: Dùng nhóm chữ cái để ghi rời từng âm tiết (cốt lõi của ngôn ngữ đơn lập); Ghi các thanh điệu (trên nguyên âm của mỗi âm tiết).

Sau những thăng trầm, chữ Quốc ngữ thế kỉ XX đã xác định được cương vị. Về mặt kĩ thuật là tuyệt vời, về mặt văn hóa đã trở thành một thành tố quý hóa của văn hóa Việt.

Giáo sư Đức nói rằng, mong muốn hoàn thiện chữ Quốc ngữ cũng là thiện ý. Nhưng cũng đừng nhầm lẫn với phát âm văn tự.

Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen
Người Việt nói và viết sai tiếng Việt thành quen

Với người Việt, phát âm thành từng âm tiết rời là điều tự nhiên nhất. Việc chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kĩ thuật.

Theo đó, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Bảng chữ cái Việt không phải và không thể là bảng ghi âm IPA (dùng để ghi âm tố của lời nói).

Chữ (kể cả Quốc ngữ) luôn có độ bền hơn ngữ âm (người nói luôn tạo ra những thói quen mới theo nhu cầu giao tiếp và sự tiếp xúc ngôn ngữ).

“Vậy thì xin tôn trọng người bản ngữ (họ luôn đúng và có lí), cải cách chữ viết nên theo tinh thần “không ngứa không gãi”, Giáo sư Đức nêu quan điểm.

Thứ hai, về mặt văn hóa, sửa chữ viết là động đến văn hóa, mà văn hóa thì bền vững và có bộ lọc cực kì tinh tế. Văn hóa không bao giờ dễ dãi với hành vi cộng đồng.

“Tôi mừng là lần đầu tiên, từ thời Hùng Vương, Hiến pháp 2015 đã có điều thứ 5 công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ Quốc gia. Nhưng rất tiếc chưa xác nhận chữ Quốc ngữ là Quốc tự.

Nhưng sửa được chính tả (chứ không phải chữ viết). Không sửa được vì nước ta chưa có luật ngôn ngữ (hiện nay mỗi Bộ quy định một cách viết”, Giáo sư Đức chia sẻ.

Nói thêm về chữ Quốc ngữ đã góp phần làm thay đổi lớn trong ngữ pháp tiếng Việt, Giáo sư Đinh Văn Đức nhận xét:

Nửa đầu thế kỉ XX, chữ Quốc ngữ ghi tiếng Việt đã thực sự bước vào nhà trường, song mới chỉ dừng lại ở bậc tiểu học là chính. Dù sao đây cũng là một chuyển biến rất quan trọng, xét về chức năng xã hội của tiếng Việt.

Bên cạnh đó, tiếng Việt bước đầu đã được trau dồi, nhờ nhà trường có các tài liệu và những giờ văn phạm, tập làm văn bằng Quốc ngữ. 

Trong những thế kỉ trước, người Việt vẫn nói, viết tiếng Việt, nhưng chưa bao giờ có lối phân tích mệnh đề ra thành phần câu, và được luyện tập một cách có ý thức.

Cùng với đó, tiếng Việt dạy trong nhà trường, một cách gián tiếp, đã góp phần hoàn thiện thêm một bước tiếng Việt văn học trên đường hiện đại hóa. 

Giờ văn học Việt Nam và tiếng Việt ở nhà trường đã khơi dậy ở người học lòng yêu mến văn học Việt Nam, và từ đó sản sinh ra không ít nhà văn, nhà thơ. Chính thế hệ mới đã làm cho tiếng Việt được trau chuốt.

Ngoài ra, tiếng Việt đã được thử nghiệm trong việc truyền đạt khoa học kĩ thuật. Tiếng Việt tuy bị tiếng Pháp chèn ép nhưng cũng đã chịu một ảnh hưởng tích cực nhất định từ các tiếp xúc.

Sự tiếp xúc đó đã góp phần làm cho ngữ pháp tiếng Việt có những cái mới, theo đó văn viết có chiều hướng rõ ràng, mạch lạc hơn, trong sáng hơn.

Từ năm 1930 trở đi, chữ Quốc ngữ còn là một phương tiện rất quan trọng để truyền bá tư tưởng cách mạng mà khởi đầu là các hoạt động báo chí của Nguyễn Ái Quốc và các truyền đơn cách mạng lưu hành bí mật trong nước cho đến Cách mạng Tháng Tám.

Thảo luận về tham luận của Giáo sư Đinh Văn Đức, hầu hết các nhà Ngôn ngữ học đều nhất trí cao, không cần thiết phải cải tiến chữ Quốc ngữ trong bối cảnh hiện nay.

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài