Có nên cho nhà đầu tư nước ngoài mua nợ xấu của doanh nghiệp Việt?

21/09/2013 07:45
Anh Dũng
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, để các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia mua lại các khoản nợ xấu của doanh nghiệp là xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Thời gian gần đây, rất nhiều câu hỏi được các chuyên gia tài chính đặt ra về hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và mới nhất là Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC). Khi thành lập, VAMC đặt mục tiêu đến cuối năm 2013 sẽ xử lý 70.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng xem ra đây lại là mục tiêu quá cao so với năng lực hiện tại của doanh nghiệp này, khi mà vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng.

Xoay quanh câu chuyện mua bán nợ, thời gian gần đây một số chuyên gia tài chính đã đặt vấn đề: Nên chăng mở cửa để các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tham gia mua lại các khoản nợ xấu của doanh nghiệp (DN) Việt Nam?

TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, đây là xu thế tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

“NĐT nước ngoài có thế mạnh về tiền, lại giàu kinh nghiệm và kỹ năng thẩm định tình trạng các món nợ và tài sản bảo đảm nếu họ thấy có lợi nhuận trong đó thì chắc chắn họ sẽ tham gia. Điều này sẽ giúp cho quá trình xử lý nợ xấu ở 4 mặt cơ bản: Một là nguồn vốn; hai là tăng tính minh bạch cho việc mua bán nợ, vì rõ ràng là khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, họ yêu cầu minh bạch rất cao; thứ ba là sẽ tạo ra thị trường mua bán nợ sôi động hơn và thanh khoản cao. Cuối cùng là chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị điều hành việc mua bán nợ và việc xử lý các món nợ sau khi đã mua”, TS Hiếu phân tích.

TS Nguyễn Trí Hiếu.
TS Nguyễn Trí Hiếu.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, TS Hiếu cũng cho biết, hiện chưa có thông tin nào về NĐT nước ngoài đã sẵn sàng mua bán nợ xấu của Việt Nam, mà chỉ thăm dò thị trường, đặc biệt là những động thái của VAMC.

TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ rõ: “Các thủ tục pháp luật hiện nay của nước ta chưa thể thu hút NĐT nước ngoài tham gia mua lại các khoản nợ, vì vướng ở những cơ chế về sở hữu nhà cửa, sở hữu đất đai, về tỷ lệ góp vốn cổ phần đối với các DN nói chung và đối với các ngân hàng nói riêng.

Hơn nữa, nếu cho phép NĐT nước ngoài mua lại nợ xấu thì cần một đạo luật riêng về việc xử lý nợ quốc gia và thủ tục phá sản trong quá trình xử lý nợ và một loại tòa án chuyên nghiệp, chứ không phải qua hệ thống tòa án thông thường xử những tranh chấp thương mại. Khi đó, việc xử lý nợ xấu, thanh toán tài sản bảo đảm sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng”.

Nếu nhìn theo hướng tích cực thì việc cho NĐT nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp thị trường sôi động hơn, nhiều khó khăn tài chính của các DN Việt sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, khi các NĐT nước ngoài nắm được nhiều khoản nợ lớn của các DN, có nghĩa là họ cũng có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Trí Hiếu, NĐT nước ngoài luôn muốn mọi chuyện phải minh bạch, vì thế những vướng mắc trong hệ thống ngân hàng, những sai phạm về pháp lý và  quy định tài chính, ngân hàng. Những đánh giá ấy có khả năng được đưa ra trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam và thế giới, và điều này có thể có tác động không tốt về mặt tâm lý cũng như quyết định đầu tư của NĐT khác.

“Trong ngắn hạn, thị trường tài chính Việt Nam sẽ đối mặt với bất lợi này,  nhưng nói chung những đánh giá tiêu cực có thể trở thành lợi điểm, để giúp chúng ta có những kế hoạch cải cách sâu rộng nền kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng. Xét về lâu dài, việc tham dự của các NĐT nước ngoài là cần thiết và hợp lý”, ông Hiếu cho hay.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định quy mô nợ xấu ở Việt Nam đã đủ để lập một thị trường mua bán quốc tế. Việc này sẽ phải do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, tổ chức một sàn giao dịch, qua đó các ngân hàng rao bán những khoản nợ mà họ muốn bán, không chỉ có nợ xấu mà cả nợ tốt.

“Trên các thị trường mua bán nợ quốc tế không những nợ xấu mà cả nợ tốt cũng được giao dịch trao đổi. Khi có món nợ lớn vượt qua quy định an toàn vốn, vốn điều lệ không đủ để gánh, và các ngân hàng muốn chia sẻ rủi ro thì họ hoàn toàn có thể bán nợ đó cho một ngân hàng khác.

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại thì nợ xấu Việt Nam đang ở mức trên 4%, nhưng để biết được con số thực tế thì cần có sự giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước dựa vào những tiêu chí và việc phân loại nợ xấu rất chặt chẽ. Quy mô thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ tùy thuộc rất nhiều vào tính công khai và minh bạch của nợ xấu trong tương la”, TS Hiếu cho hay.

Anh Dũng