Có những ngành không tự chủ được vì khó tuyển sinh

15/05/2023 06:33
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các cơ sở GDĐH nên mở thêm các dịch vụ cung ứng về đào tạo, nghiên cứu liên quan đến sứ mạng, trách nhiệm, và thế mạnh của nhà trường để đa dạng nguồn thu.

Tự chủ tài chính là yếu tố “mấu chốt” để các đại học/trường đại học hướng tới tự chủ hoàn toàn, phát triển được toàn diện. Tuy nhiên, việc chỉ dựa vào nguồn thu đến từ học phí đã khiến các trường gặp rào cản để thực hiện việc tự chủ tài chính của mình.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học khi đứng trước những dịch vụ, nghiên cứu,... có thể giúp nhà trường đa dạng thêm nguồn thu lại khó có thể thực hiện được do bị “trói buộc” từ nhiều quy định hiện hành.

Tự chủ nhưng cần có chính sách riêng với những ngành là sứ mạng

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Thư ký hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, tự chủ là xu hướng chung của tất cả các cơ sở giáo dục đại học hiện nay.

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Thư ký hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn (Nguồn: Website nhà trường).

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa, Thư ký hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn (Nguồn: Website nhà trường).

Hiện nhà trường cũng đang có chiến lược thực hiện chủ trương chung là phấn đấu đến năm 2025, tự chủ chi thường xuyên. Để đặt ra được chiến lược này, nhà trường cũng căn cứ vào những điều kiện mà mình đang có. Và cơ sở có thể có thực hiện được vấn đề này chính là công tác tuyển sinh của trường.

Trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của trường đã được xã hội ghi nhận bởi luôn tuyển sinh đảm bảo được chỉ tiêu được giao, số nguyện vọng người học đăng ký vào trường rất đông nên đảm bảo được nguồn thu từ học phí.

“Theo tôi được biết, có những cơ sở giáo dục đại học xin tự chủ nhưng không tuyển được người học nên rất khó để có thể tự chủ chi thường xuyên theo xu hướng chung này, vì nguồn vào không có”, thầy Hòa chia sẻ.

Thách thức của nhiều đại học/trường đại học hiện nay là có những ngành không tự chủ được, khó tuyển được người học nhưng những ngành học đó lại là nhiệm vụ của nhà trường. Như Trường Đại học Công đoàn có ngành đào tạo cán bộ công đoàn và ngành đào tạo kỹ sư bảo hộ lao động là những ngành khó tuyển sinh, ít người học nên cần có sự đầu tư của nhà nước để duy trì và phát triển.

Chính vì vậy, bên cạnh giao cho các trường tự chủ, nhà nước cần có chính sách riêng hỗ trợ cho những ngành đặc thù, mang tính sứ mạng của các cơ sở giáo dục đại học đó để các trường vừa thực hiện được tự chủ, vừa đảm bảo các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Những ngành, lĩnh vực đặc thù này nhằm đảm bảo sự phát triển của nhà nước, xã hội, nhưng hiện nay mới chỉ có chính sách cho các khối ngành sư phạm, trong khi vẫn còn nhiều khối ngành khác mang tính đặc thù cũng cần được lưu tâm.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đại học công lập muốn tự chủ phải có các cơ sở vật chất đảm bảo, nhà nước, các bộ ban ngành có liên quan cần chú tâm nhiều hơn trong việc đảm bảo được cơ sở vật chất hiện có để giúp các cơ sở có nguồn lực có bước đi chặt chẽ, đảm bảo được hiệu quả trong tự chủ.

Đứng trước những thách thức trong tương lai khi tự chủ tài chính như xu hướng tuyển sinh thay đổi, bản thân các cơ sở giáo dục đào tạo phải xác định được chiến lược phát triển, cũng như dự báo trong năm tới, những ngành học nào khó tuyển, nhu cầu xã hội không còn cao để có giải pháp phát triển thêm các ngành đào tạo trên cơ sở nền mà mình đã có. Dự kiến trong tương lai, bên cạnh việc củng cố các ngành đào tạo mình hiện có, Trường Đại học Công đoàn cũng sẽ phát triển thêm những ngành đào tạo mới mà xã hội đang cần dựa trên những điều kiện của nhà trường.

Hiện nay, nhiều trường chưa dám đưa ra mức học phí

Cũng theo thầy Hòa, các trường nên mở thêm các dịch vụ cung ứng về đào tạo, nghiên cứu liên quan đến sứ mạng, trách nhiệm và thế mạnh của nhà trường để tăng nguồn thu, đảm bảo chức năng hoạt động của nhà trường.

Bởi, bên cạnh việc đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học còn là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Việc mở rộng thêm các dịch vụ, nghiên cứu vừa giúp nâng cao chất lượng đào tạo, vừa góp phần tăng nguồn thu cho nhà trường.

Theo Tiến sĩ Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn cho hay, nguồn thu từ học phí khó có thể đảm bảo cho các trường tự chủ một cách toàn diện được mà cần đa dạng thêm nguồn thu từ các nguồn lực khác, những nguồn lực này phải phụ thuộc vào điều kiện của từng cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn (Nguồn: Website nhà trường).

Tiến sĩ Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn (Nguồn: Website nhà trường).

Đơn cử như đối với các trường đào tạo kỹ thuật sẽ có nhiều dự án liên quan đến chuyển giao công nghệ, tuy nhiên đối với những trường đào tạo các khối ngành liên quan đến xã hội, việc chuyển giao này lại khó khăn.

Trường Đại học Công đoàn là một trường đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, để đáp ứng được nhu cầu phát triển chung là hướng tới tự chủ hoàn toàn, bên cạnh định hướng trong tương lai là phát triển doanh nghiệp trong trường đại học, trường cũng đang có dự định phát triển các dịch vụ trong nhà trường.

Trường đang có định hướng xây dựng một trung tâm thực hành pháp luật để phục vụ cho nhu cầu của các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất dựa trên năng lực phát triển về dịch vụ pháp luật đang sẵn có của mình; các dịch vụ công tác xã hội, bảo trợ xã hội; dịch vụ liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao bảo hộ lao động; các dịch vụ liên quan đến tài chính ngân hàng,... Những dịch vụ đều dựa trên những ngành nghề mà trường đang đào tạo.

Cũng theo thầy Thắng, tự chủ không có nghĩa là để các trường tự lo, tự túc, do đó, mong muốn của các trường hiện nay là phải có giải pháp tổng thể cho hoạt động. Việc tự chủ phải gắn với các cơ chế hoạt động, hỗ trợ, đặt hàng của nhà nước thì các hoạt động của nhà trường mới phát huy được hết hiệu quả và các trường mới tự chủ được một cách toàn diện.

Các công tác tài chính của các trường đại học còn phải phụ thuộc rất nhiều vào những quy định hiện hành của nhà nước về tài chính, tài sản, đất đai,... bởi đối với những trường công khác với những trường ngoài công lập. Nếu mở không đúng lại bị “thổi còi” khiến các trường đứng trước nhiều dịch vụ để có thể đa dạng được nguồn thu nhưng vẫn chưa thể khai thác được.

Chia sẻ về học phí năm học 2023-2024 tới đây, Thư ký hội đồng trường, Trường Đại học Công đoàn cho biết, trong lúc chờ các văn bản hướng dẫn chung, học phí năm học 2023-2024 của Trường Đại học Công đoàn đang dự kiến giống như năm học 2022-2023. Trong 2 năm học vừa qua, để chung tay san sẻ gánh nặng cùng xã hội trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, trường đã luôn xác định đây không phải là trách nhiệm không phải chỉ của một mình cơ sở giáo dục đại học mà là của toàn xã hội.

Vậy nên, từ khi chưa có quy định về việc giữ ổn định mức học phí như năm học 2021-2022, nhà trường đã xác định từ đầu về vấn đề này và hỗ trợ trực tiếp cho người học. Để việc không tăng học phí không ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường và giữ chân được người học, trường đã có những giải để cân đối được các nguồn thu chi như tiết kiệm trong quản lý tài sản công, sinh hoạt,...

"Đôi khi, việc có những quy định mới ra đời là rất cần thiết trong những tình huống nảy sinh bất thường để đảm bảo quyền lợi cho người học nhưng nếu có thể, khi có quy định điều chỉnh, nhà nước cần phải ban hành sớm, công bố với xã hội để các trường có cơ sở công bố với trường học, tránh trường hợp như năm học 2022-2023 để các trường chủ động cân đối được thu chi.

Như hiện nay, nhiều trường chưa dám đưa ra mức học phí. Trong khi đó, các đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học thường được công bố từ rất sớm từ đầu năm học, và trong đề án tuyển sinh bắt buộc phải có nội dung là công bố công khai về mức học phí đối với người học để sinh viên, phụ huynh có sự chuẩn bị từ sớm", thầy Hòa chia sẻ.

Tường San