Cơn càn quét của đại dịch Covid-19 và một năm “sóng gió” của ngành Y

30/12/2021 06:30
Linh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2021, làn sóng bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hậu quả và những tổn thất nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội.

Đối mặt với đại dịch nguy hiểm, diễn biến khó lường

Tháng 4/2021, đại dịch Covid-19 trở lại, sự xuất hiện của biến thể Delta với tốc độ lây nhiễm nhanh đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến ngày 27/12, Việt Nam có 1.666.545 ca nhiễm, đứng thứ 31/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.900 ca nhiễm).

Tính từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021) đến ngày 27/12 có số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.660.900 ca, trong đó có 1.256.797 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; Một số địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là Thành phố Hồ Chí Minh (500.617), Bình Dương (290.240), Đồng Nai (97.043), Tây Ninh (71.537) và Đồng Tháp (41.816).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến ngày 27/12 là 31.418 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm; Tổng số ca tử vong xếp thứ 27/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 131/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN). [1]

Những con số trên đã phần nào cho thấy những đau thương, mất mát mà đất nước trải qua, là "cơn sóng" lớn mà ngành y nói riêng và xã hội nói chung đã và đang phải đối mặt.

Ngành y tế và toàn xã hội đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN)

Ngành y tế và toàn xã hội đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch Covid-19. (Ảnh: TTXVN)

Trước đó, trong khoảng thời gian đỉnh dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, toàn ngành y tế đã phải nỗ lực huy động nhân lực, vật lực chiến đấu với dịch bệnh.

Bộ Y tế đã hiệu triệu hơn 80 ngàn cán bộ, nhân viên y tế tham gia vào cuộc chiến chống dịch, trong đó gần 25 ngàn y, bác sĩ khắp nơi trong cả nước đến chi viện Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Cùng với đó là sự góp sức của hàng ngàn chiến sĩ bộ đội, công an trên các mặt trận chống dịch.

Trước tình thế cấp bách do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Y tế quyết định thành lập 12 trung tâm hồi sức cấp cứu (ICU) quốc gia, với tổng hơn 2.000 giường. Có hơn 13 ngàn trạm y tế lưu động được lập cùng lúc để điều trị cho hơn 1 triệu F0 tại nhà.

Ứng phó với đại dịch Covid, vaccine được xem là vũ khí hiệu quả nhất. Bộ Y tế đã tiến hành triển khai thực hiện “chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử quốc gia”. Bắt đầu từ ngày 8/3, đến nay cả nước đã tiêm hơn 144 triệu liều, trong đó gần 77 triệu mũi 1, hơn 65 triệu mũi 2, hơn 2,2 triệu mũi 3.

Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện quyết liệt, cho đến thời điểm hiện tại, đại dịch Covid-19 đã được kiểm soát phần nào, đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã và đang phục hồi nhanh chóng.

Dẫu vậy, với số ca nhiễm trong từng ngày vẫn đang ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh vẫn luôn là mối lo ngại lớn. Ngày 28/12, Bộ Y tế đã có thông báo về trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, cuộc chiến chống dịch đặt ra thách thức mới cho ngành y tế cũng như toàn dân, toàn xã hội.

Nhiều sai phạm nghiêm trọng liên tiếp làm “dậy sóng” xã hội

Nhìn lại một năm qua, bên cạnh những nỗ lực, đóng góp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19, ngành y tế cũng đối mặt với không ít “sóng gió” khi hàng loạt bác sĩ, cán bộ trong ngành vướng vào vòng lao lý. Những vụ bê bối trong ngành y, những bác sĩ, cán bộ bị khởi tố, tạm giam là những câu chuyện đau lòng đã xảy ra trong năm 2021. Đau lòng hơn khi nhiều vụ việc xảy ra có liên quan đến cuộc chiến chống dịch vốn đã quá nhiều khó khăn, gian nan, mất mát, đau thương.

Trong những ngày cuối năm, thông tin 2 cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hải Dương bị khởi tố vì liên quan đến vụ thổi giá kit test của Công ty Việt Á đã gây phẫn nộ trong dư luận.

Cụ thể, ngày 17/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tổ chức đấu tranh chuyên án với đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) và các đơn vị, địa phương có liên quan.

Đối tượng Phan Quốc Việt (áo đen) và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an)

Đối tượng Phan Quốc Việt (áo đen) và đối tượng Phạm Duy Tuyến - Cựu Giám đốc CDC Hải Dương. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an)

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit test Covid-19 cho CDC Hải Dương với tổng giá giá trị 151 tỷ đồng. Giám đốc Công ty Việt Á đã chi tiền hoa hồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương số tiền gần 30 tỷ đồng.

Cơ quan công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương và Nguyễn Mạnh Cường - nguyên Kế toán trưởng CDC Hải Dương.

Đáng lo ngại hơn khi công ty Việt Á đã bán kit test cho hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, với tổng số tiền thu về lên đến 4.000 tỷ đồng. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng điều tra.

Ngày 9/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trước đó, ngày 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Tuấn bị khởi tố liên quan đến Vụ án vi phạm quy định đấu thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội khi ông còn làm Giám đốc.

Vụ việc này đã khiến nhiều người không khỏi xót xa, đau lòng khi một vị bác sĩ tài năng vướng phải vòng lao lý.

Liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, đến nay Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 9 bị can. Trong đó, 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư).

Trong tháng 11/2021, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm và các đơn vị liên quan" đang được điều tra.

Kết quả điều tra vụ án xác định, ông Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Cũng trong năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam hàng loạt cán bộ Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can, gồm: Nguyễn Minh Khải, Giám đốc; Võ Thị Chinh Nga, Phó Giám đốc; Phí Duy Tiến, nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Quốc Toản, nguyên Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức để điều tra vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến tháng 11, tiến hành điều tra mở rộng, căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan công an đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam 4 đối tượng là cán bộ, viên chức Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự. 4 đối tượng có Nguyễn Trí Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thị Bích Hạnh - Trưởng Phòng Tài chính - Kế toán Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Đỗ Nguyên - Trưởng Khoa Tổng hợp Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh, Lương Ngọc Tuấn - Phó trưởng Khoa Khám mắt Bệnh viện Mắt Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tháng 3/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 BLHS xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, trong đó có nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi; Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu; các đối tượng: Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh, đều là nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ.

Kết quả điều tra xác định, các đối tượng này có hành vi vi phạm đấu thầu trong quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu số 1, cung cấp hệ thống DSA hai bình diện cho Bệnh viện Tim mạch Thành phố Cần Thơ và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư. Bước đầu xác định thiệt hại do các bị can gây ra khoảng 13 tỷ đồng.

Tháng 1/2021, Cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai Lý Thị Ngọc Thuỷ.

Trước đó, trong năm 2020, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện; ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Trong một năm đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi đại dịch Covid-19 gây ra, hàng ngàn y bác sĩ căng mình chiến đấu với dịch bệnh thì những sai phạm liên tiếp đó thực sự là những "vệt xám" trong bức tranh toàn cảnh của ngành Y.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/ngay-27-12-ca-nuoc-co-14-872-ca-mac-covid-19-rieng-ha-noi-1-948-ca

Linh Trang