Con chữ bên lề phố và ước mơ của “rồng phun lửa”

30/05/2019 06:59
Vũ Ninh
(GDVN) - Trần Minh Thuận (14 tuổi) lấy từ trong ống bơ một chiếc dao lam. Chẳng nói chẳng rằng, Thuận nhét thẳng cây dao lam đó vào miệng và nhai rau ráu.

Những con chữ bên lề đường

Đêm, con phố Tây Bùi Viện (thành phố Hồ Chí Minh) trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Dọc con phố cơ man là người: Tây, ta, tàu đủ cả. Trên con phố này có một thứ nghề gọi là nghề diễn xiếc thổi lửa.

Con chữ bên lề phố và ước mơ của “rồng phun lửa” ảnh 1“Cánh én hồng” nơi phồn hoa phố thị lặng lẽ lan tỏa yêu thương tới vùng cao

Những đứa trẻ Việt Nam còm nhom, làn da đen nhẻm tụ tập nhau tại một góc phố nơi có những quán bar rực rỡ đèn Led.

Hai anh em Thuận và Tiến theo chân bà ngoại làm nghề diễn xiếc, thổi lửa mua vui.

Mùi xăng loang lổ ám vào cơ thể chúng, ám vào số phận 2 đứa trẻ nghèo.

Thuận 14 tuổi, Tiến 12 tuổi, cả hai đứa trẻ đều nghỉ học vì nghèo.

Thuận lấy từ trong ống bơ một chai xăng, hai cái đuốc tự chế (đuốc tự chế là 2 thanh kim loại bên ngoài quấn chỉ) và một cái bật lửa.

Thuận cứ nhằm nơi đông người nhất, nhiều Tây nhất mà hò hét. Nó ú ở chỉ vào chai xăng rồi chỉ vào miệng mình đại ý rằng nó chuẩn bị biểu diễn, hãy chú ý theo dõi. Tiếng cổ vũ của du khách kích thích thính giác khiến nó càng hưng phấn hơn.

Thằng Tiến lẽo đẽo theo sau anh. Cái dáng của một đứa trẻ nghèo không lẫn đi đâu được: Khuôn mặt nó quắt lại vì thiếu ăn, hai mắt trố ra, cái áo màu cháo lòng dài chạm gối. Tiến cầm trên tay một chiếc ống bơ để đi xin tiền.

Cậu bé Thuận chuẩn bị biểu diễn màn thổi lửa (Ảnh: Vũ Ninh)
Cậu bé Thuận chuẩn bị biểu diễn màn thổi lửa (Ảnh: Vũ Ninh)

Làm trò một lúc, tiết mục chính bắt đầu. Thuận hít hơi, căng bụng uống một ngụm xăng to. Đôi bàn tay gầy đét gõ gõ hai cây đuốc tự chế vào nhau nghe vui tai.

Nó châm lửa hướng miệng vào cây đuốc. Phụt! Một ngọn lửa kéo từ vành môi của nó dài cả mét. Ngọn lửa sáng rực một góc phố.

Khách Tây thích thú ném những cái nhìn hiếu kì về phía 2 chú “rồng lửa”. Trái lại nhiều người Việt lại tỏ ra khó chịu trước màn biểu diễn này.

Trong mắt họ chúng chỉ là những đứa trẻ nghèo đang diễn xiếc để kiếm tiền.

Thằng Tiến gõ gõ cái ống bơ vào từng quán, đến từng bàn xin tiền. Người cho, người chửi.

Nó không nghe, không bận tâm mà cứ lầm lũi như con rùa chầm chậm qua từng bàn, từng bàn. Nó không xin càng không năn nỉ. Ai cho thì cho.

Nhiều người thương hại cho 10.000 đồng, 50.000 đồng. Nhiều người không thích họ mắng xối xả: “Hù chết tao hả mậy”.

Xong!Hai anh em ra góc đường ngồi . Lúc này tôi mới có dịp được nhìn rõ khuôn mặt của hai đứa trẻ.

Màn phun lửa của những đứa trẻ không được đi học trên phố Tây Bùi Viện (Ảnh: Vũ Ninh)
Màn phun lửa của những đứa trẻ không được đi học trên phố Tây Bùi Viện (Ảnh: Vũ Ninh)

Khuôn mặt buồn và u ám như cuộc đời của chúng nó vậy. Tuy nhiên đôi mắt rất sáng và lanh lợi.

“Các em không đi học hay sao mà ra đây thổi lửa?” - tôi hỏi

Thằng Thuận trả lời, khuôn miệng vẫn còn ám mùi xăng: “Em không. Hồi nhỏ em có học lên năm lớp 2 thì cả bố và mẹ đều mất nên em phải nghỉ học.

Sau đó theo ngoại lên Sài Gòn kiếm ăn. Còn riêng thằng Tài thì không đi học từ nhỏ. Ở nhà ngoại dạy cho vài chữ nó cũng chỉ biết viết mỗi tên”.

Thuận và Tài là hai anh em ruột mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Lên 8 tuổi cả hai theo bà ngoại nên Sài Gòn kiếm ăn.

Bà ngoại làm nghề bán vé số dạo còn hai anh em theo học được một ông thầy có truyền cho nghề thổi lửa.

Kể từ đó đến nay, Thuận và Tài xách theo cái ống bơ đựng đồ nghề lê la kiếm ăn khắp Sài Gòn.

Thuận kể: “Em sống với bà ngoại ở đường Trần Xuân Soạn, ba mẹ mất cả rồi. Ngày nào cũng có anh làm chung đưa bọn em đến đây bằng xe máy.

Lúc nào diễn xong thì qua hốt. Em làm chung với mấy đứa, bọn em chia nhau thời gian để làm. Em làm từ 8-9 giờ tối ở Vĩnh Khánh rồi nhường cho đứa khác”.

Thổi lửa, nhai dao lam và nuốt than đỏ là những màn biểu diễn thịnh hành và cũng đáng sợ nhất. Thuận chìa môi để chỉ những vết phỏng, vết xước do xăng và dao lam gây ra.

Cái lưỡi của nó chằng chịt những vết dao lam cứa. Cái môi phều và xung quanh vành môi thâm lại do dầu, do xăng.

Thuận kể về những lần bị tai nạn: “Anh nhìn miệng em bị phỏng rộp đây này. Có một vết thẹo do thổi lửa.

Hồi đầu em thổi dầu thì đỡ bị sau chuyển sang thổi xăng vì vết lửa do xăng nó kéo dài hơn, đẹp hơn.

Nhưng phun xăng thì nó bắt lửa nhanh, tránh không kịp. Nuốt dao lam hay nuốt than thì không cẩn thận có thể bị bỏng hoặc đứt lưỡi. Em tập mất mấy tháng mới làm được như vậy”.

Miệng Thuận bị phỏng rộp do thổi dầu, xăng, nhìn rất rõ (Ảnh: Vũ Ninh)
Miệng Thuận bị phỏng rộp do thổi dầu, xăng, nhìn rất rõ (Ảnh: Vũ Ninh)

Số tiền hai anh em kiếm được phải nộp lại cho những người quản lý mà các em gọi là hai đèo:

“Bọn em làm có người theo dõi hết đó. Họ cải trang nên anh tưởng là xe ôm. Hôm đầu gặp em không dám nói chuyện với anh bởi vì có người đang theo dõi bên kia đường.

Bọn em được dặn là không nói chuyện với người lạ. Ai hỏi gì chỉ dạ vâng thôi và không được nhắc đến hai đèo.

Hôm bữa có thằng trong nhóm được cho 50.000 đồng. Về nó không nộp lại bị lôi ra ngoài uýnh.

Nhiều hôm không làm được nhiều tiền cũng bị uýnh. Còn nếu làm được thì bọn em phải nộp về cho hai đèo. Hai đèo 7 đồng, bọn em 3 đồng”.

Trong câu chuyện với những đứa trẻ bên lề đường, khi nhắc đến hai từ đi học, đôi mắt Thuận lại reo lên:

“Em muốn đi học lắm. Hồi còn được đi học em quen rất nhiều bạn và rất vui.

Mong ước bây giờ của em là có thể đi học lại và thằng Tài có thể được đi học”.

Lạ thay! Thi thoảng trong câu chuyện hai anh em thằng nhỏ lại phát âm một vài câu bằng tiếng Anh. Tài cũng có dịp trổ tài bằng một vài từ tiếng Anh đơn giản.

Một nhóm tình nguyện của sinh viên khi bắt gặp hai anh em phun lửa trên phố tây Bùi Viện đề nghị giúp đỡ. Hai đứa trẻ chỉ yêu cầu có quần áo mới và được dạy tiếng Anh, dạy chữ.

Thuận tâm sự: “Thực ra bọn em học tiếng Anh là để xin tiền. Ở đây toàn người nước ngoài nên muốn xin tiền của họ thì phải biết tiếng Anh.

Các anh chị đêm nào cũng ra đây nói chuyện với bọn em. Các anh chị hỏi em thích gì?

Em nói em muốn học tiếng Anh để nói chuyện với người nước ngoài.

Và thế là các anh chị dạy một số câu giao tiếp cơ bản. Cả em và Tài đều nói được”.

Nói đến đây, cậu bé không ngừng thao thao bất tuyệt. Học tiếng Anh vui lắm, được đi học là tuyệt vời nhất.

Đôi mắt trầm buồn nhưng rất lanh lợi nhìn xa xăm. Trước con chữ, trước những ước mơ, mọi đứa trẻ đều đáng yêu, đều trong sáng đến lạ lùng.

"Rồng mẹ" thổi lửa quyết tâm không để con thất học

Khu phố Tây Bùi Viện không chỉ có 2 chú rồng nhỏ là Thuận và Tài mà còn có một mẹ rồng khác rất nổi tiếng.

Chị tên Sáu đã từng lên báo chí nhiều lần với bộ ảnh phun lửa ấn tượng. Gặp chị giữa đời thường.

Con chữ bên lề phố và ước mơ của “rồng phun lửa” ảnh 5Những học trò nghèo của tôi ngày ấy và bây giờ…

Khuôn người nhỏ thó xách theo cái ống bơ cùng bộ đồ nghề. Theo sau chị là 2 cậu con trẻ.

Đứa lớn tên Nghĩa, đứa nhỏ tên Minh.

Nghĩa và Minh theo mẹ lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn hoa lệ.

Nhà chị Sáu khổ, khổ cùng cực. Một gia đình với 3 thế hệ bám lấy những vỉa hè, viên gạch của con phố tây Bùi Viện. Mẹ chị đi bán vé số, bán kẹo cùng một đứa cháu ngoại.

Chị Sáu và hai đứa nhỏ đi theo lửa, diễn xiếc. Thằng Minh từ xa chạy hớt hải. Cái dáng người nhỏ của nó chạy như con loăng quăng. Có việc gì mà nó chạy gấp thế?

“Mẹ, công an” – thằng Minh gọi với. Chị Sáu giật mình bỏ dỡ màn biểu diễn vơ vội bộ đồ nghề hốt hoảng chạy. Phía sau là hai cậu con trai cũng chạy theo mẹ.

Đó là một cuộc chạy công an điển hình mà Minh và Nghĩa từng thực hiện đến cả trăm lần.

Số là trật tự phường và công an nếu thấy những người hành nghề diễn xiếc phun lửa thì sẽ tịch thu và bắt lên phường. Cho nên tối nào cũng đôi bận, ba mẹ con lại dắt díu nhau như chạy tị nạn.

Chị Sáu biểu diễn trên phố Tây Bùi Viện (Ảnh: Vũ Ninh)
Chị Sáu biểu diễn trên phố Tây Bùi Viện (Ảnh: Vũ Ninh)

Chị Sáu dừng ở một con hẻm cách phố Bùi Viện khoảng 500 mét. Theo sau Minh và Tài cũng theo kịp mẹ.

Chẳng còn hơi sức đâu chị ngồi phệt xuống. Hai đứa nhỏ thở hổn hển, cái bụng lép kẹp vì đói.

Chị Sáu trầm ngâm đốt 1 điếu thuốc kể về cuộc đời mình: “Em thấy không? Làm cái nghề này cực và nguy hiểm lắm.

Chị làm vì khổ quá, giờ có đi xin việc ở đâu thì người ta cũng yêu cầu giấy tờ, tối thiểu là cái chứng minh thư mà mình cũng không có.

Nên mình phải làm để duy trì cuộc sống và cho hai đứa nhỏ ăn học”.

“Sao chị dắt díu hai đứa ra đây làm chi cho cực?”- tôi hỏi

Chị Sáu bảo: “Chị cũng đâu có muốn đưa chúng nó ra đây làm chi cho cực. Nhưng ở nhà thì không có ai trông, bà ngoại cũng đi bán kẹo, bán vé số.

Cho chúng nó ra đây nó còn cảnh báo được mình khi có công an đuổi. Đôi khi người ta thấy cũng cho thêm mấy mẹ con”.

Tuy vất vả là thế nhưng chị Sáu không bao giờ chấp nhận để con phải nghỉ học: “Có chết, có đi ăn mày chị cũng phải cho chúng nó đi học. Được cái cả 2 đứa đều học giỏi.

Chị bảo các con học giỏi sau này không phải khổ như mẹ. Chúng nó ngoan và hiếu thảo lắm. Cả 2 đứa đều hiếu học”.

Dù vất vả đến đâu tấm lòng người mẹ luôn cố gắng cho con được đi học (Ảnh: Vũ Ninh)
Dù vất vả đến đâu tấm lòng người mẹ luôn cố gắng cho con được đi học (Ảnh: Vũ Ninh)

Nhắc đến học, câu chuyện 3 người trở nên sôi nổi hơn. Thằng Nghĩa khoe năm nay được học sinh giỏi lại còn được đi thi hát.

Không chịu kém cạnh thằng út Minh cũng sôi nổi:“Con đi học có rất nhiều bạn.

Có hôm có bạn còn cho sữa, cho thịt gà. Ở trường các cô bảo mẹ nếu thiếu tiền đóng học thì bảo cô, cô cho.

Đi học con thích lắm. Năm nay con được học sinh giỏi nên được tặng tập vở mới và bộ bút vẽ”.

Nhìn 2 đứa nhỏ tranh nhau khoe thành tích, tấm lòng người mẹ cũng cảm thấy vui lây:

“Đời mình đã khổ, đã thất học rồi thì không thể để con mình thất học được. Tôi vẫn dạy các con phải chịu khó học trước hết để có văn hóa sống.

Đời mẹ đã lớn lên trong một môi trường thiếu sự giáo dục nên nó cũng đã rẽ sang một hướng đi khác.

Vì thế các con phải học để tránh sau này không vấp phải con đường mẹ đã đi”.

Chị Sáu còn kể nhiều câu chuyện khác xung quanh cái sự học của con. Hằng ngày chị đều đưa con đến trường và ở đó đợi đón về. Chị không dám đi lại nhiều vì sợ ...tốn tiền xăng.

Chị cũng lo năm sau đứa con trai lớn hết cấp 1 sẽ không được học ở trường tình thương nữa như vậy học phí sẽ tăng lên nhiều. Chị cũng lo cho sức khỏe của mình khi tiếp tục làm công việc này:

“Cái mùi xăng, dầu nhiều người ngửi còn thấy buồn nôn mà mình phải ngậm, nuốt. Nhiều khi sợ bị ung thư vòm họng”.

Nói đoạn chị Sáu vuốt ve phẳng phiu từng đồng tiền. Số tiền này dùng để chuẩn bị sang năm học mới của 2 cậu con trai.

Trong cái hẻm tối tăm như ngã rẽ của cuộc đời chị. May sao người mẹ này vẫn nhận ra được ánh sáng cuối con đường. Ánh sáng đó chính là: Giáo dục.

Vũ Ninh