Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bài học sâu sắc cho thế hệ trẻ (2)

13/07/2021 05:50
Đặng Vũ Ngọc Mai - Lớp 10 Sử - Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam
GDVN- Tự học chính là một loại năng lực đặc biệt và thể hiện rất rõ ở những bậc vĩ nhân, những danh nhân lẫy lừng, trong đó có Bác Hồ vĩ đại.

(Tiếp theo kỳ 1)

Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuộc đời của Bác là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, để vươn lên, để không chỉ giúp ích cho bản thân mà còn làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc.

Có thể nói, “tự học” chính là một loại năng lực đặc biệt và thể hiện rất rõ ở những bậc vĩ nhân, những danh nhân lẫy lừng, trong đó có Bác Hồ vĩ đại.

Nhà Bác tại làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Nhà Bác tại làng Sen, Nam Đàn, Nghệ An. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên hoạt động là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở làng Hoàng Trù, còn quê nội ở làng Kim Liên (hay còn gọi là làng Sen), thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho.

Khi sinh ra, Bác được đặt tên là Nguyễn Sinh Cung (hay Côn), sau này lớn lên đi học thì đổi là Nguyễn Tất Thành.

Hành trình học hỏi của Người bắt đầu ngay từ thuở ấu thơ, khi được nuôi dạy trong sự yêu thương, chăm sóc của ông bà ngoại và cha mẹ, được thừa hưởng những truyền thống tốt đẹp của quê hương xứ Nghệ vốn cần cù chịu khó, hiếu học, tình nghĩa và kiên trung.

Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, ham hiểu biết, thích mày mò tìm hiểu, thích nghe chuyện và hay hỏi người lớn những điều thắc mắc, thích khám phá sự vật hiện tượng mới lạ.

Rồi mẹ mất sớm, cha lo việc quan trường, dạy học, có lúc còn phải đi xa nên có thể nói sự trưởng thành của Người phần nhiều là do tự lập.

Lớn thêm chút nữa, Nguyễn Tất Thành được gửi đi học chữ Hán với các bậc trí thức yêu nước như thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và sau là thầy Trần Thân. Từ đây, đức tính ham học hỏi của Nguyễn Tất Thành ngày càng phát triển.

Dần dần, qua những buổi đàm đạo của các nhân sĩ, cậu thanh niên đã sớm nhận thức được thời cuộc và nỗi thống khổ của người dân nô lệ. Có thể nói, những tri thức Người học hỏi được trong thời niên thiếu phần nhiều là do tự học, tự tích lũy mà nên.

Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Vinh. (Ảnh tư liệu)

Trường Tiểu học Pháp - Việt tại Vinh. (Ảnh tư liệu)

Những năm 1903 - 1904, Nguyễn Tất Thành theo cha đi khắp nơi làm quan, dạy học, gặp gỡ các sĩ phu, từ vùng Thanh Chương - Nghệ An, vùng Đức Thọ - Hà Tĩnh, đến cả vùng Kiến Xương - Thái Bình và tiếp tục học chữ Hán.

Ngoài thời gian học tập, cậu thanh niên còn được cha dẫn đi thăm các di tích, miếu thờ…, được nghe cha chuyện trò, bàn luận với các bậc trí thức khác.

Khoảng tháng 9 năm 1905, Nguyễn Tất Thành theo học lớp dự bị (préparatoire) của trường tiểu học Pháp - thành phố Vinh, là nơi mà Người đã lần đầu tiên tiếp cận với nền văn minh nước Pháp với khẩu hiệu nổi tiếng là Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

Những chuyến đi này không chỉ giúp cậu thanh niên xứ Nghệ nâng cao tinh thần hiếu học, tự học mà còn mở rộng thêm tầm nhìn, nâng cao tầm suy nghĩ.

Càng đi nhiều, hiểu rộng, Người nhận thấy dân mình thật cùng khổ, và nỗi thống khổ đó đã thôi thúc thành ngọn lửa đấu tranh chống lại đô hộ áp bức ở mỗi người dân, trong đó có người thanh niên ôm hoài bão lớn là đánh đuổi quân xâm lược để giải phóng quê hương đất nước, đồng bào.

Trường Quốc học - Huế. (Ảnh tư liệu)

Trường Quốc học - Huế. (Ảnh tư liệu)

Năm 1908, Nguyễn Tất Thành thi đậu và vào học trường Quốc học Huế. Đây là khoảng thời gian mà cậu thanh niên được ảnh hưởng nhiều bởi các tư tưởng văn minh tiên tiến và tinh thần yêu nước từ các thầy giáo Việt Nam như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến và cả thầy giáo Pháp; từ các ấn phẩm, sách báo tiến bộ.

Từ đó ý định vượt qua khỏi không gian trường lớp, tự đi tìm hiểu nhân tình thế thái và học hỏi các thành tựu của các nước phát triển trên thế giới đã được hình thành và thôi thúc trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.

Trường Dục Thanh, Phan Thiết. (Ảnh tư liệu)

Trường Dục Thanh, Phan Thiết. (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1909, Nguyễn Tất Thành tiếp tục học chương trình lớp cao đẳng tại Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.

Sau khi tốt nghiệp, Người không theo cha trở về Huế mà quyết định tự mình xuôi xuống phía Nam và dừng chân ở Phan Thiết làm trợ giáo ở Trường Dục Thanh, ngôi trường do các con trai cụ Nguyễn Thông, một bậc chí sĩ yêu nước thành lập năm 1907.

Đây là khoảng thời gian Nguyễn Tất Thành tranh thủ tự đọc thêm rất nhiều kiến thức bổ ích từ những cuốn sách trong tủ sách của trường.

Dòng lịch sử đã cho thấy rằng, ngay từ khi còn trai trẻ, Bác đã nuôi dưỡng ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Các tư tưởng cấp tiến của các nhà tiến bộ khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu) càng thôi thúc cậu thanh niên ưu tú ra đi tìm con đường chân lý để giải phóng dân tộc.

Từ đây, Người luôn không ngừng học hỏi, không ngừng quan sát, không ngừng tự trau dồi thêm kiến thức, vốn sống của bản thân để thực hiện ước mơ và lý tưởng cao cả vì Tổ quốc trong trái tim mình.

Lịch sử ghi nhận Nguyễn Tất Thành sinh ra trong thời kỳ nước ta bị đô hộ bởi chính quyền thực dân Pháp với các hình thức thống trị khác nhau ở Bắc - Trung - Nam Kỳ.

Mang trong mình dòng máu quê hương bất khuất anh hùng, Nguyễn Tất Thành đã sớm có chí “đánh đuổi dân Pháp, giải phóng đồng bào”.

Qua thời gian, nhìn lại các phong trào yêu nước, khởi nghĩa, cải cách diễn ra sôi nổi rồi thất bại, mặc dù rất ngưỡng mộ các bậc tiền bối như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh…, Người hiểu rằng đó không phải là con đường đúng đắn để mang lại độc lập cho nước nhà.

Sự khủng hoảng về đường lối đấu tranh đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tìm con đường cứu nước mới, là tiền đề cho Nguyễn Tất Thành ra đi vượt trùng khơi ở tuổi 21, là biểu hiện của sự quyết tâm và tinh thần tự học, học để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi bóng đêm nô lệ, cực khổ, lầm than.

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ cảng Sài Gòn Người bắt đầu cuộc hành trình dài 30 năm để tìm đường giải phóng đất nước, cởi ách nô lệ cho nhân dân, và đó là cuộc hành trình thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc.

Bến Nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu)

Bến Nhà Rồng - Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu)

Với trí tuệ hơn người và khả năng cảm nhận sáng suốt qua quá trình tự suy ngẫm và đúc rút, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định đặt chân lên đất Pháp, đất nước đang phát triển vào bậc nhất châu Âu về mọi mặt, nơi được mệnh danh là vùng đất của “tự do, bình đẳng, bác ái”. Năm 1923, trong cuộc trao đổi với một nhà báo Liên Xô, Người kể: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái… Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn náu sau những chữ ấy”.

Lần khác, Bác chia sẻ với một văn sĩ người Mỹ: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Bác đã tự đúc rút cho mình một phương hướng tư duy và hành động rất cụ thể, đó là muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, hiểu xem đất nước họ thế nào, nhân dân họ đang sống ra sao, có thực sự được hưởng “tự do, bình đẳng, bác ái” hay không.

Sau này cũng vậy, Người đã đi nhiều nơi trên thế giới, qua cả Anh, Mỹ, những nước được coi là tượng đài của sự phồn vinh để học hỏi tìm ra con đường cách mạng chân chính cho dân tộc.

Khi ra đi, không có bậc tiền bối nào hướng dẫn, giúp đỡ, không có bậc cao nhân nào kêu gọi, chỉ dạy, Bác chỉ đem theo lòng yêu nước thương dân, ý chí tự lực tự cường và tinh thần học hỏi không ngừng nghỉ để quyết tâm giải phóng đất nước khỏi đêm trường nô lệ.

Nói về con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khả năng và quyết tâm học ngoại ngữ của Bác đã trở thành một giai thoại lịch sử và bài học quý báu. Người học ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào có thể. Cách học tiếng nước ngoài của Bác rất sáng tạo và kiên trì.

Để thuộc từ mới, Người có thể viết vào mảnh giấy dán lên chỗ dễ thấy, viết lên cánh tay, nhẩm lại khi đi đường, thậm chí viết cả xuống chăn trước khi đi ngủ.

Học từ rồi đến ghép câu, học bài rồi đến luyện tập, cứ như thế Bác đã nhanh chóng thành thạo để rồi có thể viết báo, biên sách bằng tiếng nước ngoài.

Trải qua thời gian tự học không ngừng, Bác đã đọc thông viết thạo được rất nhiều thứ tiếng. Cho đến nay chưa ai có thể chỉ ra chính xác Chủ tịch Hồ Chí Minh biết bao nhiêu ngoại ngữ nhưng theo như hoạ sỹ Êrich Giôhamxơn (Thuỵ Điển) thì Bác biết tới 28 thứ tiếng.

Quá trình học tập của Bác luôn song hành cùng chặng đường mưu sinh vất vả để sống và hoạt động ở đất khách quê người.

Làm nghề gì Người cũng không nề hà, khi thì cào tuyết, đốt lò, đổ than trong trường học, lúc làm phụ bếp ở khách sạn…, ở thì nơi phòng trọ rẻ tiền, ăn uống thì giản tiện chỉ với bát cơm, miếng bánh, sưởi ấm bằng viên gạch để từ sáng trong lò bếp...

Những câu chuyện về quãng thời gian khó nhọc, vất vả để sinh sống, làm việc ở nước ngoài của Bác đã đi vào lịch sử, giai thoại mà gần như người dân Việt nào cũng ghi nhớ.

Chỉ với vài quyển sách và cây bút chì, Người học ở mọi lúc mọi nơi, thậm chí còn ra cả vườn hoa Hay-đơ (Hyde Park) ở Luân Đôn ngồi học vì “ở đấy lạnh không buồn ngủ”, có thể tập trung học.

Cách tự học của Bác rất phong phú, đa dạng, đi làm nửa ngày, còn nửa ngày thì dành thời gian lên thư viện, dự các buổi tọa đàm, mít tinh về chính trị, thuộc địa, giai cấp...

Bác còn chịu khó làm quen, học hỏi từ những chính trị gia, những văn sĩ để nâng cao kiến thức chính trị, lịch sử, văn hóa, xã hội, cũng như tăng cường vốn từ ngữ nước ngoài của mình.

Ở Pháp, Nguyễn Tất Thành cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ giúp đỡ trong quá trình tự học tập của mình.

Nhờ nghị sĩ Quốc hội Pháp P.V.Couturier, Bác có thẻ đọc ở thư viện để tiếp cận nghiên cứu nhiều sách vở, tài liệu giá trị cho việc đấu tranh chính trị.

Trong gần chục năm ở Pháp, Bác đã tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình.

Sau một thời gian tự học miệt mài, với trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, Nguyễn Tất Thành dần dần tập viết báo, từ đoạn báo ngắn đến bài báo dài và sau một thời gian ngắn đã trở thành nhà báo có tiếng tăm ở Paris, là chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ).

Báo Người cùng khổ và tranh châm biếm của báo do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ. (Ảnh: Baotanglichsu.vn)

Báo Người cùng khổ và tranh châm biếm của báo do nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc vẽ. (Ảnh: Baotanglichsu.vn)

Ngoài ra, Người còn đăng bài trên nhiều tờ báo khác như Thư tín Quốc tế, Đời sống công nhân... Các đề tài được viết ra chủ yếu xoay quanh nội dung đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân xâm lược, lên tiếng đòi quyền lợi, quyền tự do, bình đẳng cho giai cấp cần lao.

Đỉnh cao là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột từ nhà cầm quyền Pháp đã thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao của quá trình tự học của Bác.

Để làm phong phú hơn nhãn quan chính trị của mình, Nguyễn Tất Thành không chỉ dừng chân ở Pháp mà còn đi khắp Châu Âu, đến Ý, Đức, Thụy Sĩ… và cả tòa thánh Vatican để học hỏi, mở mang tầm mắt và bổ trợ cho những kiến thức đọc trong sách vở.

Đặc biệt, Người đã đặt chân đến Liên Xô, đất nước rộng lớn của cuộc cách mạng tháng Mười vĩ đại.

Trong thời gian ở Liên Xô, Nguyễn Tất Thành đã tự học tiếng Nga, tham gia viết báo, làm việc ở Bộ Phương Đông. Bằng khả năng học hỏi không ngừng, chỉ trong một khoảng thời gian, Người đã hoàn thành chương trình học tập ở Trường Quốc tế Lênin và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc học và thuộc địa.

Có thể thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương vĩ đại cho tinh thần cầu tiến, không ngừng tự học hỏi, tìm tòi, luôn kiên trì, bền bỉ vì lý tưởng của mình.

Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Bác vẫn luôn không ngừng học, không ngừng lĩnh hội, tiếp thu tri thức mới, những tinh hoa của thế giới ở mỗi nơi đặt chân đến, để rồi từ đó đúc kết ra con đường cứu nước đúng đắn nhất cho dân tộc.

Dù gặp bao nhiêu khó khăn gian khổ, Bác vẫn không bao giờ chùn bước bởi ngọn lửa của tinh thần yêu nước, tình yêu thương đồng bào sâu sắc vẫn luôn rực sáng trong trái tim Bác, sưởi ấm Bác trên hành trình gian nan, vất vả.

Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc đã làm việc và học tập từ năm 1936 đến tháng 9/1938. (Ảnh tư liệu)

Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, nơi Nguyễn Ái Quốc đã làm việc và học tập từ năm 1936 đến tháng 9/1938. (Ảnh tư liệu)

Hành trình 10 năm (1911 - 1920) từ Việt Nam đi sang các nước Phương Tây tư bản phát triển, thậm chí là qua cả các nước thuộc địa ở châu Phi, châu Mỹ La tinh đã minh chứng cho một trí tuệ xuất sắc và tầm nhìn vượt trội của Bác để tìm ra con đường cứu nước “vô tiền khoáng hậu”.

Đi đến đâu, Người cũng tranh thủ tự học, tự nghiên cứu về tình hình diễn biến chung của đất nước họ.

Người tìm hiểu, so sánh, đánh giá các nền văn hóa, văn minh phương Tây song hành với chủ nghĩa thực dân bóc lột, đồng thời đi sâu quan sát, nắm bắt đời sống, tâm tư nguyện vọng và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là giai cấp lao động.

Trong quá trình tham gia các hoạt động đấu tranh, yêu nước ở hải ngoại, Người hiểu đến tận cùng bản chất của chế độ thực dân, chủ nghĩa đế quốc và rút ra những kết luận sâu sắc: “Ở đâu, chủ nghĩa tư bản cũng tàn ác vô nhân đạo, ở đâu, giai cấp công nhân và nhân dân lao động cũng bị bóc lột dã man. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc ở đâu cũng là thù, giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở đâu cũng là bạn”.

Người còn nhấn mạnh: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”.

Nhận định này đã thể hiện quan điểm sắc bén về bạn hữu và kẻ thù, hình thành nên luận cứ kết hợp chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng quốc tế vô sản cũng như tinh thần đoàn kết trong phong trào cách mạng ở chính quốc và thuộc địa.

Đi nhiều nơi, thấy nhiều việc, gặp nhiều người, quá trình tự học, tự trải nghiệm của người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau đổi là Nguyễn Ái Quốc) năm nào cũng vì thế mà dày nên.

Tiếp cận và khâm phục những quan điểm tiên tiến trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” của cách mạng Mỹ (1776) bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền” của cách mạng tư sản Pháp (1789), nhưng Người không đi theo các bài học lịch sử đó.

Người muốn tự tìm ra con đường cứu nước có tính toàn diện, triệt để để giải phóng các tầng lớp nhân dân khỏi bất công, áp bức, bóc lột bằng chính bàn tay lao động, khối óc mẫn tiệp, tinh thần chủ động học hỏi, tư duy cầu tiến, sáng tạo của mình.

Không thể trông chờ vào viện Nhật, thân Pháp, cầu Mỹ hay nhờ Nga, quá trình tự học, tự trưởng thành và những năm tháng bôn ba xứ người đã giúp Bác tự rút ra một tư tưởng cách mạng vô cùng đúng đắn và giá trị.

Đó là: muốn giải phóng đất nước, cứu giúp đồng bào thì phải trông cậy vào chính mình, vào sức mạnh của dân tộc, vào nguồn lực bên trong chứ không thể cầu ngoại bang, không thể chỉ trông chờ vào sự trợ giúp từ bên ngoài…

Tư tưởng đó càng minh chứng cho sự thông tuệ, nhạy cảm, sắc bén có tầm vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi còn trẻ.

Trong khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc đang hoành hành và thống trị thế giới thì ánh sáng của chủ nghĩa xã hội khoa học Mác - Lênin đã tiếp thêm sức mạnh và trở thành kim chỉ nam cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nhà hoạt động xã hội ưu tú Nguyễn Ái Quốc đã đọc Bản Luận cương của V.I. Lênin và tìm thấy chân lý sáng ngời rực rỡ cho cách mạng Việt Nam.

Nguyên Cố Tổng bí thư Trường Chinh đã khẳng định: “Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa đến với Người như một ánh sáng kỳ diệu nâng cao về chất tất cả những hiểu biết và tình cảm cách mạng mà Người hằng nung nấu”.

Quá trình tự học tập, tự rèn luyện, tự hoạt động đấu tranh bền bỉ của Người vì phong trào tiến bộ ở Pháp cùng với các trí thức, nhân sĩ, đồng bào đến từ chính quốc, thuộc địa và cả Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh từ tư tưởng cộng sản cấp tiến trong Luận cương của V.I. Lênin.

Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III) và tán thành thành lập Đảng Cộng sản Pháp, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp lần thứ XVIII được tổ chức vào tháng 12 năm 1920 ở thành phố Tua (Tours).

Đây chính là một sự kiện chính trị có tính bước ngoặt lịch sử đối với Bác và cả dân tộc, là dấu mốc quan trọng trong việc chuyển từ một người yêu nước có lý tưởng thành một người cộng sản chân chính, chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa Mác - Lênin, đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình tự học và tự đi tìm đường cứu nước của Bác.

Từ năm 1921 đến đầu năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã dành toàn bộ tâm huyết, công sức của mình để nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, đồng thời tìm hiểu những học thuyết khác, kết hợp với xu thế, trào lưu, sự vận động và yêu cầu của lịch sử để xây dựng một con đường giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ, phù hợp với tình hình và bối cảnh Việt Nam.

Con đường cứu nước đi theo chủ nghĩa xã hội của Nguyễn Ái Quốc chính là minh chứng rõ nét cho quá trình tự học, tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, tự trải nghiệm và tự đúc kết của Bác.

Bác đã vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của Việt Nam để cứu nước, cứu dân chứ không dập khuôn máy móc, đó chính là đỉnh cao của sự tự học, tự phát triển và áp dụng linh hoạt những tri thức lĩnh hội.

Cũng trong thời gian này, Bác đã tích cực truyền bá về Việt Nam những lý luận về công cuộc giải phóng dân tộc được xây dựng dựa trên con đường cách mạng vô sản của nước Nga.

Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại lớp huấn luyện tại Quảng Châu được tập hợp, in trong cuốn “ Đường kách mệnh” và bí mật gửi về nước rồi thông qua phong trào “Vô sản hóa” để truyền bá tư tưởng Mác - Lênin tới những người dân Việt Nam, đặc biệt là giai cấp công - nông và trí thức.

Kể từ đó, học thuyết Mác - Lênin và chủ nghĩa cộng sản đã đi vào phong trào yêu nước, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và trở thành phương hướng hoạt động cho cách mạng Việt Nam.

Bác đã kết luận: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

Đây là một lý luận rất ưu việt, rất tinh hoa, được hun đúc qua quá trình lao động và học tập nghiêm túc, bền bỉ, tạo nên một chủ nghĩa yêu nước của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh rất khác biệt với những bậc yêu nước tiền bối, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, là tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản và đặc biệt hơn cả là việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1930.

Đầu năm 1941, sau 30 năm gian khổ ở nước ngoài - 30 năm không ngừng tự học và tự tìm đường cứu nước, Bác đã về Việt Nam và làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa “long trời lở đất” trên cả nước, gây ảnh hưởng to lớn đến không chỉ các nước Đông Nam Á, các dân tộc, thuộc địa bị áp bức, bóc lột mà nó còn đánh dấu sự bùng nổ của con đường cứu nước theo Quốc tế thứ Ba, cách mạng xã hội chủ nghĩa từ đây được nối liền từ Âu sang Á.

Thắng lợi vang dội của cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945 chính là minh chứng của việc học tập nghiêm túc và vận dụng linh hoạt các học thuyết khoa học tiến bộ mà tiêu biểu là chủ nghĩa Mác - Lênin, của việc đúc rút kinh nghiệm từ lịch sử và của thực tế hoạt động đấu tranh của Bác, của Đảng ta trở thành hành động cách mạng triệt để.

Đây chính là thắng lợi của công cuộc vận động, giác ngộ và tập hợp quần chúng nhân dân, của chiến thuật phân hóa kẻ thù, của sách lược tận dụng thời cơ lịch sử để giành chính quyền.

Tiếp đến trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, Đảng, Bác Hồ đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về giải phóng dân tộc gắn liền với đấu tranh giai cấp, đồng thời giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dựa vào nội lực là chính, nhưng cũng khôn khéo đánh thức lương tri, phẩm giá nhân loại, đưa những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ xích lại gần và cùng đứng về chiến hào chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trên con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bác phải trải qua nhiều gian truân, chông gai mà một người bình thường khó có thể vượt qua.

Thời gian bị bắt giam tại nhà tù của chế độ Tưởng Giới Thạch cũng là một thời gian khốn cùng và đầy thử thách với Bác.

Nhưng đây cũng chính là giai đoạn Bác tự ngẫm, tự học, tự đúc rút ra các triết lý nhân sinh quý giá, cùng với tinh thần lạc quan để vượt lên khó khăn và tăng cường sức mạnh tinh thần cho bản thân và cho đồng chí, đồng bào qua tập thơ bằng chữ Hán “Ngục trung nhật ký”.

Một nhà văn học Xô viết nhận xét rằng học chữ Hán đã khó, làm được thơ thì quả thực rất hiếm có, nhiều nhà thơ châu Á khác sống cả đời ở Trung Quốc cũng chỉ viết được một số tác phẩm có tính khuôn mẫu.

Nhưng thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là một thi phẩm độc đáo, với nội dung, ý tứ sâu sắc, với ngôn từ, nhịp điệu có tính nghệ thuật cao.

Việc làm thơ trong những ngày tháng lưu đày, tù ngục nơi đất khách quê người và cả tinh thần cách mạng luôn kiên trung ngời sáng để tiếp tục dẫn dắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở trong nước cũng chính là kết quả của quá trình tự học nghiêm túc, sự gian lao khổ luyện và trau dồi bản thân một cách có kế hoạch, khoa học, và bền bỉ kiên trì đến cùng.

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện mới thành công

(Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)

Bác Hồ đã dạy: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; Học để phụng sự đoàn thể”. “Học phải có ý chí quyết tâm để phục vụ nhân dân, chứ không phải học để thăng quan, tiến chức”.

Đối với Bác, học tập chính là một nhu cầu, nguồn sống mà ngay từ thời trẻ đến mãi sau này, trải qua bao năm tháng, Người vẫn thường xuyên học tập không chút lơ là.

Cho đến khi tuổi cao, sức yếu, Bác vẫn không ngừng đọc, học, không ngừng tiếp thu cái hay, cái mới, cái có ích cho bản thân và đất nước.

Dù đã ở ngoài tuổi “thất thập cổ lai hy”, nơi Bác làm việc và nơi ở đều luôn nhiều sách báo, tài liệu.

Mọi người lo lắng cho sức khỏe của Bác nhưng Bác đã khẳng định là dù tuổi cao, dù sức khỏe không còn được như trước thì cũng phải đọc, phải học, phải nâng cao hiểu biết, phải nắm vững tình hình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rằng, “giặc dốt” đáng sợ không kém gì “giặc đói”. Con đường để Việt Nam tiến lên, để non sông gấm vóc được tươi đẹp trường tồn chỉ có thể là con đường của khoa học, tri thức, của hiểu biết.

Biết người, hiểu người - biết ta, hiểu ta, thì mới có thể đánh thắng được kẻ thù, mới giữ vị thế chủ động trên bàn đàm phán, mới có sức mạnh tuyệt đối để đi đến ngày thống nhất nước nhà.

Có thể nói, Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời, và đó chính là di sản quý báu Người để lại cho muôn thế hệ con dân nước Việt về sau.

Đặng Vũ Ngọc Mai - Lớp 10 Sử - Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam