Con số hoa hồng hậu hĩnh đại lý chiết khấu cho hiệu trưởng bán sách

04/06/2019 06:12
Vũ Phương
(GDVN) - Để bán được nhiều sách nhà trường dùng đủ chiêu trò từ việc thông báo lập lờ chỉ được chọn mua hay không mua đến giao chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm.

Dạy chữ, dạy người là chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, nhưng vài năm trở lại đây nhiều trường học trên cả nước, đặc biệt những trường ở thành phố như Hà Nội làm thêm cả việc kinh doanh, buôn bán sách.

Thời điểm nhà trường buôn bán sách vào tháng cuối cùng của năm học khi học sinh chuẩn bị bế giảng. Nhà trường sẽ phát cho học sinh thông báo đến phụ huynh đăng ký mua sách từ tháng 4 đến muộn nhất sang đầu tháng 5.

Việc đăng ký, nộp tiền mua sách của trường diễn ra rất gấp gáp và chóng vánh, phụ huynh cũng không có 2-3 ngày để quyết định nên không có thời gian tìm hiểu con lên lớp cần thiết những cuốn sách nào phù hợp cũng như có dùng sách cũ hay không…cũng không rõ.

Phụ huynh tiểu học thị trấn Yên Viên cắn răng mua sách giáo khoa giá...trên trời
Phụ huynh tiểu học thị trấn Yên Viên cắn răng mua sách giáo khoa giá...trên trời

Vì những khoản lợi nhuận mang tên “hoa hồng”, nhà trường thường bán sách theo kiểu “bia ít lạc nhiều” đưa ra một danh sách dài các đầu sách và đã cộng sẵn tổng số tiền để phụ huynh lựa chọn.

Có trường chỉ thông báo số tiền một bộ sách bao nhiêu tiền, có trường rõ ràng hơn một chút thì liệt kê từng mục đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo…Đa phần phụ huynh cắn răng, tặc lưỡi ghi tên đăng ký và nộp tiền.

Có nhiều lý do phụ huynh chấp nhận mua sách ở trường dù không hề có dòng chữ nào trong thông báo “bắt buộc” như sợ con bị để ý, trù dập, ủng hộ giáo viên chủ nhiệm được giao chỉ tiêu hay mua ngoài sợ con thiếu sách học…

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Hảo, chủ một đại lý chuyên cung cấp sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng thiết bị giáo dục cho nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội không ngần ngại cho biết: “Chúng tôi chủ yếu bán sách số lượng lớn cho các trường học chứ không bán lẻ.

Nhiều năm nay, mức chiết khấu cho các trường học có mức chung. Lấy càng nhiều mức chiết khấu càng cao. Tuy nhiên, sách giáo khoa chiết khấu thấp hơn nhiều so với vở bài tập, sách tham khảo, sách bổ trợ hay đồ dùng học tập”.

Chủ đại lý sách này cũng tiết lộ: “Nếu nhà trường lấy sách với số lượng vài trăm bộ trở lên sẽ được mức chiết khấu, hoa hồng cao. Chúng tôi cũng hỗ trợ vận chuyển sách bằng xe tải đến tận trường.

Mức chiết khấu đối với sách giáo khoa là 19% so với giá bìa. Còn sách tham khảo, vở bài tập, bộ đồ dùng học tập chiết khấu ít nhất 40%”.

Nhiều phụ huynh vì lo ngại con bị trù dập, để ý đành chấp nhận mua sách giáo khoa tại trường thay vì mua tại cửa hàng, đại lý được chiết khấu theo giá bìa. Ảnh: Vũ Phương.
Nhiều phụ huynh vì lo ngại con bị trù dập, để ý đành chấp nhận mua sách giáo khoa tại trường thay vì mua tại cửa hàng, đại lý được chiết khấu theo giá bìa. Ảnh: Vũ Phương. 

Người này cũng nhắc lại: “Mức chiết khấu trên chỉ dành cho các trường. Đó là mức chiết khấu có giá tốt nhất áp dụng cho các trường.

Để chắc chắn đơn vị đăng ký mua là trường học, người liên hệ với đại lý sách phải cho biết tên, công việc tại trường để nhân viên của đại lý liên hệ về trường xác minh”.

Người này cũng chỉ cách để trường bán được nhiều sách càng hưởng hoa hồng lớn bằng cách ngoài việc bán bộ sách giáo khoa cơ bản, phải thêm thật nhiều sách tham khảo, sách bổ trợ, đồ dùng học tập vào thành một bộ. Gần như trường nào cũng làm theo kiểu vậy và hoa hồng thu về không phải ít.

Trong khi đó, một giáo viên đang dạy tại một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ cái khó của giáo viên chủ nhiệm trong việc bán sách cho học sinh: “Gần như giáo viên phải làm một nhân viên kinh doanh sách mà không được hưởng chênh lệch.

Giáo viên chủ nhiệm lớp nào cũng tích cực mời chào phụ huynh đăng ký mua sách. Nếu phụ huynh có hỏi hay nhờ tư vấn cuốn nào cần thiết thì giáo viên phải nói theo danh sách những cuốn sách nhà trường đã liệt kê.

Trong đó có những cuốn sách, thiết bị không dùng đến, hoặc có dùng đến cũng rất ít. Dù biết lãng phí, nhưng vì được chiết khấu cao, nhiều trường vẫn bất chấp.  

Để không làm mất lòng hiệu trưởng, hầu hết giáo viên làm theo mà không dám làm trái ý. Chính vì vậy, không ít giáo viên đang trở thành cánh tay nối dài giúp hiệu trưởng bán sách cho học sinh”.

Một thông báo đăng ký mua sách gửi phụ huynh Trường tiểu học thị trấn Yên Viên gây bức xúc. Ảnh: NVCC.
Một thông báo đăng ký mua sách gửi phụ huynh Trường tiểu học thị trấn Yên Viên gây bức xúc. Ảnh: NVCC. 

Điều đáng nói, không chỉ thông báo theo kiểu lập lờ gồm cả danh sách dài đủ các đầu sách đến phụ huynh chỉ được chọn đăng ký mua sách hay không, nhiều trường còn dùng chiêu thu lại sách cũ của các em với lý do hết sức nhân văn “ủng hộ sách cho đồng bào vùng cao”.

Điều đó có nghĩa sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bổ trợ không còn, phụ huynh sẽ phải mua toàn bộ sách mới.

Một phụ huynh phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự ngỡ ngàng và khó hiểu khi sách lớp 4 con đã đăng ký mua tại trường lên đến hơn 750.000 đồng bao gồm cả bộ đồ dùng học tập, nhưng tất cả sách lớp 3 của con vừa học xong không còn quyển nào vì nhà trường tự động thu lại.

Điều vô lý, sách của phụ huynh bỏ tiền mua, nhưng việc xin lại sách nhằm ủng hộ cho học sinh vùng cao hay vì bất cứ lý do gì nhà trường phải xin ý kiến phụ huynh.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, phụ huynh mua sách giáo khoa tại các bưu điện sẽ được chiết khấu tối đa 10%.

Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, Trường tiểu học thị trấn Yên Viên  (huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội) ra thông báo đến phụ huynh nhưng không minh bạch.

Tương tự, một trường tiểu học khác là Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội) cũng ra thông báo gây hiểu lầm khiến phụ huynh chỉ có lựa chọn mua hoặc không mua cả bộ sách có giá trên 700.000 đồng.

Vũ Phương