Công việc, bằng cấp giáo viên hạng II, III na ná nhau sao lương quá chênh lệch?

28/03/2021 08:02
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giáo viên năm nay đạt các thành tích được bổ nhiệm giáo viên hạng I, II, tuy nhiên sau đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật thì có bị “tụt hạng”?

Sau khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT ban hành có hiệu lực từ 20/3/2021 thì đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên các cấp.

Về các chứng chỉ “hành” giáo viên cũng đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chỉ đạo và yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan đến các loại chứng chỉ dùng để xếp hạng giáo viên cho phù hợp nhằm giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập trong thời gian vừa qua về vấn đề này.

Rõ ràng, một số quy định trong các thông tư trên là có vấn đề, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện việc quyết định bổ nhiệm giáo viên.

Người viết tiếp tục phân tích thêm một bất cập của các thông tư nhưng ở một khía cạnh khác đó chính là việc xếp hệ số lương giáo viên ở hạng II so với giáo viên hạng III ở bậc tiểu học đến trung học phổ thông, hạng I so với hạng II của giáo viên mầm non.

Cơ sở khoa học nào để xếp hệ số lương hạng II rất cao so với hạng III? (Ảnh minh hoạ: AN)

Cơ sở khoa học nào để xếp hệ số lương hạng II rất cao so với hạng III? (Ảnh minh hoạ: AN)

Có thể nói giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông, giáo viên được xếp hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38 là quá cao so với giáo viên hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98 trong khi thực hiện nhiệm vụ là gần như như nhau, trình độ, bằng cấp cũng như nhau,… chỉ có giáo viên hạng II có thể có thêm một số thành tích như giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua,…

Còn giáo viên hạng I có yêu cầu rất cao so với hạng II và III tuy nhiên giáo viên hạng I chỉ được xếp hệ số lương từ 4,4 đến 6,38 là không phù hợp.

Tuy nhiên chỉ vì một số thành tích, chứng chỉ chức danh hạng II mà xếp giáo viên hạng II có hệ số lương rất cao so với hạng III là một bất công, người viết cho rằng cơ sở khoa học của việc bổ nhiệm, xếp lương hạng II cao hơn hạng III rất nhiều là không chắc, không hợp lý, không thuyết phục được giáo viên, không tạo động lực để giáo viên phấn đấu.

Trong bài viết sẽ phân tích các tiêu chuẩn của giáo viên hạng II so với giáo viên hạng III. Người viết xin phân tích các tiêu chuẩn của giáo viên ở bậc tiểu học (ở bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng tương tự).

Tiêu chuẩn giáo viên tiểu học hạng II và III

Tiêu chuẩn

Giáo viên tiểu học hạng III

Giáo viên tiểu học hạng II

Về nhiệm vụ

- Xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh; tham gia xây dựng kế hoạch giảng dạy, giáo dục học sinh …

- Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học và kế hoạch giáo dục của nhà trường;

- Thực hiện các phương pháp dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp tiểu học;

- Hoàn thành đầy đủ các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định; tự học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia các hoạt động chuyên môn theo yêu cầu; tham gia phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc và xóa mù chữ, giáo dục hòa nhập;

- Phối hợp với cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong giáo dục học sinh, thực hiện công tác tư vấn học sinh tiểu học;

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.

Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

- Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

- Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

- Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

- Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục tiểu học;

- Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

- Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

- Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục.

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học…

- Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (đối với giáo viên tiểu học mới được tuyển dụng vào giáo viên tiểu học hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).

Tương đương hạng III, có chứng chỉ hạng II

Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ

Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục tiểu học và triển khai thực hiện vào các nhiệm vụ được giao;

- Thực hiện giảng dạy, giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục, kế hoạch giáo dục của nhà trường;

- Vận dụng được kiến thức về giáo dục học và tâm sinh lý lứa tuổi vào thực tiễn giáo dục học sinh;

- Có khả năng áp dụng được các phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh;

- Có khả năng phối hợp với đồng nghiệp, cha mẹ học sinh và cộng đồng để nâng cao hiệu quả giáo dục cho học sinh;

- Thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng để phát triển năng lực chuyên môn bản thân; biết áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục; hướng dẫn học sinh tự làm được đồ dùng dạy học;

- Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.

Ngoài các tiêu chuẩn của hạng III, giáo viên hạng II cần có thêm các tiêu chuẩn sau:

- Vận dụng được các kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục; có khả năng đánh giá hoặc hướng dẫn đồng nghiệp làm các sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng từ cấp trường trở lên;

- Có khả năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn: tham gia ban giám khảo, thanh tra, kiểm tra; xây dựng và thực hiện được các chuyên đề dạy học;

- Được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; hoặc được nhận bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên; hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi từ cấp trường trở lên, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp huyện trở lên;

- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Từ bảng trên, rõ ràng chúng ta có thể thấy giáo viên hạng II, III là tương đương về trình độ đào tạo (cùng là đại học sư phạm hoặc tương đương), các nhiệm vụ khác tương đương, giáo viên hạng II chỉ có thêm các tiêu chuẩn, thành tích khác tuy nhiên việc đó không rõ ràng, không có bất kỳ minh chứng nào cho rằng giáo viên hạng II dạy hiệu quả hơn giáo viên hạng III.

Bên cạnh đó còn một bất cập lớn khác là nếu giáo viên năm nay đạt các thành tích được bổ nhiệm giáo viên hạng I, II, tuy nhiên sau đó nếu không hoàn thành nhiệm vụ, bị kỷ luật thì có “tụt hạng” xuống hạng III hay không? Quy định cụ thể việc “tụt hạng” này như thế nào?

Rõ ràng các thông tư này vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề, khá nhiều “sạn”. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA