CTGDPT mới khiến thầy cô không thể giữ tư duy của giáo án cũ, cách dạy cũ

04/03/2023 06:41
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Ưu điểm của CTGDPT mới là GV chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực HS, tuy nhiên, bồi dưỡng chứng chỉ để dạy tích hợp là chưa đủ.

Nhiều đổi thay phát triển năng lực, kích thích tư duy sáng tạo

Đánh giá về kết quả bước đầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tính đến thời điểm này), cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Chương trình triển khai ở khối 6, 7 và đã tạo nét mới trong dạy học; giáo viên đã chuyển hướng từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực học sinh.

Các tiết học đã có sự đổi mới khác hẳn trước đây: Tập trung vào tổ chức các hoạt động để học sinh chủ động tiếp cận kiến thức; sách giáo khoa không bị “gò” vào một bộ sách bắt buộc, các trường được chủ động hơn trong việc lựa chọn nội dung truyền tải phù hợp đến học sinh. Có những nội dung bám sát thực tế cuộc sống, nếu làm tốt thì học sinh sẽ rất hứng thú như trong Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Đồng thời, tất cả giáo viên đều thay đổi phương pháp dạy học theo định hướng mới, tạo phong trào đổi mới trong giáo dục. Học sinh được tiếp cận với những cách dạy của thầy cô phong phú, sinh động”.

Cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng đánh giá, ưu điểm lớn nhất đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính là yêu cầu đổi mới về con người.

“Khi triển khai chương trình mới, thầy cô không thể giữ tư duy của giáo án cũ, cách dạy cũ, thầy cô nào không đủ năng lực sẽ bị đào thải, không theo kịp chương trình. Và khi giáo viên thay đổi thì học sinh thay đổi, phụ huynh thay đổi...

Trong đó, chuyển biến lớn nhất là với môn Ngữ văn. Trước đây, có thể còn có chuyện giáo viên dạy đi dạy lại như những bài văn, học sinh học thuộc lòng như văn mẫu, tuy nhiên, hiện nay, giáo viên phải hướng dẫn học sinh phương pháp tiếp cận kiến thức, rèn cho học sinh cách tư duy, tức là giáo viên có thể dạy một tác phẩm nhưng học sinh sẽ học được nhiều tác phẩm, biết cách phân tích các tác phẩm khác.

Nghĩa là đối với chương trình mới, giáo viên phải đổi mới tư duy, đồng thời cũng buộc người học phải đổi mới tư duy tận gốc... Học sinh cũng tự tin hơn, có thể viết được những điều mà bản thân các em suy nghĩ, không bị bó buộc tư duy.

Tương tự với các bộ môn khác cũng vậy, đổi mới hoàn toàn về tư duy, thể hiện tinh thần học thật - thi thật, kích thích khả năng sáng tạo của học sinh” - nữ Hiệu trưởng phân tích.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Công áp dụng nhiều phương pháp trong giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Giáo viên Trường Trung học cơ sở Thành Công áp dụng nhiều phương pháp trong giờ Lịch sử và Địa lý. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về chuyên môn, cô giáo Phạm Thị Lệ Hằng - Tổ trưởng tổ Ngữ văn (Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: “Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung sách giáo khoa phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh, các thầy cô cũng vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.

Chẳng hạn, các thầy cô trong tổ thường cố gắng thiết kế một số trò chơi để thay đổi đặc trưng của môn Ngữ văn, giúp học sinh vừa chơi vừa học, xóa bỏ được tâm lý nhàm chán và giúp các em hiểu bài hơn. Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận, thầy cô cũng chú ý đưa những câu hỏi với hình thức phong phú, đa dạng hơn, để tăng hứng khởi đối với bài học”.

Một giờ Ngữ văn tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: NVCC.

Một giờ Ngữ văn tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: NVCC.

Cô giáo Lệ Hằng cũng chia sẻ thêm: “Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào, vừa tạo cơ hội cho học sinh năng động, sáng tạo, vừa giúp các em củng cố kiến thức các môn văn hóa.

Chẳng hạn, ngoài các cuộc thi viết chung với quy mô rộng rãi trên cả nước, chúng tôi còn phát động, tổ chức các hoạt động riêng như viết “Thư gửi mẹ hiền” nhân dịp 20/10..., thông qua đó, bản thân mỗi học sinh tham gia đã có sự thay đổi tích cực trong giao tiếp, ứng xử với bố mẹ, các em biết cách gần gũi hơn với gia đình, biết cách thổ lộ tình cảm yêu mến đối với bố mẹ một cách dễ dàng hơn.

Ngoài ra, hằng năm, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh viết “Cánh thư vượt sóng” gửi thư chúc Tết đến các chiến sĩ công tác ở Trường Sa... Đây là những hoạt động thiết thực, cũng là một trong những cách thức hữu hiệu để các em học sinh có thể viết lên những suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc của mình một cách chân thật, mộc mạc nhất.

Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang tổ chức cho học sinh viết thư tay chúc Tết gửi các chiến sĩ tại Trường Sa. Ảnh: NVCC.

Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang tổ chức cho học sinh viết thư tay chúc Tết gửi các chiến sĩ tại Trường Sa. Ảnh: NVCC.

Trong các giờ Ngữ văn thuộc các tháng có chủ đề, giáo viên sẽ hướng dẫn cho học sinh một số phương pháp thể hiện cho rõ ràng và có cảm xúc. Các phong trào này cũng như một phương pháp để học sinh hứng thú hơn với môn Ngữ văn... Thông qua những hoạt động tương tự, chúng tôi hy vọng, vừa giúp các em học hỏi thêm các môn văn hóa, vừa bồi đắp một nhân cách đẹp”.

Bên cạnh đó, học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang còn có một “kênh” tổng hợp và củng cố kiến thức không chỉ vận dụng đối với môn Ngữ văn, mà còn là tất cả các môn học khác, thông qua nội san mỗi tháng.

Thầy Vũ Văn Thanh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Văn Giang cho biết: “Học sinh được tham gia thiết kế nội san, với nội dung viết bài theo chủ đề từng tháng, chẳng hạn với tháng 9 là “Khai trường”, tháng 10 là “Ngày Phụ nữ Việt Nam”, tháng 11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”,... Bên cạnh đó, sẽ bổ sung thêm các kiến thức của các môn học trong tháng đó, được khái quát cơ bản để đưa vào chính nội san. Thông qua đó, học sinh có thể tổng hợp và ôn tập bằng các sơ đồ tư duy”.

Bồi dưỡng chứng chỉ không đủ sâu để dạy môn tích hợp

Bên cạnh những điểm mới tích cực mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mang lại, các nhà trường cũng gặp không ít khó khăn, cần tháo gỡ.

Trao đổi với phóng viên, cô Hoàng Thu Trinh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ những trăn trở: “Khó khăn lớn nhất chính là ở đội ngũ giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu đối với môn Khoa học tự nhiên. Mặc dù có những ý kiến cho rằng, giáo viên dạy các phân môn riêng như Hóa học, Vật lý hay Sinh học thì ở phổ thông đều đã được học đủ cả 3 môn, bây giờ khi tích hợp, có bồi dưỡng là thầy cô có thể dạy được cả ba phân môn. Tuy nhiên, kiến thức mỗi thời một khác, ở mỗi giai đoạn lại có sự cập nhật, nhất là với những kiến thức chuyên môn sâu, thì không thể chỉ thông qua một chứng chỉ tập huấn mà có thể dạy được thuần thục.

Theo tôi, đây chỉ là giải pháp đối với chương trình ở lớp 6, lớp 7, khi kiến thức chủ yếu còn cơ bản; còn đối với lớp 8 và lớp 9, kiến thức đã chuyên sâu hơn, thì thực sự rất khó để các thầy cô chuyên môn này dạy được phân môn khác. Nhất là với các thầy cô đã được đào tạo từ lâu, bây giờ để đào tạo lại cũng rất khó bắt kịp và đáp ứng chương trình”.

Tương tự, cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công cũng bày tỏ: “Đối với nhà trường, vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Giáo viên môn Khoa học tự nhiên vất vả khi chuyển từ dạy một môn được đào tạo chính quy, bài bản (trước đây), sang dạy cả những phân môn chưa được đào tạo của môn tích hợp (hiện tại), chỉ được bồi dưỡng chứng chỉ nên không sâu, vừa tìm hiểu vừa dạy, thiếu tự tin trước học trò. Giáo viên lớn tuổi, đào tạo từ trước khó bắt kịp nhanh với việc đổi mới.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công, giáo viên môn Khoa học tự nhiên rất vất vả khi chuyển từ dạy một môn học được đào tạo chính quy và bài bản (trước đây), sang dạy cả những phân môn chưa được đào tạo, chỉ được bồi dưỡng chứng chỉ nên không sâu... Ảnh: NVCC.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công, giáo viên môn Khoa học tự nhiên rất vất vả khi chuyển từ dạy một môn học được đào tạo chính quy và bài bản (trước đây), sang dạy cả những phân môn chưa được đào tạo, chỉ được bồi dưỡng chứng chỉ nên không sâu... Ảnh: NVCC.

Từ đó, chúng tôi mong có thể sớm đào tạo giáo viên bài bản cho các môn học tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Ngoài ra, tài liệu Giáo dục địa phương cũng cần đáp ứng kịp thời vì đến hiện tại, các nhà trường, giáo viên vẫn tự xây dựng để dạy, nên không có sự thống nhất”.

Mộc Trà