Cử người dự giám sát kiểu 'điểm danh, có mặt', cần xử lý nghiêm người đứng đầu

18/04/2022 06:38
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc lãnh đạo một số đơn vị vắng mặt trong buổi giám sát đã được lên kế hoạch là hoàn toàn thiếu trách nhiệm.

Lãnh đạo vắng buổi giám sát đã lên kế hoạch là thiếu trách nhiệm

Sự việc buổi giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phải hủy bỏ do lãnh đạo Sở Tài chính và Sở Y tế vắng mặt, đến trễ vào sáng 14/4 thu hút rất nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm phê phán với lãnh đạo 2 sở, ngành này.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi (Đại biểu Quốc hội khoá XI, XII, XIII, XIV, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các Vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIV) nhìn nhận: “Việc lãnh đạo một số đơn vị vắng mặt trong buổi giám sát đã được lên kế hoạch là hoàn toàn thiếu trách nhiệm. Thà rằng, trước đó, khi có lịch tổ chức buổi giám sát, nếu như không tham gia được, đơn vị phải có trách nhiệm trao đổi, báo cáo lại. Nếu đã nhận lịch mà không sắp xếp tham gia, cũng không báo cáo trước, là không tôn trọng kế hoạch chung.

Điều quan trọng ở đây là các đơn vị này không tuân thủ ý kiến thống nhất ban đầu về chương trình làm việc, bởi, là người đứng đầu, khi đã quyết định và đồng ý với lịch làm việc như vậy, thì phải bố trí và trực tiếp làm việc”.

Tiến sỹ Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Quochoi.vn

Tiến sỹ Bùi Sĩ Lợi. Ảnh: Quochoi.vn

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết thêm: “Thông thường, trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, thì người đứng đầu phải trực tiếp tham gia, để làm việc, để lắng nghe, tiếp thu, cũng như để báo cáo và trình bày. Nếu trong trường hợp thực sự đột xuất, lãnh đạo sở, ngành phải có ý kiến, xin phép khi còn thời gian. Nếu thời gian cận kề quá, cũng phải xin phép cho được dùng người thay thế.

Điều đó đã được quy định rõ ràng, mà các đơn vị không làm theo, sẽ dẫn đến một hệ lụy: Đoàn giám sát cảm thấy không được tôn trọng, sẽ tạo một cái nhìn rất xấu đến các hoạt động chung”.

“Thêm nữa, nội dung làm việc trong buổi giám sát ấy có liên quan trực tiếp đến người đứng đầu, mà người đứng đầu lại không tham gia giám sát, không được nghe, thì một mặt là đơn vị không thể trình bày được cho đoàn giám sát, mặt khác, có những vấn đề mà đoàn giám sát cần trao đổi, thì lại không có người tiếp thu. Bởi vậy, thường những tồn tại trong đoàn giám sát phải do người đứng đầu tiếp thu, để kịp thời xử lý.

Chưa hết, việc không tham gia buổi giám sát như vậy, rất dễ khiến mối quan hệ giữa cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát có khoảng cách, nhiều khi gây ra tâm lý tự ái, cảm giác không được tôn trọng, nên không muốn làm việc, dẫn đến hủy buổi làm việc và thậm chí phê bình” - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các Vấn đề xã hội của Quốc hội khoá XIV đề cập.

Cử đại diện tham dự tránh kiểu "điểm danh, có mặt"

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cũng chỉ ra: “Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương đã được quy định rất rõ ràng trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bất kỳ ai cũng có thể nhận thấy tầm quan trọng của hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, khi Hội đồng nhân dân các địa phương tổ chức hoạt động giám sát, cũng gặp phải không ít khó khăn”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Đại biểu cung cấp
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: Đại biểu cung cấp

Cụ thể, nữ đại biểu phân tích: “Một mặt, nhiều khi, chính các đại biểu Hội đồng nhân dân cũng không hào hứng tham gia các hoạt động giám sát. Vì đa phần, các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đều là những đại biểu kiêm nhiệm (cũng có đại biểu chuyên trách nhưng không nhiều), nên các đại biểu thường sẽ bận rất nhiều công việc khác nhau. Chính vì vậy, nếu như không thực sự tha thiết với hoạt động của Hội đồng nhân dân, sẽ có rất nhiều lý do để không tham gia các cuộc giám sát. Và tôi nhận thấy, trên thực tế, các đại biểu tham gia các cuộc giám sát của Hội đồng nhân dân cũng là rất ít.

Đối với đại biểu đã như vậy. Mặt khác, đối với các sở ngành có liên quan tham gia vào buổi giám sát, nhiều khi cũng chỉ mang tâm lý tham gia cho có hình thức. Có những trường hợp không tham gia, có những trường hợp thậm chí cử thành phần tham gia không hợp lý, thường thường chỉ cử đại diện đi theo kiểu “điểm danh, có mặt”... Đó chính là một phần nguyên nhân khiến chất lượng giám sát tại các địa phương chưa thực sự cao.

Điều này thể hiện ở chỗ, các đơn vị chưa coi trọng hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, mặc dù hoạt động này rất có ý nghĩa.

Và nếu như, Hội đồng nhân dân không giám sát tích cực về việc thực hiện các chính sách, chế độ, quy định trong tỉnh, sẽ không kịp thời phát hiện ra những bất cập, không kịp thời phát hiện ra những khó khăn, vướng mắc, thậm chí không kịp thời nắm bắt được các kiến nghị...”.

“Vậy, làm sao để hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các địa phương chất lượng hơn?

Tôi cho rằng, bên cạnh việc tổ chức các hội nghị, hội thảo về bồi dưỡng kỹ năng cho các đại biểu Hội đồng nhân dân, thì cũng cần phải có những chế tài thật nghiêm túc. Với những hoạt động giám sát như vậy, đối với các đại biểu và các cơ quan có liên quan không tham gia, hoặc tham gia mà không chất lượng, phải có hình thức xử lý: phê bình, kiểm điểm, thậm chí nặng hơn có thể kỷ luật” - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.

Cuối cùng, vị Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: “Đặc biệt, khi Hội đồng nhân dân tổ chức hoạt động giám sát, theo quan điểm của tôi, bên cạnh việc tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng, thì các ban khi tổ chức các cuộc giám sát cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ, có những kiến nghị thực sự kịp thời”.

Ngân Chi