Cử nhân sư phạm Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý có thể khó xin việc

01/09/2021 08:23
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sinh viên sư phạm các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cũng khó có thể được tuyển dụng và dạy ở bậc trung học phổ thông.

Tiếp tục bàn thêm về một khía cạnh của 2 môn tích hợp là môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở bậc trung học cơ sở đó là việc giải quyết cơ hội nghề nghiệp của các em sinh viên sư phạm đang học các môn trên ở các trường đại học và vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất trăn trở điều này khi dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 28/8.

Vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên trong thời gian gần đây đã dẫn đến tình trạng tinh giản, cắt hợp đồng ở nhiều nơi do việc tuyển dụng bất hợp lý, thiếu định hướng lâu dài, tầm nhìn chiến lược, đặt hàng sinh viên sư phạm không đúng nhu cầu.

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp, tương lai sinh viên sư phạm các môn tích hợp, vị thế của ngành sư phạm trong thời gian tới.

Nhưng người viết thấy rằng sinh viên các ngành thuộc các môn tích hợp mới ở bậc trung học cơ sở là các môn Khoa học tự nhiên (tích hợp môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp môn Lịch sử, Địa lý) trong thời gian tới sau khi ra trường thì việc tìm việc không hề đơn giản, vì sau khi hoàn tất giáo viên dạy toàn bộ môn tích hợp vào năm 2024-2025 có thể sẽ không thiếu giáo viên 2 môn tích hợp đó.

Nghịch lý thừa, thiếu giáo viên trong thời gian tới sẽ vẫn là một bài toán vô cùng nan giải.

(Ảnh minh họa: TTXVN)

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Có thể dôi dư giáo viên các bộ môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở

Theo lộ trình thực hiện chương trình mới, ở bậc trung học cơ sở thì chương trình được thực hiện ở lớp 6 năm học 2021-2022 này và hoàn tất cả bậc trung học cơ sở vào năm học 2024-2025.

Như vậy sau khi giáo viên được bồi dưỡng, học tập và hoàn thành chứng chỉ các môn tích hợp, giai đoạn 2024-2025 gần như chắc chắn mỗi giáo viên sẽ dạy cả môn tích hợp.

Vì môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý là một môn học mới, mà một môn học thì sẽ do 1 giáo viên giảng dạy.

Khi đó, với lực lượng giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý hiện nay tại các trường trung học cơ sở (cộng luôn cả giáo viên các môn trên nghỉ hưu) thì tôi nghĩ lực lượng giáo viên các môn tích hợp sẽ không thiếu, thậm chí sẽ thừa khá nhiều

Tôi ví dụ một ngôi trường trung học cơ sở có khoảng 30 lớp học, hiện nay cần tối thiểu khoảng 3 giáo viên Vật lý, 4 giáo viên Sinh học, 3 giáo viên Hóa học, tổng cộng khoảng 10 giáo viên, tuy nhiên sau khi triển khai chương trình mới, không còn 3 môn này và thay vào đó là 1 môn Khoa học tự nhiên do 1 giáo viên dạy, thì trường này chỉ cần khoảng 7 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, như vậy sẽ dôi dư 3 giáo viên, tính luôn giáo viên nghỉ hưu có thể vẫn còn thừa giáo viên.

Đối với 2 môn Lịch sử, Địa lý hiện nay cũng sẽ dư thừa giáo viên khi chương trình mới không còn 2 môn này mà được thay bằng 1 môn Lịch sử và Địa lý.

Tại các trường có số lớp đông hơn thì dư thừa sẽ nhiều hơn.

Nếu tính tất cả các trường trung học cơ sở trên cả nước thì số lượng giáo viên dư thừa các môn này sẽ khá nhiều.

Sinh viên sư phạm các ngành tích hợp sẽ đi về đâu?

Do tổng số tiết học các môn tích hợp không thay đổi nhiều so với tổng số tiết các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý hiện nay, nhưng do việc tích hợp 2, 3 môn trong Chương trình 2000 thành một môn mới trong Chương trình 2018 nên sẽ tinh gọn, sẽ dôi ra các giáo viên trên, có thể phải tinh giản trong thời gian tới.

Nhiều trường sư phạm hiện nay đã tuyển sinh và đào tạo sinh viên sư phạm các ngành môn tích hợp, đến năm 2024-2025 cũng sẽ là năm có nhiều sinh viên sư phạm các môn tích hợp kia ra trường, ở các trường sẽ có thể dư thừa một lượng giáo viên các môn trên.

Như vậy, tương lai nào cho các em sinh viên sư phạm học 2 môn tích hợp trên? Rõ ràng là khó xin việc khi không còn vị trí để tuyển dụng.

Như vậy sinh viên sư phạm các môn tích hợp đó khả năng khó tìm việc là rất cao.

Sinh viên sư phạm các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cũng khó có thể được tuyển dụng và dạy ở bậc trung học phổ thông.

Đây là vấn đề rất khó giải quyết, đến khi đó lại tái diễn tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp ồ ạt, các em sẽ không dám thi vào sư phạm, ngành sư phạm lại rớt giá như trong thời gian qua.

Không những thế, các trường đại học sư phạm tuyển sinh vào ngành sư phạm gặp khó do thiếu sinh viên thì giảng viên các ngành trên sẽ đi về đâu.

Việc này phải được tính toán cẩn thận, khoa học, lâu dài. Học sinh giỏi sẽ khó vào sư phạm, vào sư phạm thì lại khó xin việc làm.

Theo quan điểm của cá nhân người viết, nếu nếu tích hợp được một cách khoa học, hợp lý, tinh gọn bộ máy và hiệu quả thì rất tốt.

Sau năm học 2024-2025, sinh viên sư phạm các môn Vật lý, Hóa học, Lịch sử,… đã ra trường sẽ không xin được việc?

Hiện nay, vẫn còn một số lượng sinh viên sư phạm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý chưa tìm được việc làm, vẫn đang thất nghiệp.

Mặt khác, trong thời gian tới vẫn còn một lực lượng sinh viên các môn đó vẫn còn đang đào tạo tại các trường sư phạm tức là sẽ ra trường trong các năm tiếp theo.

Như vậy, những sinh viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý bậc trung học cơ sở đang đào tạo hiện nay, sau năm học 2024-2025 thì sẽ càng khó xin được việc ở bậc trung học cơ sở, do không còn các môn đó, không còn vị trí để tuyển dụng.

Nếu muốn được tuyển dụng thì phải tự bỏ tiền túi học thêm chứng chỉ tích hợp theo các quyết định 2454, 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vấn đề nữa là sau thời gian dài học đại học nếu không học chứng chỉ tích hợp thì thất nghiệp, nếu bỏ tiền túi học chứng chỉ tích hợp rồi lại không có chỉ tiêu tuyển dụng, vừa mất tiền vừa không được tuyển dụng thì lại rất đau xót.

Mặc dù, cử nhân các ngành sư phạm các môn này vẫn có thể đăng ký tuyển dụng ở bậc trung học phổ thông, tuy nhiên tại bậc phổ thông trong thời gian tới cũng sẽ dư thừa nhiều giáo viên các môn đó do học sinh sẽ lựa chọn các môn trong các nhóm môn, nên việc tuyển dụng là khó khả thi. Việc này sẽ được phân tích cụ thể ở các bài viết sau.

Do đó, ngành giáo dục hiện nay nên bắt tay ngay vào việc rà soát lực lượng giáo viên các môn tích hợp và cả các môn khác hiện nay, số lượng cụ thể giáo viên thừa, giáo viên thiếu ở bộ môn nào, đặt hàng đào tạo các môn thiếu, giải quyết với giáo viên dư thừa,...

Kế hoạch lâu dài sau khi các em sinh viên sư phạm các môn tích hợp ra trường, nhu cầu cụ thể là bao nhiêu.

Đừng để việc tuyển sinh thì ồ ạt, các em học sinh giỏi, sinh viên sư phạm giỏi ra trường phải thất nghiệp ồ ạt thì rất bất cập như trong các năm về trước.

Trong năm học này và các năm tiếp theo thì có thể vừa thiếu vừa thừa giáo viên, nhưng khi hoàn tất lộ trình chương trình mới thì lại thừa giáo viên.

Các môn thừa thì sẽ tiếp tục thừa, các môn thiếu như Ngoại ngữ 2, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, Âm nhạc, Mĩ thuật ở bậc trung học phổ thông,… lại sẽ thiếu vì việc đào tạo là nhỏ giọt, khó tìm sinh viên sư phạm học các ngành trên.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương công bố chi tiết cụ thể số lượng giáo viên thừa, thiếu cụ thể ở các môn nào, định hướng đến năm 2024-2025 để làm cơ sở cho các trường đại học lên chỉ tiêu tuyển dụng sinh viên theo nhu cầu, theo đặt hàng của các địa phương một cách khoa học, hợp lý cũng như là một trong những giải pháp để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NHẬT KHOA