Cụ thể hóa địa vị pháp lý, nâng cao hiệu quả của các Đoàn giám sát

27/09/2022 13:30
Theo TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 27/9, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023.

Sáng 27/9, tiếp tục chương trình Hội nghị triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội năm 2023, các đại biểu tham dự trực tiếp tại Nhà Quốc hội và trực tuyến tại các điểm cầu đã có những trình bày tham luận và thảo luận về thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tạo chuyển biến tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ sự thống nhất cao đối với những đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất cao với các nội dung triển khai Chương trình giám sát năm 2023; đồng thời nhấn mạnh, năm 2022, trong bối cảnh tình hình cả nước thực hiện mục kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai Chương trình giám sát năm 2022 với rất nhiều đổi mới.

Nổi bật trong đó là hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian qua đổi mới cả về phương thức, nội dung và quy trình tổ chức thực hiện.

Giám sát chuyên đề của Quốc hội tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, rõ nét với những chuyên đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.

Nội dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, bao quát được các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được cử tri và nhân dân đánh giá cao.

Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội từng bước cụ thể hóa địa vị pháp lý của Đoàn giám sát, khảo sát trong thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của Đoàn giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo điều hòa các hoạt động giám sát, khảo sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đảm bảo hài hòa, thống nhất về thời gian đối với các cơ quan của thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát, nội dung tập trung vào một số lĩnh vực: công tác quy hoạch, công tác quản lý đất đai; các chính sách khuyến khích thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19; công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện các kết luận giám sát nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp.

Trình bày tham luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang cho biết, năm 2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021." Ngoài ra, một số Ủy ban của Quốc hội tổ chức Đoàn công tác làm việc về chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) , biển đảo.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Nhàn cho rằng kết quả bước đầu hoạt động giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội đã có tác động, ảnh hưởng, chuyển biến mạnh mẽ tới công tác thực hiện chính sách, pháp luật của địa phương. Một số giải pháp, phân công trách nhiệm đã được kịp thời ban hành để khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế đã được Đoàn công tác chỉ ra.

Tuy nhiên, sau quá trình chấp hành việc thực hiện giám sát của Đoàn Giám sát, tỉnh Kiên Giang nhận thấy: Giai đoạn thực hiện giám sát còn khá dài, đề cương báo cáo một số chuyên đề tập trung tất cả các lĩnh vực đều có liên quan nhất là chuyên đề “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; kỳ báo báo chuyển giao giữa hai giai đoạn (2016-2020, 2021) chưa đồng bộ với các giai đoạn lập kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội; kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch thu chi ngân sách... đã hưởng đến tiến độ, chất lượng cũng như nội dung báo cáo của tỉnh, dẫn đến báo cáo phải chỉnh sửa nhiều lần và phải liên tục cập nhật bổ sung, chứng minh tài liệu liên quan.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang kiến nghị Quốc hội tiếp tục mở rộng các chuyên đề giám sát trong các lĩnh vực cụ thể, Nghị quyết về giám sát, chất vấn cần gọn, rõ, có các tiêu chí định lượng, mốc thời gian, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát.

Tỉnh Kiên Giang đánh giá cao mô hình Tổ công tác của đoàn có tổ chức làm việc trước một bước; đồng thời đề nghị cơ cấu Tổ công tác nên đầy đủ các thành phần có liên quan để đối tượng được giám sát có buổi giải trình, làm rõ hoặc cần thiết đối thoại/trao đổi trực tiếp để làm rõ một số vấn đề còn có quan điểm khác nhau trước khi Đoàn giám sát làm việc/kết luận...

Quan tâm theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình giám sát những tháng cuối năm 2022 và Chương trình giám sát năm 2023, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy kiến nghị tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.

Cùng với đó là quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, thực hiện các giải pháp đổi mới được đề xuất tại Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát đã được Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt và ban hành Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 3/8/2022 để thực hiện; đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giám sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, kết luận, kiến nghị giám sát phải tập trung vào các nội dung trọng tâm, sâu sắc, có tính thuyết phục và thực tiễn; chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với với các vấn đề tồn tại, hạn chế; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả, tránh gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị là đối tượng chịu sự giám sát...

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh cho biết, năm 2022, triển khai các Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực tham gia và đóng góp các ý kiến có chất lượng vào kế hoạch, nội dung đề cương giám sát của các Đoàn giám sát.

Điển hình như đối với các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khâu xây dựng kế hoạch thực hiện và đề cương chi tiết của cuộc giám sát theo yêu cầu của một số Đoàn giám sát, trong đó có đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung trong Đề cương báo cáo để phù hợp với hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

Đồng thời căn cứ Kế hoạch chương trình giám sát, Đề cương giám sát của các Đoàn giám sát, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo toàn Ngành chủ động tổng hợp kết quả kiểm toán theo từng giai đoạn phù hợp với phạm vi, nội dung, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát và sẵn sàng tham gia phục vụ các Đoàn giám sát tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khi có yêu cầu.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động giám sát, cũng như phát huy được vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong các hoạt động giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xem xét có kế hoạch giám sát trung hạn (2-3 năm) hoặc định hướng sớm hơn về các chuyên đề dự kiến giám sát hằng năm (tối thiểu trước 1 năm).

Bên cạnh đó, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thêm một trong hướng tiếp cận khi lựa chọn chủ đề giám sát liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công trên cơ sở khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán đã thực hiện...

Theo TTXVN