Cử tri Đà Nẵng than phiền với nhiều chính sách của ngành giáo dục

26/09/2018 06:56
Tấn Tài
(GDVN) - Cử tri bày tỏ bức xúc trước việc sử dụng sách giáo khoa một lần, làm tiêu tốn cả ngàn tỷ đồng mỗi năm nên đề nghị đại biểu Quốc hội góp ý, giám sát.

Không tin nhà xuất bản giáo dục lỗ 40 tỷ đồng/năm

Ông Lê Tự Cường - Chủ nhiệm câu lạc bộ Thái Phiên (nơi sinh hoạt của các cán bộ trung và cao cấp) cho biết, những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều chính sách ban hành không được tốt. 

Cử tri bức xúc trước những vấn đề nóng hiện nay là: chính sách giáo dục, sách giáo khoa, đất quốc phòng, xây dựng trái phép. Ảnh: TT
Cử tri bức xúc trước những vấn đề nóng hiện nay là: chính sách giáo dục, sách giáo khoa, đất quốc phòng, xây dựng trái phép. Ảnh: TT

Nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua thì đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng quan tâm, góp ý, xây dựng để hoàn thiện.

Theo ông Cường, vấn đề được quan tâm nhất là hiện vẫn chưa có chương trình chuẩn quốc gia. Trong khi lại có thông tin đã biên soạn sách giáo khoa chuẩn.

Việc chưa có chương trình nhưng lại có sách giáo khoa là chuyện vô lý, ngược đời, chẳng khác nào “cái cày đi trước con trâu”.

Cử tri Đà Nẵng than phiền với nhiều chính sách của ngành giáo dục ảnh 2Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới?

“Bộ Giáo dục là đơn vị được đầu tư nguồn ngân sách khá lớn, là nơi tập trung nhiều chuyên gia, Tiến sĩ, giáo sư hàng đầu, có học vấn cao nhưng thời gian qua vẫn không làm đạt yêu cầu. Chưa thực sự đáp ứng mong mỏi của người dân”.

Ông Cường nói tiếp, vấn đề sách giáo khoa thì ai cũng phàn nàn cả. Một bộ sách giáo khoa hàng trăm ngàn nhưng chỉ sử dụng một lần gây lãng phí. Trong khi nhà nước phải chi cả ngàn tỷ đồng để in ấn, phát hành sách giáo khoa.

“Còn nghịch lý nữa là ở chỗ ông Nhà xuất bản giáo dục lại kêu lỗ hơn 40 tỷ đồng/năm vì in sách giáo khoa. Tôi không tin điều này. Vì nhìn vào đời sống của những người làm ở nhà xuất bản sẽ thấy, sẽ biết hết”, ông Cường nói.

Theo ông Cường thì mỗi năm thay sách một lần là rất tốn kém nên đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm vấn đề này.

Cử tri này cho rằng, Chính phủ đã thiếu quan tâm khi để Bộ Giáo dục muốn làm gì thì làm trong vấn đề này. Bởi cách điều hành của Bộ Giáo dục thời gian qua là không chấp nhận được.

Tiếp tục góp ý về các chính sách giáo dục, ông Cường nói hiện có hàng trăm, hàng ngàn sinh viên, thạc sĩ, Tiến sĩ... ra trường thất nghiệp.

Đây đều là những vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay, chứ không phải là chuyện đơn giản. Giáo dục liên quan đến sự thịnh suy của một quốc gia, dân tộc nên phải được quan tâm nhiều hơn nữa.

Về kỳ thi 2 trong 1, ông Cường cho rằng, Bộ Giáo dục nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, chỉ thi đại học. Bởi dù có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thì cũng có đến 98% học sinh đậu.

Mà chúng ta đã phổ cập thì nên bỏ thi và chỉ xét tốt nghiệp qua điểm số của hai học kỳ năm cuối cấp (lớp 12). Những học sinh nào có đủ năng lực thì tiếp tục thi Đại học.

Chính kỳ thi 2 trong 1 đã khiến nảy sinh tình trạng sửa điểm, ăn gian điểm để được chọn vào các trường Y, an ninh, quân đội... thời gian qua.

“Nếu để những thí sinh ăn gian điểm đó vào các trường tốt như vậy thì rất nguy hiểm. Do đó, phải bỏ ngay kỳ thi tốt nghiệp từ năm học sau”.

Ngoài ra, cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm, góp ý về các chính sách lương bổng cho nhà giáo. Bởi hiện tại mức lương của giáo viên rất thấp.

Quốc hội sẽ bàn kỹ luật giáo dục sửa đổi

Ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố) đã ghi nhận những đóng góp ý kiến của cử tri và hứa sẽ nghiên cứu, phát biểu những vấn đề mà cử tri bức xúc, quan tâm trong kỳ họp Quốc hội tới.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa giải đáp những thắc mắc của cử trị. Ảnh: TT
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa giải đáp những thắc mắc của cử trị. Ảnh: TT

Ông Nghĩa cũng thông tin thêm là Thường trực Quốc hội đã nghe chất vấn các vấn đề về luật giáo dục và đúng là nó có nhiều vấn đề đáng bàn như: chương trình mới, sách giáo khoa, chế độ cho giáo viên...

Có một thực tế là giáo viên chỗ thừa, chỗ thiếu, tiền lương cũng không ổn định nên kỳ họp này sẽ bàn nhiều.

Bí thư Đà Nẵng cũng dẫn lại câu chuyện sử dụng sách giáo khoa của thế hệ trước. Đó là việc các gia đình không có tiền mua sách giáo khoa mới mà phải xin hoặc mượn của người học trước. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đưa bằng chứng, Thứ trưởng và Tổng chủ biên ăn nói sao?

Một bộ sách có thể được dùng qua nhiều thế hệ, nó khác với câu chuyện của sách giáo khoa bây giờ. Và hiện Bộ Giáo dục đang phát động phong trào giữ sách (sử dụng nhiều lần).

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri lần này, Bí thư Đà Nẵng đã giải đáp nhiều thắc mắc của người dân trong việc xử lý sai phạm về trật tự xây dựng, vấn đề sử dụng đất Quốc phòng....

Tấn Tài