Cử tri phản ánh chưa có khung vị trí việc làm đối với môn tích hợp, Bộ GD nói gì

10/02/2023 06:40
Hà An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tinh giản biên chế dựa trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng gửi tới trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 7963/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2022.

Theo đó, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xem xét giao chỉ tiêu tuyển sinh và giao chỉ tiêu biên chế đối với ngành Giáo dục và Đào tạo theo nhu cầu từng tỉnh, thành phố để các địa phương chủ động trong việc đào tạo, tuyển dụng và sử dụng. Đồng thời nghiên cứu, xem xét xây dựng chính sách cụ thể riêng đối với việc giảm biên chế và giao chỉ tiêu biên chế để việc phân bổ chi tiêu biên chế nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng được thuận lợi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cử tri phản ánh, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư quy định về đánh giá học sinh trung học sở sở và học sinh trung học phổ thông nhưng chưa có Thông tư quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập; đặc biệt là vị trí việc làm đối với các môn học tích hợp như: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung Giáo dục địa phương và môn học tự chọn. Cử tri kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan sớm điều chỉnh và ban hành Thông tư quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập để phù hợp với việc triển khai nhiệm vụ giáo dục tại nhà trường theo đúng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Và cử tri kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét ban hành chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung phối hợp trả lời của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, đầu tháng 2/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phản hồi như sau:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026), trong đó thành phố Hải Phòng được bổ sung 267 biên chế giáo viên năm học 2022-2023.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72-QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Việc thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước cần được các địa phương thực hiện nghiêm túc trên nguyên tắc giảm số lượng người hưởng lương từ ngân sách nhà nước chứ không giảm số lượng người làm việc. Do đó, địa phương cần có các giải pháp phù hợp để bảo đảm có đủ số lượng giáo viên giảng dạy cũng như nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Về giao chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục và đào tạo theo nhu cầu của Thành phố:

Để có thể bố trí đủ chỉ tiêu biên chế đối với ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu của địa phương trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, đề nghị thành phố Hải Phòng thực hiện một số nội dung sau:

Đẩy mạnh việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý theo hướng tinh gọn; cơ cấu lại đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo, gắn với tinh giản biên chế để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật (phù hợp với đặc điểm vùng, miền), định mức chi phí theo thẩm quyền, làm cơ sở để ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Đổi mới phương thức cấp ngân sách bình quân theo chỉ tiêu biên chế sang đặt hàng tương ứng với quy mô học sinh của từng cơ sở giáo dục.

Hoàn thiện việc phê duyệt Đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ mức độ tự chủ về tài chính và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tương ứng với mức độ tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trong việc thực hiện Đề án tự chủ theo quy định.

Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; có cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục để giảm tải đối với khu vực công.

Chỉ đạo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc hợp đồng lao động làm chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có cơ sở giáo dục phổ thông công lập) theo Đề án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập khi được ban hành.

Như vậy, khi thành phố Hải Phòng chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp nêu trên, sẽ tạo điều kiện cho Thành phố vừa thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế vừa cơ cấu lại được số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước và số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về định mức số lượng người làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm tăng quy mô trường/lớp, học sinh) của Thành phố.

Về tinh giản biên chế: Tại Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 đã yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm đến hết năm 2026 giảm ít nhất 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Theo đó, tại Quyết định số 72-QĐ/TW, Bộ Chính trị đã quyết định số biên chế sự nghiệp của từng địa phương đến hết năm 2026. Do vậy, các địa phương (trong đó có thành phố Hải Phòng) có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định nêu trên.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện quy trình xây dựng các Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, Thông tư thay thế Thông tư số 16/2017/TTLT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Dự thảo các Thông tư đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời gửi xin ý kiến rộng rãi của các địa phương, cơ sở giáo dục và các cá nhân, tổ chức liên quan. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Nội vụ thống nhất các nội dung của dự thảo Thông tư để ban hành.

Khoản 14 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (Nghị định số 81) đã quy định đối tượng miễn học phí gồm: “Học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp Y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước”.

Ngoài ra, sinh viên học các ngành lĩnh vực sức khỏe nếu thuộc đối tượng chính sách (người dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo...) được miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81.

Như vậy, hiện nay Nhà nước đã có các chính sách miễn giảm học phí đối với người học một số chuyên ngành đặc thù thuộc lĩnh vực sức khỏe và thuộc đối tượng chính sách. Đối với các đối tượng khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo xin ghi nhận ý kiến của cử tri và sẽ phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở khi điều kiện ngân sách nhà nước cho phép để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hà An