Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực: EVN chưa báo cáo tăng giá

07/05/2013 06:40
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công thương tổ chức vào chiều qua (6/5), ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đã khẳng định điều này.

Sau khi giá bán than tăng vào cuối tháng 4 vừa qua, rất nhiều câu hỏi đặt ra là liệu giá điện có tăng hay không, và khi nào sẽ tăng? Giải đáp thắc mắc này, ông Đặng Huy Cường - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết sau khi giá than bán cho sản xuất điện được phép điều chỉnh tăng, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cân đối chi phí sản xuất điện trong thời gian tới.


Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN vận hành linh hoạt các nguồn phát để tiết giảm tối đa chi phí. “Hiện tại, EVN chưa có báo cáo chính thức nào về việc điều chỉnh giá bán điện trong thời gian sắp tới”, ông Cường nói.

Vẫn theo Cục trưởng Cường, EVN đảm bảo cung cấp đủ điện theo kế hoạch dự kiến trong tháng 5 đối với sản xuất và tiêu thụ trên toàn hệ thống khoảng 11,78 tỷ kWh, tăng khoảng 11,13% so với cùng kỳ năm 2012.

Việc 3 tập đoàn Than – Điện – Dầu khí liên kết sản xuất điện có tạo nên sự độc quyền hay không? Bà , Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, điều này chưa có cơ sở để khẳng định, cần phải có thời gian và lộ trình thực hiện, sau đó có sự đánh giá rút kinh nghiệm mới có thể báo cáo chính thức.

Đối với chủ trương mua điện của Trung Quốc trong thời gian tới, ông Đặng Huy Cường cho biết, lượng nước về các hồ thủy điện trong các tháng qua cho tới tháng 5 chưa nhiều nên EVN chủ trương khai thác tối đa các nguồn phát điện dùng than, khí, kể cả mua của Trung Quốc.

“Dự kiến trong tháng 5 này, EVN vẫn tiếp tục triển khai phương án sản xuất điện như cũ để đảm bảo cung ứng điện và có thể không phải phát điện bằng nguồn điện dầu theo như kế hoạch, tránh việc tăng giá thành.

Tuy nhiên, đây mới là kế hoạch cho nên có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi, ví dụ nguồn nước về sớm hơn thì sẽ giảm các nguồn sản xuất điện giá cao. Nguồn điện mua của Trung Quốc cũng chưa phải là nguồn cung ứng điện đắt tiền nhất nên sẽ được xem xét một cách linh hoạt trong điều tiết và vận hành đảm bảo mục tiêu cung ứng điện hợp lý, giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm áp lực với việc tăng giá điện”, ông Cường cho hay.

Thêm một vấn đề khác cũng được báo chí đề cập vào chiều qua, đó là vì sao thủy điện ĐăkMi 4 không thực hiện đúng kế hoạch xả nước đảm bảo cho sản xuất và sinh hoạt tại vùng hạ du miền Trung và Nam Tây Nguyên?

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực giải cho biết, trong tháng 3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và EVN xem xét các nhà máy điện tại địa bàn Trung và Nam Tây Nguyên để tính toán sản lượng nước cần thiết phục vụ cho việc tưới tiêu vụ lúa hè thu.

Ngày 11/4, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) đã có văn bản gửi cho các đơn vị liên quan, trong đó có EVN và các nhà máy như thủy điện như A Vương và ĐakMi 4 quy định lịch xả nước.

Ông Cường thông tin: “Sau khi có công văn này, Cục Điều tiết Điện lực đã yêu cầu EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cân đối giữa lượng nước về thực tế trong thời gian vừa qua, xem xét tới nhu cầu điện, nhu cầu giữ nước tối thiểu trong các hồ để đảm bảo từ ngày 15 – 30/5 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu xả nước để phục vụ nhu cầu tưới tiêu của khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng theo yêu cầu của Tổng cục Thủy lợi”.

Vì sao nhiều nhà máy thủy điện hoạt động từ lâu vẫn chưa lấy được giấy phép khai thác nước mặt của Bộ Tài nguyên và Môi trường? Ông Cường cho biết: Các nhà máy này dù chưa đầy đủ các hồ sơ được cấp phép, nhưng vẫn được xem xét tham gia vào phát điện để đảm bảo cung ứng điện, không gây lãng phí tài nguyên. Trong thời gian tới các nhà máy này cũng phải xử lý dứt điểm khâu cấp giấy phép”.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Ngọc Quang